Tin mới

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trên Biển Đông

Thứ hai, 25/07/2016, 15:09 (GMT+7)

Tờ National Interest của Mỹ nhận định Trung Quốc hiện đang tiến thoái lưỡng nan trên Biển Đông. Họ không muốn buông những đảo họ đang kiểm soát trái phép ở Biển Đông nhưng phải điều tiết được quan hệ với các nước láng giềng để tạo môi trường phát triển.

Tờ National Interest của Mỹ nhận định Trung Quốc hiện đang tiến thoái lưỡng nan trên Biển Đông. Họ không muốn buông những đảo họ đang kiểm soát trái phép ở Biển Đông nhưng phải điều tiết được quan hệ với các nước láng giềng để tạo môi trường phát triển.

Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài Thường trực PCA là chống đối. Tòa ủng hộ gần như toàn bộ 15 điểm mà Philippines đặt vấn đề lên tòa năm 2013. Trung Quốc đã tẩy chay quá trình tố tụng, đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa và công khai tuyên bố quyền lịch sử đối với Biển Đông cũng như các nguồn tài nguyên tại khu vực này. PCA đã bác bỏ tuyên bố này, kết luận "không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên".

Trước sự vắng mặt để thực hiện quyền biện hộ của Trung Quốc, Tòa trọng tài không còn cách nào khác là đưa ra phán quyết từ một phía, dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) - thứ mà cả Trung Quốc lẫn Philippines, chứ không phải Mỹ, đều đã ký kết.

Trong một tuyên bố đầy thách thức của mình, ngoại trưởng Trung Quốc nói: "Phán quyết này là không hợp lệ và không có hiệu lực ràng buộc. Trung Quốc không chấp nhận cũng không công nhận nó". Sau đó, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc đã tái khẳng định quyền được tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này tại Biển Đông. Ông này nói việc có tuyên bố ADIZ hay không còn phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt.

Ảnh minh họa: US Navy

Washington thì đã kêu gọi các nước quanh Biển Đông tránh "những tuyên bố hay hành động khiêu khích". Tại Philippines, việc đổi tổng thống dường như đã mang lại cách tiếp cận mới đối với việc giải quyết sự khác biệt của nước này và Trung Quốc. Ngoại trưởng nước này hoan nghênh phán quyết của tòa trọng tài, kêu gọi "kiềm chế và tỉnh táo" giữa các bên liên quan. Trước đó, ông nói rằng Philippines sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc sau khi có quyết định về việc thăm dò chung các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines vẫn hy vọng Trung Quốc tôn trọng phán quyết. Và lời lẽ mạnh mẽ của phán quyết đặt ra những giới hạn về việc Philippines có thể giảm đi những tuyên bố của mình tới mức nào mà không chịu phản ứng dữ dội từ trong nước.

Biển Đông có diện tích gần 4 triệu km vuông. 5 nghìn tỷ USD hoặc 1/3 tổng số thương thuyền đi qua khu vực này mỗi năm biến nơi này thành một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới. Biển Đông là một chiến trường tài nguyên, ước tính có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 5.380 km khối khí đốt tự nhiên cũng như 12% hoạt động đánh bắt toàn cầu.

Yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, đại diện bởi cái gọi là "đường 9 đoạn", có trước chế độ hiện hành tại Bắc Kinh. Trung Quốc hiện đang bị cáo buộc xây dựng 3.200 mẫu đất tại Biển Đông thông qua các nỗ lực xây và cải tạo đảo.

Mặc dù phán quyết này liên quan tới tranh chấp Philippines - Trung Quốc, nó sẽ thúc đẩy những tuyên bố tương tự của các nước khác chống lại đường 9 đoạn của Trung Quốc. Nó cũng sẽ gia tăng áp lực khiến Trung Quốc phải tìm kiếm một giải pháp đàm phán cho các yêu sách chồng chéo. Bất cứ cách giải quyết nào khác cũng sẽ gây tổn hại cho vị thế quốc tế của Trung Quốc.

Trung Quốc tin rằng sự hiện diện ngày một tăng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (hiện "đội lốt" Chính sách "Xoay trục sang châu Á" được phát động từ năm 2012) nghĩa là để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng những căng thẳng tại Biển Đông sẽ dễ dàng giải quyết hơn nếu Mỹ ưu tiên hợp tác khu vực hơn các quan hệ đối tác an ninh cá nhân. Thuật ngoại giao tích cực của Mỹ khuyến khích Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trong một mức độ nhất định nào đó tham gia vào các hoạt động "tự do hàng hải" tại Biển Đông. Điều này đã đổ thêm dầu vào lửa cho những bất hòa tại khu vực.

Mỹ xem tự do hàng hải là quan trọng đối với lợi ích của họ tại Tây Thái Bình Dương và họ cần phải duy trì một vai trò nổi bật trong khu vực. Do đó, họ lo ngại Trung Quốc sẽ cản trở tự do hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại phụ thuộc vào tự do hàng hải ở Biển Đông, họ sẽ gây trở lại cho thương thuyền theo sự nguy hiểm của mình.

Sự quyết đoán ngày một tăng của Trung Quốc tại Biển Đông là hệ quả tự nhiên của sức mạnh kinh tế đang lên và nhu cầu bảo đảm sân trước của họ. Thật điên rồ khi đánh giá thấp sự ngoan cố của Trung Quốc trong việc theo đuổi các lợi ích quốc gia của họ.

Rất khó để nói Trung Quốc sẽ xuống nước và nhường lại việc kiểm soát các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm trong đường 9 đoạn, bất chấp phán quyết của tòa. Nhưng Trung Quốc không muốn bị coi là kẻ bắt nạt trong khu vực và có khả năng sẽ điều tiết các quan điểm của nước khác trong những cuộc đàm phán song phương. Tham vọng của Trung Quốc cần một vùng lân cận thân thiện. Họ phải đảm bảo với các nước thành viên ASEAN rằng những ý định của họ là ôn hòa.

Các nước ASEAN phải đối mặt với tình thế cực kỳ khó xử trong việc cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Áp lực từ phía Trung Quốc có thể đẩy các nước nhỏ hơn về phía Mỹ.

Khi Trung Quốc là cường quốc khu vực và có tham vọng toàn cầu, nhiệm vụ đặt lên vai họ là phải đi đầu trong việc giảm căng thẳng. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải lặng lẽ làm việc sau hậu trường để điều tiết lợi ích của các nước ASEAN. Sau tất cả, những nhượng bộ kinh tế nhỏ từ phía Trung Quốc - nền kinh tế có GDP thực tế lớn nhất thế giới - có thể mang lại lợi ích lớn cho các nước ASEAN. Cùng với nhau, châu Á có thể phát triển một cách hòa bình.

Bảo Linh (National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news