Tin mới

Từ anh thợ hồ thành đại gia thừa tiền, cho không xe Camry

Thứ hai, 27/04/2015, 09:45 (GMT+7)

Đại gia Phạm Văn Bên, người vừa chi 40 tỉ đồng xây ký túc xá cho sinh viên nghèo, và từng cho không nhân viên một chiếc xe Camry, từng là một người thợ ở lò bánh mì, thậm chí là một anh thợ hồ.

Đại gia Phạm Văn Bên, người vừa chi 40 tỉ đồng xây ký túc xá cho sinh viên nghèo, và từng cho không nhân viên một chiếc xe Camry, từng là một người thợ ở lò bánh mì, thậm chí là một anh thợ hồ.

Doanh nhân Phạm Văn Bên sinh ra ở cù lao Tây thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ông từng lưu lạc sang Long Xuyên, Chợ Mới (An Giang) để học phổ thông. Nhưng vì ham chơi nên thi rớt tú tài.

Chia sẻ với Tuổi trẻ, ông cho hay: “Lúc này tui mới tỉnh ngộ, thấy có lỗi với cha mẹ rất nhiều. Hối hận quá nên tui khăn gói lên Sài Gòn học lại với quyết tâm lấy được bằng tú tài đem về cho cha mẹ vui lòng. Tui không xin tiền cha mẹ nữa mà ra đi tay trắng, tự tìm việc làm để có tiền ăn học”.

Lên Sài Gòn, ông xin làm công ở lò bánh mì. Nhưng nghề này chỉ làm việc nửa đêm về sáng nên chẳng bao lâu ông Bên trở nên xanh xao, ốm như con cò ma, đôi mắt thụt sâu vì thiếu ngủ. Sức khỏe suy giảm khiến ông không thể học được.

Doanh nhân Phạm Văn Bên (bên trái)

Nghe bạn bè mách bảo, ông nghỉ làm ở lò bánh mì xin một chân thợ hồ. Công việc này rất nặng nhọc nhưng ông vẫn cố gắng làm để có tiền đi học.Cuộc sống ở đất Sài Gòn vất vả, túng thiếu đã dẫn dắt ông vào cô nhi viện Quách Thị Trang gần hồ Kỳ Hòa cho có chỗ ở và được ăn cơm bá tánh. Vì liên tục trốn quân dịch nên ông buộc phải bỏ dở ước mơ lấy tấm bằng tú tài chuộc lỗi với cha mẹ. Ông buồn bã xếp hành lý quá giang tàu buôn trở về quê Đồng Tháp.

Thấm cái nhục của nghèo, ông Bên quyết tâm làm giàu. Quan điểm của ông là “làm một người đàn ông mà để cho vợ con không được ăn ngon mặc đẹp, khách tới chơi nhà không đãi nổi một bữa cơm cho ra hồn thì nhục”.

Sau ngày đất nước thống nhất, khi đã một vợ hai con, ông làm rẫy trồng Cây thuốc lá ở cù lao Tây. Ông cuốc đất, trồng trọt, chăm bón, làm ngày làm đêm đến mức bỏ cơm, ngày nắng như thiêu đốt ông quên đội nón. Người ta thu hoạch thuốc lá được khoảng 300 ký lô cho mỗi công đất thì mừng rơn, còn ông vụ nào cũng trúng đậm, ba công đất ông bẻ được tới gần một tấn rưỡi thuốc lá.

Vậy mà sau hai năm, ông ngồi tính toán rồi giật mình: “Nhà người ta ruộng đất mút chỉ, người ta cũng làm lụng siêng năng không thua gì mình mà đến già không cất nổi căn nhà tử tế. Trong khi nhà mình chỉ có cục đất chọi chim thì giàu sao nổi, khi nào giàu? Thôi, dẹp!”.

Nghĩ là làm, sau lứa bẻ thuốc lá, ông lập tức bỏ ngang ba công đất rẫy, hạ quyết tâm phải giàu, dồn mình vào thế khó, thề với lòng: “Giàu lên hay là chết!”. Và quả thật, những chuyến hàng mà ông hùn vốn vận chuyển cát, đá cho các công trình xây dựng sau đó đã đem tới cho gia đình ông một cuộc sống dễ thở hơn hẳn.

Từ mua bán cát, đá, ông xoay ra làm xà bông Cỏ May khiến ông chết tên “Bên Xà Bông”, rồi chuyển qua xay xát lúa gạo, chế biến thức ăn thủy sản… Tất cả đều từ lời thề “phải giàu lên”.

Hơn ba chục năm ông lao tâm khổ tứ, lăn lộn bầm dập trên thương trường, suy cho cùng cũng là để kiếm tiền nhưng chưa bao giờ ông nhớ chính xác ông có bao nhiêu tiền trong túi, trong ngân hàng. 

Ông kể thời điểm năm 1989, tình trạng suy thoái kinh tế chẳng khác cơn đại hồng thủy ập xuống hầu hết doanh nghiệp trong nước. Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn lên tới 12%, hàng loạt doanh nghiệp “chết tươi”.

Lúc này ông đã là chủ của một nhà máy sản xuất xà bông và một nhà máy xay xát lúa gạo, lo nồi cơm cho 100 công nhân. Làm cách nào để hai nhà máy không phải chết chùm trong tình cảnh này? Ông thức trắng mấy đêm rồi đưa ra giải pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức Ngô Khởi binh pháp.

Theo đó, ông cho “khai tử” nhà máy sản xuất xà bông và cố thủ nhà máy xay xát lúa gạo. Nhà máy này sẽ chỉ hoạt động cầm chừng, không vay mượn, không mở rộng quy mô dù đơn hàng tăng lên. May mắn, hơn một năm sau, kinh tế khởi sắc, lãi suất ngân hàng giảm, nhiều đối thủ cạnh tranh đã phá sản, nhà máy xay xát lúa gạo của ông đón thời cơ ngóc đầu dậy.

Mấy chục năm qua công việc kinh doanh lúa gạo, thức ăn chăn nuôi của ông Bên rất thuận buồm xuôi gió, song ký ức học hành dở dang vẫn cứ hiện về ám ảnh ông.

Đây chính là một trong những lý do khiến ông quyết định chi ra 40 tỉ đồng để xây ký túc xá cho các sinh viên nghèo học giỏi. 

Ký túc xá có sức chứa 432 sinh viên, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong quý II-2015 và bắt đầu tuyển sinh viên vào ở từ năm học 2016-2017. Các sinh viên được chọn ở trong ký túc xá sẽ được bao ăn, bao ở và đào tạo kỹ năng mềm miễn phí trong năm đầu tiên.

Hiện, hệ thống DNTN Cỏ May của ông Bên có bảy công ty chuyên sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, lương thực, trong đó năm công ty đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra còn có Cỏ May Phú Quốc kinh doanh lĩnh vực du lịch và Cỏ May Singapore (văn phòng tại Singapore) kinh doanh, phân phối sản phẩm gạo cao cấp Nosavina sản xuất tại nhà máy ở Sa Đéc.

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news