Tin mới

Trượt cấp 3, cậu bé nghèo thành đại gia chục tỉ

Thứ năm, 04/06/2015, 08:59 (GMT+7)

Không đỗ tốt nghiệp THPT, phải đi học hệ bổ túc văn hóa và học thêm nghề thế nhưng 10 năm sau, Trương Đình Hoàn đã trở thành ông chủ của công ty cổ phần giải pháp mạng và máy tính trị giá vài chục tỷ đồng.

Không đỗ tốt nghiệp THPT, phải đi học hệ bổ túc văn hóa và học thêm nghề thế nhưng 10 năm sau, Trương Đình Hoàn đã trở thành ông chủ của công ty cổ phần giải pháp mạng và máy tính trị giá vài chục tỷ đồng.

Cậu bé nghèo gom tiền vay lập nghiệp

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ), rồi sau đó chuyển lên Hà Nội, đồng lương công nhân của bố và thu nhập nghề giáo của mẹ không đủ trang trải cho cuộc sống của cả 4 thành viên trong nhà nên ngay từ nhỏ, Trương Đình Hoàn đã trải qua một cuộc sống đầy khó khăn.

Trong ký ức của chàng trai 8X, tuổi thơ anh gắn liền với những buổi đêm đạp xe ra tận chợ Hà Đông cách nhà gần chục cây số để mua chanh, ớt về cho mẹ bán, kiếm thêm thu nhập; là cảnh cả gia đình 4 người sống chen chúc trong một căn nhà cấp 4 chật chội, ẩm thấp...

"Sống giữa đất Hà Nội mà nói tới cái nghèo thì mấy ai không mặc cảm, nhưng mà, gia đình tôi lúc ấy... nghèo thật sự. Có lẽ tôi sẽ không quên được cảnh cả gia đình phải đi xin xỉ than từ bếp ăn tập thể của một đơn vị Công an gần nhà để về đóng từng viên gạch. Và khi số gạch xỉ đóng được áng chừng đã "tạm đủ" để xây nhà thì bố mẹ tôi lại lo tiền mua vôi vữa, ngói lợp. Cuộc sống chỉ quanh quẩn với những lo toan túng thiếu thường nhật đã khiến cho bố mẹ tôi có cả một quãng đời khá là vất vả, anh em tôi cũng thiếu thốn đủ đường" - anh Hoàn tâm sự.

Doanh nhân Trương Đình Hoàn. Ảnh: Giang Giang

Anh kể, từ nhỏ, anh và anh trai luôn được bố mẹ kèm cặp và chỉ bảo chuyện học hành vì mẹ làm nghề giáo, không muốn con mình học hành kém cỏi rồi thua bạn thua bè. Nhưng người làm cha mẹ hài lòng về vấn đề bài vở thì chỉ có cậu anh trai. Còn với anh, những đồng tiền lời từ rổ chanh, rổ ớt, gánh rau của mẹ sau mỗi buổi chợ lại là điều khiến anh vui và hứng thú hơn những điểm số ở trường. Chính vì thế, suốt một thời gian dài, anh mải mê với nghề "buôn hàng xén" giúp mẹ song song với việc đến lớp hàng ngày.

Đến khi học xong lớp 9 trường làng, anh đã khiến bố mẹ anh thất vọng và "xấu hổ ghê gớm" khi anh thi rớt Trung học phổ thông. Lúc ấy, anh đã từng nghĩ, nếu không đi học, mình vẫn có nhiều cách kiếm tiền để sống nên không tính tới chuyện thi lại. Tuy nhiên, sau khi bố mẹ "gây sức ép", anh miễn cưỡng theo học hệ bổ túc cùng với học nghề.

"Tôi đã mất 2 năm học bổ túc văn hóa và một năm rưỡi học nghề, sau đó làm công nhân tại một xưởng cơ khí ở Hà Nội. Công việc khá vất vả, thu nhập lại chẳng được bao nhiêu nên sau 3 tháng làm ở xưởng, tôi quyết định nghỉ, mặc dù thời điểm đó tôi còn chưa định hình được sẽ làm công việc gì để kiếm sống" - anh Hoàn kể.

Năm 1998, việc được sở hữu một chiếc máy tính để bàn không phải là chuyện đơn giản đối với những người có thu nhập trung bình ở Hà Nội. Do vậy, lúc ấy anh nghĩ tới chuyện mở quán internet ở một địa điểm đông dân cư sẽ là cơ hội kiếm tiền khá nhanh. Tuy nhiên, lúc đưa ra đề xuất đó, bố mẹ anh phản đối kịch liệt. Phần vì giận anh đã không chuyên tâm học hành suốt thời gian học phổ thông, lại không "an phận" mà làm một anh công nhân cơ khí lại còn nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ việc mở hàng mở quán; phần vì gia đình anh lúc ấy cũng không có tiền để cho anh làm vốn.

