Tin mới

Tướng Chung: Không áp dụng án tử với tội tham nhũng là không công bằng

Thứ ba, 26/05/2015, 21:49 (GMT+7)

“Người nghèo đi buôn ma tuý để sinh sống vẫn phải chịu án tử hình. Còn người có chức vụ, kiến thức, tham ô, tham nhũng số tiền lớn mà lại không áp dụng án tử hình là không công bằng”, đó là quan điểm của ĐB Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP. Hà Nội tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

“Người nghèo đi buôn ma tuý để sinh sống vẫn phải chịu án tử hình. Còn người có chức vụ, kiến thức, tham ô, tham nhũng số tiền lớn mà lại không áp dụng án tử hình là không công bằng”, đó là quan điểm của ĐB Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP. Hà Nội tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

"Buôn ma túy thì án tử còn tham nhũng lớn thì không"

Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, qua thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, Bộ luật Hình sự thay đổi là cần thiết. Thứ nhất, hiện nay một số loại tội không còn phù hợp. Thứ hai, xuất hiện nhiều tội phạm mới cần đưa vào luật hình sự để có căn cứ xử lý. Thứ ba, trên cơ sở quá trình đấu tranh chống tội phạm, một số loại tội có bất cập. Ví dụ, Điều 104 tội Cố ý gây thương tích, trước đây chờ y tế giám định về tỷ lệ thương tích. Tuy nhiên, trong quá trình chờ giám định xuất hiện tình trạng các bên gặp gỡ nhau, thậm chí đe doạ nhau, từ chối đi giám định, dẫn đến không đi giám định, không truy tố được. “Do đó, cần có những sửa đổi, tôi cho là cần thiết”, ông Chung nói.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nêu ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Xung quanh đề xuất bỏ án tử hình đội với tội tham nhũng, ông Chung cho biết: “Thực tế tôi đã thấy có chuyện án từ tử hình xuống 20 năm, rồi từ 20 năm xuống 18 năm. Điều này là có thật! Thế nên, trong tội phạm tham nhũng vẫn để hình phạt tử hình để có tính răn đe. Người nghèo không có điều kiện, buộc đi buôn ma tuý để sinh sống vẫn phải chịu án tử hình. Còn người có chức vụ, kiến thức mà tham ô tham nhũng số tiền lớn mà lại không áp dụng án tử hình là không công bằng. Do đó, tôi kiến nghị vẫn giữ nguyên mức án tử hình đối với tội phạm tham nhũng”.

"Vấn đề là tính nghiêm minh đang bị hiểu nhầm"

Về tội tham nhũng, Trung tướng Trần Văn Độ nói: "Theo quy định, tham ô 4,5 tỉ đồng trở lên là phải tử hình nhưng có tử hình được đâu. Vấn đề là tính nghiêm minh đang bị hiểu nhầm. Bởi có tình trạng quy định thì xử rất nặng nhưng thực tế lại xử nhẹ, thậm chí là không xử lý được". 

"Vấn đề tử hình trong tham nhũng, tham ô, nếu đối tượng lập công, khắc phục được hậu quả thì nên giảm án chứ không nên cứ khăng khăng tử hình", Trung tướng Độ nói.

"Về quan điểm cá nhân, tôi đồng ý việc hạn chế khung hình phạt tử hình. Tuy nhiên, tôi đề nghị thêm vào luật các tội: Tội tham ô và tội nhận hối lộ. Hiện tại, chúng ta chỉ xử lý được những vụ tham nhũng vặt vài chục triệu, vài trăm triệu đồng, còn những vụ lớn rất ít. Tôi cho rằng nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc mất niềm tin của người dân”, vị ĐBQH tỉnh An Giang thẳng thắn.

Nói về quy định tù chung thân không giảm án trong Bộ luật Hình sự sử đổi, Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng đây là quan điểm trái mục đích. Bởi, người bị phạt tù phải cải tạo để giáo dục, sau đó trở thành người có ích.

“Vậy, việc quy định chung thân không được giảm án làm gì sao không tử hình cho rồi. Tôi cho rằng quy định như vậy là cực đoan. Còn vấn đề tử hình trong tham nhũng, tham ô, nếu đối tượng lập công, khắc phục được hậu quả thì nên giảm án chứ không nên cứ khăng khăng tử hình để làm gì ”, Trung tướng Độ phân tích.

Theo Anh Đức/Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news