Tin mới

Trung Quốc điều tra 50 quan chức chết bất thường

Thứ sáu, 30/01/2015, 14:44 (GMT+7)

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa ra lệnh điều tra "những cái chết bất thường" của một số quan chức nước này sau khi có thông tin cho rằng một số người chọn tự tử để thoát khỏi chiến dịch trấn áp tham nhũng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa ra lệnh điều tra "những cái chết bất thường" của một số quan chức nước này sau khi có thông tin cho rằng một số người chọn tự tử để thoát khỏi chiến dịch trấn áp tham nhũng.

Thông tin đăng tải trên website chính quyền tại ba tỉnh ở Trung Quốc cho biết, "Thông báo khẩn cấp" kêu gọi nhà chức trách cung cấp chi tiết về "những đảng viên chết trong các hoàn cảnh bất thường" kể từ năm 2012.

Tờ Caixin đưa tin, những thông báo tương tự đã xuất hiện trên website chính quyền ở ít nhất 9 tỉnh của Trung Quốc. Kể từ năm 2012 đến nay, có 50 quan chức đảng, chính phủ được công khai tuyên bố chết vì "các nguyên nhân bất thường".

Theo đó, đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi xem xét lại cái chết của quan chức ở mọi cấp bậc và phải cung cấp chi tiết nếu người đó được xác nhận là tự tử. Quá trình này yêu cầu phân loại tự tử vào nhiều danh mục, một trong số đó là "nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", cụm từ ám chỉ hành vi tham nhũng.

Chiến dịch trấn áp tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhắm cả vào một số quan chức cấp cao đang đương nhiệm hoặc đã về hưu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện một đợt trấn áp tham nhũng mạnh tay kể từ khi nhậm chức năm 2012. Một số quan chức được cho là đã tự tử để thoát khỏi điều tra hình sự và tránh việc các tài sản bất chính của họ bị tịch thu.

Theo kết quả khảo sát của China Youth Daily, nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của  quan chức Trung Quốc còn liên quan đến bệnh thần kinh, các bệnh do uống nhiều rượu bia, Tai nạn giao thông hoặc bị ám sát.

Chỉ trong tháng 4/2014, cái chết bất thường của ba quan chức nước này đã trở thành tâm điểm của truyền thông và dư luận.

Ông Zhou Yu, Chủ tịch quận Du Trung thuộc thành phố Trùng Khánh, tự sát trong phòng khách sạn vào ngày 4/4, trong khi một quan chức ở tỉnh Chiết Giang được phát hiện tử vong vào ngày 9/4.

Vào ngày 10/4, ông Xu Ye'an, Cục phó Cục Thư tín và Cuộc gọi Quốc gia Trung Quốc, được phát hiện tử vong sau khi tự sát ngay trong văn phòng làm việc.

Tờ China Daily hồi tháng 9/2014 đưa tin, Lâu Học Toàn, từng là bí thư đảng bộ một quận ở thành phố Nam Kinh, "đã tự treo cổ ở nhà riêng" sau khi bị "cách chức vì  nhận tiền dưới hình thức 'những món quà'".

Trong số quan chức tự sát, ông Bạch Trung Nhân, Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, là người có chức vụ cao nhất

Trong số quan chức tự sát, ông Bạch Trung Nhân, Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, là người có chức vụ cao nhất. Cái chết bí ẩn của ông Bạch tại nhà riêng dấy lên nhiều nghi vấn. Gia đình ông Bạch nói rằng, ông có biểu hiện trầm uất nặng trước khi chết.

Chiến dịch trấn áp tham nhũng của Chủ tịch Tập còn nhắm vào một số quan chức cấp cao đang đương nhiệm hoặc đã về hưu. Tuy nhiên, giới phê bình lại cho rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng như công khai tài sản, tư pháp độc lập.

Lin Zhe, giáo sư tại Trường Đảng Trung ương, năm ngoái nhận định, tự tử đã trở thành một "lỗ hổng pháp lý để các quan chức tham nhũng thoát tội".

"Kỷ luật và các cuộc điều tra liên quan đối với một quan chức tham nhũng... sẽ kết thúc nếu họ chết", ông Lin viết.

Giáo sư Lin cho rằng chết là hình phạt nặng nề hơn ngồi tù nhưng bằng cách này, các quan chức bị nghi tham nhũng "không chỉ bảo vệ được chức vị và danh dự mà còn bảo vệ được khối tài sản đã kiếm được cho gia đình, bởi thu nhập bất chính của họ sẽ không bị tịch thu".

 

Theo Yên Yên (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news