Thế nhưng, việc bố mẹ ngăn cản không làm anh từ bỏ ý định đó. Một người quen của bố anh biết chuyện, đã ngỏ lời "tình nguyện" cho anh mượn tầng 1 của nhà họ trên phố cổ Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm) để làm cửa hàng, 3 tháng đầu sẽ không lấy tiền thuê, còn sau đó thì sẽ tính giá mặt bằng mỗi tháng là 4 triệu đồng. Như vậy là việc thuê địa điểm gần như không còn phải lo, nhưng còn tiền vốn để mua máy móc mở quán cũng làm anh "xanh mặt".

Thấy anh kiên trì theo đuổi kế hoạch đó, bố mẹ anh cũng vì con mà "xuống nước", tất tưởi đi vay mượn khắp lượt được 30 triệu đồng để anh làm vốn. Tuy nhiên, lúc cầm xấp tiền mẹ đưa để chuẩn bị "dọn quán bán hàng", anh bất chợt có cảm giác hơi chợn, vì nếu hàng quán thuận buồm xuôi gió thì không phải bàn, còn nhỡ kế hoạch của anh thất bại, anh chẳng biết làm cách nào để xoay xở được số nợ đó, và bố mẹ sẽ lại thêm một lần nữa thất vọng. “Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua, còn ngay ngày hôm sau, tôi đã mang tiền đi hỏi mua 4 máy tính cũ và mang về cửa hàng" - anh Hoàn cho hay.

Thành công rồi phá sản, phải bán siêu thị 7 tầng

May mắn lần đầu đến với anh khi quán internet của anh mở trên phố Hàng Gà rất đông khách và cho thu nhập cũng khá. Anh còn so sánh, thời điểm đó, mức lương giáo viên của mẹ anh chưa nổi 350/tháng nhưng anh đã có thể kiếm 300 đến 400 nghìn đồng mỗi ngày.

Làm quán internet được một thời gian, anh "bất chợt" lại nghĩ tới chuyện học hành. Lần này là tự anh ý thức chứ không phải bố mẹ o ép. Và may mắn đến với anh lần thứ hai khi anh tự học và thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ thông tin.

Trong thời gian là sinh viên, anh vẫn duy trì được hoạt động của cửa hàng trên phố Hàng Gà. Và thấy việc kinh doanh này có lãi, anh dùng khoản tiền bấy lâu nay kiếm được đầu tư tiếp vào một cửa hàng internet thứ hai trên phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm). Và trong khi các bạn sinh viên cùng trang lứa vẫn phải xin tiền gia đình để đóng học thì mỗi tháng, ngoài tiền tiêu rủng rỉnh, anh còn có thêm khoản gửi về phụ giúp gia đình.

Thế nhưng sau hơn 4 năm song hành với hai cửa tiệm internet, anh thấy cần phải có một hướng đi khác vì thời điểm đó, máy tính đã dần phổ biến, khách đến quán thưa dần, thu nhập cũng sụt giảm hẳn. Thế nên mặc dù "tiếc hùi hụi" vì đó là điểm khởi nghiệp của mình nhưng anh vẫn quyết định giải thể quán để đi làm thuê cho công ty.

"Làm ngoài được 10 tháng, tôi có ý định quay về tự kinh doanh vì tôi nhận ra, làm thuê thì khó có thể giàu có được" - anh chia sẻ.

Dốc toàn bộ số tiền hơn 100 triệu dành dụm được từ ngày mở quán internet, anh mở cửa hàng buôn bán linh kiện điện tử tại số 123 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), tiền thuê mặt bằng là 2 triệu/tháng, lấy tên cửa hàng là TIC. Thế nhưng vì mua trang thiết bị ban đầu cũng mất quá nửa chỗ tiền vốn nên lúc đầu cũng hơi khó khăn. Buôn bán được 2 năm, chủ nhà lấy lại mặt bằng, anh lại phải chuyển cửa hàng và mất một lượng khách quen khá lớn.

Thời điểm đó, tiền vốn ít nên cứ xoay kiểu "mua lẻ, bán lẻ". Thường người ta nhập hàng thì nhập cả thùng linh kiện chứ ít người mua lẻ vài bộ như anh rồi lại đem về bán lẻ tiếp. Chật vật đến nỗi ông chủ chuyên cung cấp linh kiện cho cửa hàng còn bảo anh: "Không biết tới bao giờ, cậu mới có thể đủ tiền để mà mạnh dạn mua cả một thùng... ổ cứng".

May mắn là gặp thời "buôn may bán đắt", thời điểm trước 2010, công việc kinh doanh của cửa hàng khá thuận lợi. Nếu như trước đó anh một mình anh có thể xoay xở các công việc của cửa hàng thì năm 2010, anh bắt đầu thuê thêm nhân công. Ban đầu là 2, rồi đến 5 người, 7 người. Khi mở rộng cửa hàng, nhân sự anh thuê lên tới hơn 2 chục người và anh chính thức mở công ty cổ phần giải pháp Mạng và máy tính TIC. Doanh thu bắt đầu được tính bằng tiền tỷ. Khi có thêm người quán lý, anh tranh thủ thời gian đi học thêm lớp Cao học Quản trị kinh doanh ở trường Bách Khoa để có thêm kinh nghiệm về nhân sự.

