Tin mới

Vì sao Mỹ không tung đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên?

Thứ tư, 19/04/2017, 10:38 (GMT+7)

Bộ Quốc phòng Mỹ đã xét đến tính khả thi của các hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên, thế nhưng đến phút chót, kế hoạch này lại bị hủy bỏ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã xét đến tính khả thi của các hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên, thế nhưng đến phút chót, kế hoạch này lại bị hủy bỏ.

Mỹ muốn theo đuổi giải pháp hòa bình

CNN ngày 18/4 dẫn một nguồn tin từ một quan chức giấu tên cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cân nhắc các hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên trong vòng hơn 1 tháng để phòng khi Tổng thống Donald Trump quyết định có biện pháp mạnh với Triều Tiên. Lầu Năm Góc đã tính đến "mọi phương án hành động", trong đó bao gồm cả việc cập nhật thông tin phân tích liệu Triều Tiên sẽ đáp trả thế nào nếu Mỹ dùng hành động quân sự với họ.

Hạm đội tàu chiến Mỹ. Ảnh: US Navy

Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh, quá trình cân nhắc các hành động quân sự cuối cùng đã không làm thay đổi ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump rằng cần theo đuổi một giải pháp ngoại giao hòa bình. Đó là lý do tại sao hiện tại Mỹ không có kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên.

"Rào cản" Hàn Quốc

Theo giới chuyên gia, Hàn Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ không thể phát động một cuộc tấn công vào Triều Tiên. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách khu phi quân sự Hàn – Triều khoảng 50 km và nằm gọn trong tầm bắn của hàng nghìn khẩu pháo hạng nặng Triều Tiên bố trí dọc biên giới.

Melissa Hanham, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin, cho rằng ngay cả khi đòn tấn công phủ đầu của Mỹ vô hiệu hóa được các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu hỏa lực phi hạt nhân hùng hậu cùng đội quân thường trực đông đảo.

"Dù Bình Nhưỡng thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo hay gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa, một thực tế không thay đổi là Seoul không có cách nào để tránh bị hủy diệt nếu xung đột nổ ra".

Jonathan D. Pollack, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings cho rằng, các chiến lược gia Mỹ đã cân nhắc nhiều kế hoạch tấn công quân sự vào Triều Tiên kể từ sau khi cuộc chiến trên bán đảo này kết thúc nhưng đều không thể triển khai vì rào cản Hàn Quốc.

Các binh sĩ quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA

"Tất cả các kế hoạch tác chiến đều cho kết quả là Mỹ và Hàn Quốc sẽ 'thắng trận', nhưng với cái giá đắt đến mức khủng khiếp cho Hàn Quốc", Pollack nói.

Pollack gọi những đồn đoán rằng Mỹ sẽ có hành động quân sự chống Triều Tiên là "ngu ngốc" và những lời bàn tán kiểu như vậy rất có thể sẽ dẫn tới viễn cảnh không ai mong muốn, đó là hành động ra đòn phủ đầu để ngăn chặn mối đe dọa của Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc, có thể là bằng vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc "chắn đường"

Một nguyên nhân khác khiến Mỹ không thể hành động quân sự với Triều Tiên là Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng.

Năm 1961, Trung Quốc và Triều Tiên đã ký với  nhau hiệp định hỗ trợ quân sự mang tính ràng buộc. Theo đó, cả hai nước đều phải đưa ra những sự hỗ trợ quân sự ngay lập tức nếu một trong hai bị tấn công. Hiệp định này được làm mới hai lần và hiện có hiệu lực tới năm 2021.

Bên cạnh đó, chiến tranh nổ ra đồng nghĩa các tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên sẽ hứng chịu làn sóng người di cư khó đo đếm trước.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn có nhiều cáo buộc cho rằng Trung Quốc cố tình duy trì sự hiện diện của Triều Tiên cũng vì xem đây là "vùng đệm" để ngăn ngừa sự tiếp cận của Mỹ và đồng minh, trong trường hợp có xung đột vũ trang.

[mecloud]pR9KFS0fDu[/mecloud]

Lê Huyền (CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news