Tin mới

Vì sao nạn bạo hành đang gia tăng trong gia đình công nhân?

Thứ tư, 24/09/2014, 17:23 (GMT+7)

Nhiều ngày qua, cả xã hội gần như cùng lên cơn tức giận với hành động đánh con đến chấn thương não của đôi vợ chồng “hờ” Nguyễn Thị Thùy Trang - công nhân tại Bình Dương và Đỗ Trọng Minh - đang thất nghiệp. Trong nhiều vụ việc bạo hành tương tự, những đứa trẻ vô tội trở thành nạn nhân. Điều gì đã khiến cho cuộc sống của những gia đình công nhân rơi vào hoàn cảnh bế tắc không lối thoát?

Nhiều ngày qua, cả xã hội gần như cùng lên cơn tức giận với hành động đánh con đến chấn thương não của đôi vợ chồng “hờ” Nguyễn Thị Thùy Trang - công nhân tại Bình Dương và Đỗ Trọng Minh - đang thất nghiệp. Trong nhiều vụ việc bạo hành tương tự, những đứa trẻ vô tội trở thành nạn nhân. Điều gì đã khiến cho cuộc sống của những gia đình công nhân rơi vào hoàn cảnh bế tắc không lối thoát?

Nỗi đau không của riêng ai

“Không đòi được lương thì tôi không dám về nhà. Chồng chì chiết, đánh đập, nghi ngờ tôi mang tiền cho trai, bởi ai đời đi làm mấy tháng trời nhưng không có lương” - chị Nguyễn Thị Phượng - công nhân (CN) Cty SMY Việt Nam (huyện Hóc Môn, TPHCM) - vừa nói vừa cố giấu đi con mắt trái bầm đen vì bị chồng đánh.

Chị Phượng vào làm việc tại Cty SMY đã gần một năm. Chồng chị bị bệnh tim nên một mình chị đi làm, gánh vác chi tiêu cho gia đình 3 người. Từ đầu tháng 8.2014, Cty bắt đầu chậm lương, chỉ cho CN ứng 1 triệu đồng. Đi làm quần quật, tăng ca liên tục, có khi đến khuya mới về tới nhà, nhưng cuối tháng lại không có lương, khiến chồng nghi ngờ chị có người khác.

 

 Sau bạo hành của mẹ và cha dượng, bé Ngân trở về trong vòng tay của cha đẻ. Ảnh: T.Thành

Cũng chung hoàn cảnh, nhưng câu chuyện của vợ chồng CN Dương Thành Tín và Hà Thị Thanh Thảo bi đát hơn khi người thương tích, người tù tội. Tín với vợ sống cùng với mẹ vợ, 2 con riêng của chị Thảo và 1 con chung của hai người tại một nhà trọ thuộc khu phố 8, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Trong quá trình chung sống, giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã về việc Tín đi làm nhưng không thấy đưa tiền lương về cho vợ… Đỉnh điểm của tình trạng này khi khoảng 2h ngày 25.1.2014, thức dậy đi vệ sinh, thấy vợ nằm trùm mền ngủ, Tín nghi ngờ vợ mình đang nói chuyện với “bồ” nên đã lấy dao dâm nhiều nhát vào chị Thảo.

Bổ sung sự thiết hụt kiến thức

Mẹ chị Thảo và các con vào can cũng bị Tín đâm. Do được cấp cứu kịp thời nên chị Thảo đã thoát chết, nhưng bị thương tật 34%. Mẹ chị Thảo bị thương tật 25%, con gái chị Thảo bị thương tật 22%... Và Tín bị xử 18 năm tù về tội “Giết người”.

 

  Bà chủ trọ Nguyễn Thị Thành, một người sống có tâm đã giúp ngăn chặn nhiều vụ bạo hành trong gia đình CN. Ảnh LT

Trở lại câu chuyện của cặp vợ chồng “hờ” Nguyễn Thị Thùy Trang đánh con đến chấn thương não. Hiện tại, bé Ngân đã được cha ruột đón về nuôi, Trang và người chồng “hờ” Đỗ Trọng Minh đã bị khởi tố, sẽ phải trả giá cho hành vi của mình, nhưng điều nhiều người vẫn đau đáu, bé Ngân rồi sẽ ra sao? Nỗi ám ảnh về những ngày tháng bị bạo hành bao giờ sẽ nguôi ngoai trong tâm trí của một đứa bé chỉ mới 4 tuổi?

Không thể để công nhân “tự bơi”

Bà Trần Thị Vân - chủ nhà trọ xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TPHCM, tổ trưởng tổ CN tự quản - nên bà thường xuyên đứng ra giải quyết các vụ xích mích trong các gia đình CN. Bà Vân chia sẻ: “Đa số CN chịu khó, cùng nhau cố gắng làm ăn, lo cho gia đình, con cái. Chỉ một số ít gia đình xảy ra bạo hành và thường thì xảy ra 1 lần thì sẽ có lần thứ 2, thứ 3… Đánh con đến nhập viện thì không có, nhưng đánh một vài roi, vợ chồng đánh chửi nhau, con cái khóc la, rúm ró vì sợ thì không phải hiếm”.

Nạn bạo hành gia đình xảy ra nhiều hơn ở các gia đình CN “rổ rá cạp lại”, “con ông, con bà” hoặc gia đình có hai vợ chồng nhưng chỉ có một người làm CN, người còn lại làm nghề tự do, giờ giấc trái ngược, thu nhập bấp bênh, gánh nặng kinh tế đè lên vai một người… Đó là nhận xét của bà Bùi Thị Tuyết Nhung - nguyên Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, người nhiều năm tham gia giải quyết các vụ bạo hành gia đình trong CN. “Nhưng chỉ khi nào chịu không hết nổi, CN mới báo lên cho mình, còn hầu hết là cam chịu” – bà Nhung nói.

Ông Vũ Đức Cán - trưởng KP Nội Hóa 2, P.Bình An, TX.Dĩ An, Bình Dương - bày tỏ: “Nhiều người ở trọ còn cực khổ, lao động vất vả nên chịu không ít sức ép từ kinh tế, chăm lo con cái và gia đình. Với số lượng gia đình, con trẻ rất đông, tệ nạn bạo hành trong khu trọ rất khó kiểm soát được. Quan trọng là làm sao có những buổi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư tình cảm của CN, để họ biết cách thoát qua những khó khăn của cuộc sống. Cứ để họ “tự bơi” trong mớ hỗn độn mà không có chút kinh nghiệm thì họ sẽ dễ gặp phải bế tắc”.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Tuyết Ánh - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM - có một thực tế cần thừa nhận là một bộ phận không nhỏ CN có nhận thức sai, thiếu hụt kiến thức. Phần vì do trình độ còn hạn chế, phần vì phải đi làm liên tục, tăng ca kíp để thêm thu nhập, CN không có thời gian để giải trí, tiếp nhận thông tin, lâu dần mọi suy nghĩ sẽ đi vào ngõ cụt. “Phải bổ sung kiến thức, bù đắp cho công nhân. Hiện tại, CN cứ luẩn quẩn trong vòng quay nhà xưởng - nhà trọ, nhà trọ - nhà xưởng, mà không có cơ hội để tiếp nhận kiến thức thì làm sao họ có thể thay đổi, thoát ra khỏi cái mớ hỗn độn đang quây lấy họ”.

Theo LÊ TUYẾT - TRUNG THÀNH

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news