Tin mới

Vén màn cuộc sống của những người chồng nô lệ ở Hong Kong

Thứ ba, 23/05/2017, 09:19 (GMT+7)

Nhiều nam giới "ngây thơ" ở Ấn Độ và Pakistan đã bị lừa kết hôn rồi sau đó bị đưa sang Hong Kong để làm công không lương cho vợ. Vì quá xấu hổ, những người chồng này không bao giờ dám lên tiếng.

Nhiều nam giới "ngây thơ" ở Ấn Độ và Pakistan đã bị lừa kết hôn rồi sau đó bị đưa sang Hong Kong để làm công không lương cho vợ. Vì quá xấu hổ, những người chồng này không bao giờ dám lên tiếng.

Lao động không công cho nhà vợ

Shahid Sandhu cho biết, kể từ khi rời Pakistan để sang Hong Kong sống cùng người vợ mới cách đây 4 năm, anh thường xuyên bị vợ, anh em trai và bố mẹ vợ theo dõi sát từng cử động.

Gia đình vợ buộc Sandhu làm việc luôn tay, suốt 7 ngày một tuần, như một người làm công mắc nợ, tại một công trường xây dựng vào ban ngày và như một người hầu không công vào buổi tối. Họ đánh đập, chửi mắng Sandhu bất kể khi nào anh có dấu hiệu mệt mỏi hoặc chống đối.

Gia đình vợ lấy đi toàn bộ số tiền Sandhu kiếm ra, không cho anh này tiền và thậm chí còn dọa giết.

Vén màn cuộc sống của những người chồng nô lệ ở Hong Kong - Ảnh 1.
 
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Sandhu biết những gì vợ và gia đình cô này làm với mình là sai và trái phép, song việc bị ngược đãi thường xuyên đã bẻ gãy ý chí của Sandhu. Người chồng nhập cư thường xuyên bị ác mộng, liên tục phải chiến đấu với tình trạng trầm cảm nghiêm trọng. Sandhu cho hay, anh bị kiệt sức, luôn lo sợ và xấu hổ nên không dám lên tiếng.

Những gì xảy ra với Sandhu như thể xảy ra từ thời kỳ xa xưa, song thực tế nó đang diễn ra tại một trong những nơi hiện đại hàng đầu thế giới là Hong Kong. Có một điểm đặc biệt là cảnh ngộ của Sandhu không phải duy nhất.

Các luật sư và tổ chức phi chính phủ từng tiếp xúc với những người lao động thuộc cộng đồng Nam Á tại Hong Kong cho biết, Sandhu chỉ là một trong số hàng chục trường hợp nam giới bị lừa kết hôn có dàn xếp rồi bị đưa sang Hong Kong để làm công không lương cho gia đình vợ.

Thông thường, những nam giới "ngây thơ" trở thành con mồi của vợ tương lai kể từ khi tin tưởng vào những lời hứa về cuộc sống thiên đường, cũng như việc được trợ giúp về tài chính cho người thân ở quê nhà. Một khi đã sang Hong Kong, việc bị cô lập, sợ bị báo thù, nỗi xấu hổ đã ngăn không cho họ lên tiếng.

Các nhà hoạt động có thuật ngữ riêng để nói về những người đàn ông này: Những chú rể nô lệ.

Vỡ mộng

Ác mộng mà Sandhu thấy mình trong đó khác xa với cuộc sống nhung lụa mà người đàn ông 34 tuổi này tưởng tượng ra khi gặp bà mối để nói về chuyện kết hôn với một người phụ nữ sinh ra ở Pakistan nhưng sống ở Hong Kong.

Được hứa hẹn rằng gia đình vợ tương lai giàu có sẽ giúp Sandhu và cha mẹ nghèo khó của anh, vốn là nông dân sống ờ vùng Punjab (Pakistan), Sandhu đã bỏ việc tại một ngân hàng ở Pakistan để cưới vợ và sang Hong Kong vài tháng sau đó bằng visa "sống dựa". Sandhu có bằng đại học về thương mại và làm việc trong ngân hàng nhưng có mức lương thấp.

Hạnh phúc trước khi kết hôn mau chóng bốc hơi. Vợ và gia đình vợ ngay lập tức cất hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của Sandhu vào két sắt (việc làm bị coi là trái luật), và nói Sandhu sẽ phải làm việc tại một công trường xây dựng 6 ngày một tuần để kiếm tiền. Hàng đêm và vào ngày nghỉ, Sandhu phải làm việc nhà. Mỗi khi phàn nàn, Sandhu đều bị ngược đãi cả về tinh thần và thể xác.

"Tôi luôn bị đối xử tệ. Dù đã tốt nghiệp đại học nhưng tôi luôn bị gọi là đồ thất học, gã người rừng. Có lần, tôi quát lại thì bị họ đánh. Sau đó, tôi từ bỏ mọi thứ".

Sandhu đã tìm cách liên lạc được với Richard Aziz Butt, một nhà cố vấn về nhập cư của cộng đồng Nam Á tại Hong Kong, sau khi lấy được số điện thoại của ông này từ một đồng nghiệp ở chỗ làm. "Tôi cần thoát khỏi đây", Sandhu nói với ông Butt. Tuy nhiên, người đàn ông này không dám tới gặp cảnh sát. Giống như những ông chồng nô lệ khác, Sandhu sợ bị trục xuất, sợ tai tiếng.

"Tôi gọi anh ta là chú rể nô lệ. Hôn nhân của anh ta được sắp đặt và Sandhu được đưa tới Hong Kong để làm việc như một cái máy kiếm tiền cho gia đình vợ. Tất cả những yếu tố đó được gọi là nô lệ. Nạn nhân bị giám sát 24 tiếng một ngày. Họ không dám nói với cảnh sát ngay cả khi bị ngược đãi", Butt nói.

"Những người như Sandhu tới từ những quốc gia mà nam giới là người thống trị. Nếu họ nói với ai đó rằng mình bị đối xử như nô lệ, họ sẽ bị cười vào mặt và nói là vô dụng, hèn nhát. Vì thế, những người như Sandhu không dám nói điều đó với bất cứ ai".

Ông Butt đã gặp hơn 100 nam giới Nam Á bị đưa sang Hong Kong thông qua hôn nhân môi giới kể từ năm 1997. Thị thực của họ thường do gia đình vợ tương lai nộp trực tiếp, không qua luật sư hay tư vấn để mọi việc không bị ai chú ý.

Chuyên gia này cho hay, 20% số ông chồng mà ông tiếp xúc là các chú rể nô lệ. "Họ được đưa sang Hong Kong để làm việc cho vợ và gia đình vợ". Đa phần những ông chồng kiểu này là người vùng Punjab ở Pakistan và Ấn Độ, cũng có một số người ở Bangladesh và Nepal.

Theo Trí Thức Trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news