Tin mới

Vé giả xuất hiện trước trận chung kết AFF Cup 2018, nhiều nạn nhân sập bẫy

Thứ năm, 13/12/2018, 17:22 (GMT+7)

Nắm được tâm lý "khát" vé xem trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa tuyển Việt Nam và Malaysia, một số đối tượng lừa đảo đã rao bán vé giả trên mạng xã hội Facebook, qua đó khiến hàng loạt nạn nhân sập bẫy, với số tiền không nhỏ.

Nắm được tâm lý "khát" vé xem trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa tuyển Việt Nam và Malaysia, một số đối tượng lừa đảo đã rao bán vé giả trên mạng xã hội Facebook, qua đó khiến hàng loạt nạn nhân sập bẫy, với số tiền không nhỏ.

Ngày 13/12, PV Báo An ninh thủ đô đã liên hệ với 3 nạn nhân bị lừa mua vé giả của trận chung kết bóng đá AFF Cup 2018 qua mạng xã hội Facebook.

Thủ đoạn chung của những kẻ lừa đảo là dùng tài khoản Facebook giả, đăng thông tin “có nguồn vé dồi dào” trên các nhóm cộng đồng có nhiều thành viên, sau đó yêu cầu chuyển khoản để đặt trước.

2 chị N.L. (SN 1993) và K.L. (SN 1993, cùng trú tại Hà Nội) đã liên hệ với đối tượng (là nữ) ở tài khoản Facebook Dung Vũ, sau khi đọc thông tin “có vé” nói trên, mà không biết là mình rơi vào bẫy lừa đảo.

2 đối tượng cung cấp vé giả bị chính một nạn nhân phát hiện, giữ lại. Ảnh: ANTĐ

Kẻ lừa đảo cho biết, giá vé của một cặp ở khán đài A-B là 5,5 triệu đồng, còn ở khán đài C-D là 3,5 triệu đồng/cặp.

2 chị đã đặt mua 3 cặp vé A-B, và chuyển khoản trước 6 triệu đồng cho tài khoản có tên Dung Vũ vào tối 10/12. Tuy nhiên, sau đó, kẻ lừa đảo liên tục khất hẹn, lùi lịch giao vé từ chiều ngày 11/12 xuống buổi tối.

Sau nhiều lần sai hẹn, 2i chị N.L. và K.L. đã nhận được 3 cặp vé ở khán đài A-B, nhưng… không có tem bóng. Thắc mắc thì kẻ lừa đảo nói rằng “đây là vé mời nên không có tem”, và đồng ý đổi 3 cặp vé có dán tem cho các nạn nhân. Người giao vé lần thứ 2 là nam thanh niên đội mũ lưỡi trai, có thái độ rất vội vã.

“Khi thấy tôi báo điểm hẹn nhận vé ở gần đồn công an, anh ta tỏ ra rất e dè, xuống đưa vé xong nhanh chóng bỏ đi. Ở loạt 3 cặp vé mới có dán tem bóng này, tôi kiểm tra kỹ và thấy đó là vé giả”, chị K.L. bày tỏ.

Mặc dù giao vé giả cho khách, tài khoản Facebook Dung Vũ vẫn liên tục hối thúc các nạn nhân chuyển nốt tiền thanh toán cho chúng, ngoài khoản đặt cọc 6 triệu đồng kể trên.

“Khi bị tôi chất vấn về chuyện vé giả, cô ta im lặng rồi khóa cả Facebook, Zalo của chúng tôi”, chị K.L cho biết thêm.

Ngoài 2 nạn nhân nói trên, PV còn ghi nhận một trường hợp khác là chị P.A. (SN 1994, trú tại Hà Nội) cũng bị Facebook Dung Vũ lừa tương tự, với số tiền chiếm đoạt hơn 18 triệu đồng.

Vé giả có phần tem bóng trông rất khác vé thật.

Hình ảnh vé thật. Ảnh: Zing.vn

Trong ngày 13/12, các nạn nhân trên đã tới trình báo tại Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội).

Tối 12/12, một nạn nhân khác bị nhóm trên lừa đảo tới hơn 90 triệu đồng tiền vé, với thủ đoạn y hệt, song nạn nhân này đã kịp thời phát hiện, đòi được tiền và quay video clip hình ảnh những kẻ lừa đảo, tung lên mạng.

Sự việc đang tiếp tục được điều tra. Mọi người khi thực hiện các giao dịch mua bán vé bóng đá qua các kênh rao vặt hoặc Facebook cần kiểm tra kỹ tình trạng của vé để tránh mua phải vé giả.

5 cách phân biệt vé thật vé giả

 

 

Theo anh N.Q. ( một người hỗ trợ soát vé và kiểm tra vé thật vé giả tại VFF) chia sẻ trên trang các nhân của mình có tới 5 cách phân biệt vé AFF Suzuki Cup 2018 thật – giả.

Riêng vé VIP (vé mời) Complimentary thì không photo nhiều được vì vé đó VFF không bán. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ có vé Complimentary giả, nó đa số là vé từ những năm trước, từ những trận trước, hoặc đơn giản là vé mẫu sẽ có sẵn.

Đáng chú ý người hâm mộ cần chú ý những thông tin trên cả mặt trước và mặt sau của vé, cách thứ nhất chữ FINAL ROUNDS đổi màu khi chúng ta nghiêng theo nhiều hướng, và vé giả vì là in nên không thể làm cho dòng chữ đó có màu.

Cách phân biệt thứ hai đó là tem nhũ bạc chống giả - tem được in liền mạch, dán chắc chắn, dọc theo vết đứt để xé cuống vé, (trên đó nhìn kĩ sẽ thấy logo AFF) còn với vé giả sẽ in hình trái tim được dán hời hợt dễ bong tróc, dán bằng các hình linh tinh.

Tiếp đó là đường vạch màu - Pattern màu đây là hai dải màu có logo AFF được in rất tinh tế và sắc nét còn với vé giả sẽ là hình photo nhạt nhòa và không rõ ràng.

Cách thứ tư để phân biệt vé giả tại mặt trước của vé đó là Logo chìm, người hâm mộ phải giơ tấm vé lên ánh sáng thì mới có thấy được, vé giả thì không có.

Đáng chú ý, ngoài bốn cách trên phân biệt vé thật hay giả tại mặt trước, thì cách cuối này sẽ giúp mọi người phân biệt tại mặt sau tấm vé.

Chỉ cần soi đèn tím lên mặt sau tấm vé sẽ thấy các vạch ngắn phát sáng nằm ngoằn nghèo trên vé (vạch này mắt thường sẽ chỉ thấy các vạch màu), nếu là vé giả thì sẽ không thể phát sáng được.

Ngoài ra anh Q. cũng cho biết vẫn còn một cách cuối cùng tuy nhiên hơi khó để phân biệt đó là chất liệu giấy in vé thật rất cao cấp, sờ hơi sần sần ráp ráp còn vé giả sẽ có phần bóng bẩy hơn khi sờ.

Trên tấm vé có ghi rõ ngày tháng của trận đấu tại mặt trước trận lượt đi 11/12 tức TUE 11-DEC-18 và trận CL lượt về 15/12 tức SAT 15-DEC-18 và tên hai đội tuyển thi đấu phải chính xác.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news