Tin mới

Vì sao BOT trì hoãn bán vé tháng theo quy định mới?

Thứ sáu, 19/01/2018, 20:58 (GMT+7)

So sánh việc bán vé tháng giữa 2 thông tư cũ và mới này có thể thấy, hình thức cũ được lợi cho các BOT rất nhiều. Có sự không sòng phẳng, thiệt thòi rơi về phía các tài xế, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt nêu quan điểm.

"So sánh việc bán vé tháng giữa 2 thông tư cũ và mới này có thể thấy, hình thức cũ được lợi cho các BOT rất nhiều. Có sự không sòng phẳng, thiệt thòi rơi về phía các tài xế", chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt nêu quan điểm.

Như báo Người Đưa Tin đã đăng tải, ông Nguyễn Văn Dũng - Trạm trưởng BOT Phước Tượng - Phú Gia, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận rằng, trạm chưa thực hiện bán vé tháng theo Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dù văn bản này đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Điều này được dư luận cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc chủ đầu tư sợ sụt giảm kinh doanh, tận thu và không sòng phẳng với các doanh nghiệp vận tải.

Xã hội - Vì sao BOT trì hoãn bán vé tháng theo quy định mới?

Các tài xế vẫn đang chịu thiệt thòi khi BOT Phước Tượng - Phú Gia chưa thực hiện bán vé tháng, vé quý theo thông tư mới.

Về việc này, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt - Văn phòng Luật FDVN nhận định: Với những lý do mà dư luận xôn xao, nếu có thật thì đây vẫn là một lời trình bày không thật sự thuyết phục. Bởi vì, khi thực hiện dự án BOT về đường bộ, nhà đầu tư sẽ đưa ra các phương án, dự liệu các phương án có thể xảy ra, khoảng thời gian để thu hồi vốn và có lợi nhuận. Trên cơ sở, hình thức vé theo lượt, theo tháng, theo quý, kết hợp với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, chủ đầu tư sẽ tính được lợi nhuận khi đầu tư. Nên việc nhà đầu tư bị lỗ vốn (nếu có như dư luận hoài nghi) thì đó là rủi ro trong kinh doanh, chủ đầu tư phải chấp nhận. Việc đổ dồn gánh nặng lại cho người tham gia giao thông là không phù hợp. Người tham gia giao thông có quyền lợi được sử dụng hình thức vé theo pháp luật quy định.

Tiếp đến, các trạm BOT biện minh rằng, có thể áp dụng Điều 11 trong Thông tư số 35 cho phép các trạm thu phí đang áp dụng hình thức thu cũ có thể áp dụng tiếp đến khi có sự điều chỉnh của cơ quan Nhà nước - ở đây có thể thấy, việc “lách” đi toàn bộ quy định của văn bản này là không thật sự phù hợp. 

Thứ nhất, quy định cách tính cũ, tức Thông tư 159/2013/TT-BTC của bộ Tài chính đã hết hiệu lực thi hành ngày 1/1/2017 và sau đó là Thông tư 35 tiếp nối. Thứ hai, Điều 11 của Thông tư 35 ghi rõ: “Đối với các trạm thu đã được Bộ trưởng bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho các dự án trước ngày thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện mức thu tại Thông tư của Bộ trưởng bộ Tài chính đã ban hành cho đến khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh". Rõ ràng, điều này chỉ thể hiện việc các trạm thu được tiếp tục thực hiện mức thu tại Thông tư của Bộ trưởng bộ Tài chính đã ban hành chứ không phải là việc cho phép chủ đầu tư toàn quyền lựa chọn việc bán vé tháng theo hình thức cũ.

So sánh hình thức bán vé tháng giữa 2 thông tư cũ và mới này có thể thấy, hình thức cũ được lợi cho các BOT rất nhiều, có sự không sòng phẳng, thiệt thòi rơi về phía các tài xế. Từ đây, dư luận có quyền hoài nghi, việc các BOT trì hoãn bán vé tháng theo thông tư mới nhằm "tận thu", mang lại lợi ích cho mình một cách bất chấp.

Trên thực tế các dự án BOT, thông thường được thực hiện ở những đoạn đường có lưu lượng tham gia giao thông lớn, thuận lợi, nên chủ đầu tư luôn ở thế trên, luôn là bên hưởng lợi. Ở nhiều trạm BOT còn đặt sai chỗ gây bức xúc dư luận, khiến các tài xế dù không đi nhưng cũng phải trả tiền. Tất yếu những sự phản kháng sẽ xảy ra, và rõ ràng, trong thời gian qua, các trạm BOT đã xảy ra tình trạng “thất thủ”.

Chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt - Văn phòng Luật FDVN

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news