Tin mới

Trung Quốc khiến Seoul phải triển khai lá chắn tên lửa THAAD

Thứ ba, 26/07/2016, 10:17 (GMT+7)

Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận sau khi Mỹ và Hàn Quốc xác nhận việc triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tuy nhiên, theo The Diplomat, chính thái độ của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Quốc triển khai THAAD?

Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận sau khi Mỹ và Hàn Quốc xác nhận việc triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tuy nhiên, theo The Diplomat, chính thái độ của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Quốc triển khai THAAD?

Hôm 7/7, Seoul và Washington đã chính thức xác nhận quyết định triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Đây được xem là phản ứng chung đối với việc Triều Tiên liên tục thử nghiệm các tên lửa tầm trung và tầm xa, gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), cùng tuyên bố tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như trên lãnh thổ Mỹ.

Tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 5, diễn đàn ngoại giao chính về các vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với khả năng triển khai THAAD. Hàn Quốc và Mỹ cũng đã chịu sự phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh khi xác nhận quyết định triển khai vào tuần trước. Mối lo ngại của Trung Quốc là: THAAD có thể sử dụng radar X-band để đánh bại chiến lược "Chống tiếp cận/ Chống xâm nhập khu vực" (Anti-Access / Area Denial) của Bắc Kinh; quyết định triển khai THAAD ngầm ý rằng, Hàn Quốc có thể tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) do Mỹ dẫn đầu,  và THAAD đại diện cho sự giảm sút nghiêm trọng trong hiệu quả của các vùng đệm giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953. Nhưng ai là người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hiện nay? Và Trung Quốc có thực sự đang bị đối xử bất công như cách mà họ nói?

Hệ thống THAAD được phóng thử năm 2015. Ảnh: Missile Defense Agency

Trước tiên, Bắc Kinh nên được cảnh giác về một sự kích động chống đối dữ dội đối với Trung Quốc tại Hàn Quốc. Kể từ khi Tổng thống Park Geun-hye lên nắm quyền vào năm 2013, bà đã có những nỗ lực ngoại giao rất lớn để khuyến khích Trung Quốc có nhiều hành động hơn với Triều Tiên. Bà đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 6 lần, thậm chí còn tham dự cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh vào tháng 9 năm ngoài, bất chấp sự khó chịu của Mỹ.

Hàn Quốc nhìn chung đã duy trì một thái độ thiện chí đối với Trung Quốc, cho đến gần đây, thậm chí họ còn có phần ưu ái ông Tập hơn là Tổng thống Mỹ Barack Obama. Có những kỳ vọng hợp lý rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có thể được khai thác để tăng cường hợp tác an ninh, do đó họ cần tìm cách để đối phó với thách thức từ các lệnh trừng phạt quốc tế mà Triều Tiên đang gánh. Bây giờ, Trung Quốc dường như nghiêng về cách đối xử với Hàn Quốc như một nước chư hầu, và tinh thần quốc gia trung lập này đe dọa phá hoại đối tác hợp tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Seoul.

Thứ hai, quyết định này không hề được đưa ra nhanh chóng hay nhẹ nhàng, mà chỉ như một phương sách cuối cùng. Từ năm 2013, khi các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đặt vấn đề triển khai THAAD, Tổng thống Park đã thể hiện thái độ miễn cưỡng khi tiến hành bước đi này, bất chấp những lợi ích hoàn toàn hợp lý rằng lực lượng quân đội 4 sao của Mỹ sẽ bảo vệ các đơn vị khỏi mối đe dọa từ các vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.

Việc trì hoãn đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tìm các phương pháp thay thể để chế ngự thái độ của Hàn Quốc, song không mang lại kết quả đáng kể nào. Thất bại của Trung Quốc đã dẫn đến việc triển khai THAAD. Trung Quốc phải biết rằng những lời sáo rỗng như Bình Nhưỡng hành động "vô cùng tồi tệ", "Trung Quốc lấy làm tiếc", "Trung Quốc quan ngại"... sẽ không bao giờ là đủ.

Từ khi lên nắm quyền, bà Park đã nỗ lực nghiêm túc để tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm kiềm chế Triều Tiên. Ảnh: Xinhua

Thứ ba, mặc dù những nỗ lực nghiêm túc của bà Park để truyền tải thông điệp Hàn Quốc xem mối đe dọa về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên nguy hiểm đến mức nào, thì sự đáp lại của Trung Quốc chẳng khác nào một sự phản bội. Sau vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên, vào ngày 6/1/2016, bà Park đã gọi điện thoại cho Tập Cận Bình, song ông Tập từ chối nói chuyện với bà. Đây không phải là một phản ứng chân thành từ một đối tác đáng tin cậy. Bà Park đã có một nỗ lực thực sự để cân bằng mối quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc, chống lại liên minh an ninh Mỹ - Hàn, và nhẽ ra bà Park xứng đáng nhận được phản hồi tốt hơn từ ông Tập. Chính sách Trung Quốc của bà Park đã đổ vỡ, mặc dù lỗi không phải từ phía bà. Đó là lý do tại sao việc triển khai THAAD trở nên cần thiết.

Thứ tư, do quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng xấu đi, thì cũng không thể bỏ qua khả năng Bình Nhưỡng có thể nhắm tên lửa tới Trung Quốc trong một tương lai gần. Điều này chắc chắn sẽ thu hút sự bất mãn lan rộng và những lời chỉ trích từ người dân Trung Quốc, những người hiện đang trung thành với tầm nhìn của Tập Cận Bình về "giấc mơ Trung Hoa". Tổng thống Park luôn luôn phân biệt rõ ràng nhu cầu bảo vệ Hàn Quốc, chống lại các mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên với các tranh cãi địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, vì vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ mất lòng dân, bằng việc bỏ qua sự khác biệt này, Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích quyết định triển khai THAAD. Ảnh: Reuters

Thứ 5, quả bóng bây giờ rõ ràng ở phần sân của Trung Quốc: Liệu Bắc Kinh cuối cùng có nhìn nhận nghiêm túc mối đe dọa từ các vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên? Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hôm 9/7 đã cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (dù không thành công) chỉ vài tiếng sau thông báo triển khai THAAD, hoàn toàn bỏ qua cảnh báo của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn tránh bất cứ tin tức không mong muốn nào nữa, chẳng hạn Hàn Quốc quyết định chính thức tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do Mỹ dẫn đầu cùng với Nhật Bản, thì nên dừng ngay việc chỉ ngồi không làm ngơ cho Triều Tiên và cần làm gì đó thiết thực để kiềm chế đối tác ngang bướng này.

Hợp tác chiến lược hiện nay giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không thể chống đỡ lâu dài ảnh hưởng tiêu cực của những bất đồng cơ bản về THAAD. Chẳng bao lâu sẽ rất khó khăn để tránh leo thang quân sự trên bán đảo Triều Tiên, và có thể là bằng việc Hàn Quốc mua vũ khí hạt nhân. Tình hình nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa sự an toàn của toàn bộ Đông Bắc Á cũng như thế giới, bởi vậy các nước Mỹ - Trung - Hàn cần phải có cách tiếp cận linh hoạt hơn, dựa trên thực tế thay vì ý thức hệ.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news