Tuy nhiên, mong muốn làm giàu nhanh và chính sự nôn nóng trong kinh doanh đã khiến anh nhận một bài học đắt giá. Thời điểm cuối năm 2012, từ sự thành công của công ty tại trụ sở Lê Thanh Nghị, anh dốc toàn bộ doanh thu trong mấy năm và vay ngân hàng mở thêm 2 cửa hàng buôn bán linh kiện điện tử khác (một ở phố Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội và một ở Trường Đại học Công nghệ Thái Nguyên) và đầu tư gần chục tỷ một siêu thị 7 tầng buôn bán máy tính, linh kiện điện tử, đồ gia dụng, khu vui chơi ở ngay tại thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm).

Vị giám đốc trẻ đang cài đặt cấu hình trên máy cho khách hàng. Ảnh: Giang Giang

Do chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý và chưa tìm hiểu kỹ về thị trường nên các cơ sở trên của anh dần thất bại. Và sau hơn 2 năm hoạt động, 2 cửa hàng và một siêu thị do anh làm chủ đã phải đóng cửa. Theo chia sẻ của anh, thời điểm thanh lý siêu thị thương mại có lẽ là quãng thời gian chán chường và mệt mỏi nhất. Vì lúc ấy, anh cảm thấy mọi thứ như đang sụp đổ dưới chân mình. Cả một siêu thị 7 tầng được "giải phóng" toàn bộ trong hơn 1 tháng. Thời điểm đó, hầu như tất cả nhân viên - những người từng có thời gian dài gắn bó với anh đều nộp đơn xin nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khác.

"Họ dứt áo ra đi ngay từ khi công ty còn chưa quyết định thanh lý siêu thị. Đấy là thất bại của tôi trong việc đào tạo và quản lý nhân sự" - anh thừa nhận.

Có lẽ điều không thể quên với vị giám đốc trẻ này là trong những ngày cuối cùng trước khi bị tan rã hoàn toàn, có duy nhất 4 nhân viên tình nguyện ở lại giúp anh thanh lý toàn bộ hàng và không nhận tiền công. Còn lại hơn 30 người khác đã "dứt áo" nhanh chóng. Và với 4 nhân viên này, khi quay về vực dậy công ty, anh đã mời họ tiếp tục cộng tác với mình với vai trò mới.

Vực lại sau khoản nợ khủng gần chục tỷ đồng

Sau khi 2 cửa hàng và siêu thị tiêu tan, anh gánh trên vai khoản nợ gần chục tỷ đồng. Vì bản thân tự biết sẽ không thể cậy nhờ vào ai để trang trải số nợ nần trên nên anh lại phải tự mình xoay xở. Và việc đầu tiên là anh "xốc" lại tinh thần cho toàn bộ anh em trong công ty vốn đang trong giai đoạn rệu rã, chán chường vì lo công ty phá sản. Sau đó, chính anh cũng thừa nhận khó khăn của công ty và xin được nợ lương nhân viên trong một khoảng thời gian hạn định. Cảm thông với anh, mọi người đều đồng thuận và trở lại với công việc. Bây giờ, chỉ còn một mục tiêu để chăm lo và quản lý nên anh dành hết tâm sức vào TIC.

Kiên trì động được các mối quan hệ, anh có thêm nhiều "kênh" để mở rộng thị trường, đồng nghĩa với việc công ty tăng dần doanh thu. Và lần này, do anh tự biết thế mạnh của mình cũng như loại mặt hàng mình am hiểu để định hướng thị trường là gì nên thành công đã dần trở lại.

Sau hơn 1 năm, anh đã giải quyết được số nợ nần do lần thất bại trước để lại, đảm bảo được thu nhập đều cho 45 nhân viên hiện tại. Và cứ theo nhịp kinh doanh này, mỗi tháng doanh thu của công ty lên tới hàng tỷ đồng.

"Có những lúc mệt mỏi và đã muốn giải thể hoàn toàn, đóng cửa công ty và chấp nhận đi làm thuê, để không phải lo lắng chuyện ngập ngụa nợ nần hay bị nhà cung cấp thúc ép, không phải lo gánh nặng cơm áo cho mình và cả mấy chục nhân viên. Nhưng đôi khi khó khăn dường như lại cho tôi cơ hội để chứng tỏ sức bền bỉ của mình. Lúc mở công ty, tôi chỉ nghĩ suốt đời sẽ chỉ đi đổ mực, thay linh kiện máy tính cho khách hàng. Không ngờ, sau gần 10 năm nhìn lại, con đường mình đi đã khác lựa chọn ban đầu rất nhiều" - vị Giám đốc trẻ cho hay.

 Giang Giang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news