Tin mới

Vì sao nói Nga ngả về Trung Quốc chỉ là sự "ảo tưởng"?

Chủ nhật, 12/07/2015, 09:24 (GMT+7)

Lệnh trừng phạt kinh tế đẩy Nga hướng về Trung Quốc nhưng điều này chỉ là bất đắc dĩ khi hai nước vẫn còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết.

Lệnh trừng phạt kinh tế đẩy Nga hướng về Trung Quốc nhưng điều này chỉ là bất đắc dĩ khi hai nước vẫn còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết.

Ngày 8-9/7, Nga đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Cộng hòa Bashkortostan với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Hội nghị diễn ra trong thời điểm mối quan hệ rạn nứt của Nga với phương Tây vì khủng hoảng Ukraine.

Theo Reuters, Moscow có thể quay lưng với phương Tây và ngả về châu Á, cả phương diện về kinh tế và chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Kể từ khi Nhật Bản cùng phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và thương mại Nga-Ấn vẫn còn hạn chế, Điện Kremlin hướng đến châu Á thực chất là để tăng cường hợp tác với Trung Quốc.

Những tháng sau khi khủng hoảng Ukraine leo thang, Moscow đã công bố hàng loạt các dự án hợp tác với Trung Quốc. Nga-Trung từ việc xây dựng các hình thức giao dịch liên ngân hàng mới tới việc liên kết hình thành các tổ chức tín dụng. Những kế hoạch này tạo cơ sở hạ tầng tài chính và kinh tế chung giữa hai nước, cho phép hai bên thoát khỏi sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính phương Tây.

Trung Quốc và Nga là một trong số những nước tham gia vào quá trình xây dựng Ngân hàng Phát triển mới (NDB) nhằm thay thế cho ngân hàng Thế giới (WB) vốn thống trị bởi châu Âu. NDB sẽ tài trợ các cơ sở hạ tầng và các dự án của các quốc gia trong nhóm BRICS và quỹ dự trữ đặc biệt để bảo vệ các nước thành viên khỏi những rủi ro thanh khoản toàn cầu.

Tín hiệu đáng kể nhất trong quan hệ Nga-Trung thuộc về lĩnh vực năng lượng. Năm 2014, hai bên đã ký thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD, bao gồm việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt dài hơn 3.000 km từ phía đông Siberia cho tới đông bắc Trung Quốc.

Tháng 11/2014, hai nước đã đồng ý xây dựng tuyến đường ống khí đốt lớn thứ hai mang tên “Altai” từ phía tây Siberia cho đến Tân Cương, Trung Quốc. Không giống với tuyến đường khí đốt ở Siberia, “Altai” sẽ giúp Moscow chủ động trong việc cung cấp khí đốt đến phương Đông hoặc phương Tây khi cần thiết.

Nga và Trung Quốc chưa đạt được bước đột phát trong lĩnh vực năng lượng.

Moscow cũng bắt đầu mở rộng mỏ dầu Vankor ở phía bắc Siberia dưới sự đầu tư của Trung Quốc. Trước đây, Nga né tránh bước đi này bởi không muốn gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đến ngành công nghiệp năng lượng nội địa. Những bước đi tương tự cũng xuất hiện trong các lĩnh vực các như sản xuất ô tô.

Các công ty Trung Quốc bắt đầu cung cấp cho các công ty Nga những công nghệ mà Nga không thể tiếp cận do lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Các ngân hàng Trung Quốc cũng trở thành đối tác cho vay quan trọng với doanh nghiệp Nga.

Nga vẫn còn ngần ngại với Trung Quốc?

Chỉ trong vòng hơn một năm, mối quan hệ Nga-Trung đã có nhiều dấu hiệu đáng mừng, Tuy nhiên, các dự án song phương chưa đạt được bước tiến đáng kể. Một số dự án còn bị lãng quên hoàn toàn.

Trung Quốc muốn tập trung cho việc phát triển Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) còn Moscow lại tỏ ra ngần ngại. Nga đã nhiều lần từ chối lời mời của Trung Quốc nhưng cuối cùng đã đồng ý trở thành một trong những thành viên sáng lập, vài ngày trước khi thời hạn chót kết thúc.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai nước rất khó khăn trong việc triển khai các dự án chung. Đường ống dẫn khí đốt phía đông đã bắt đầu được xây dựng từ tháng 9/2014 nhưng chưa chắc có thể hoạt động đúng theo kế hoạch vào năm 2018.

Mối quan hệ Nga-Trung vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Nguyên nhân là do bất đồng trong khoản thanh toán trước trị giá 25 tỷ USD để xây dựng đường ống mà Trung Quốc cam kết. Hiện chưa rõ vấn đề này liệu đã được các bên tìm hướng giải quyết.

Hai nước cũng chưa thể thống nhất được tuyến đường chính xác, quỹ dành cho việc xây dựng và giá cung cấp khí đốt đối với dự án đường ống dẫn “Altai”. Bắc Kinh có thể đưa ra mức giá không hấp dẫn với Moscow do đường ống dẫn khí đốt chỉ tiếp cận các khu vực hẻo lánh ở Trung Quốc.

Khu vực này đang nhận được nguồn cung rất tốt từ các đường ống dẫn khí từ khu vực Trung Á. Hơn nữa đây là khu vực cách xa các trung tâm công nghiệp phía đông của Trung Quốc, nơi có nhu cầu khí đốt cao nhất.

Quan hệ kinh tế Nga-Trung đình trệ một phần là do Trung Quốc không có quan điểm rõ ràng về khủng hoảng Ukraine. Mặc dù các phương tiện truyền thông Trung Quốc bày tỏ sự thông cảm đối với những hành động của Moscow ở Ukraine, và nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc đã công khai phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng Bắc Kinh vẫn không hỗ trợ về mặt ngoại giao cho Moscow.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố “tôn trọng sự lựa chọn của người dân Ukraine” sau khi cựu Tổng thống Yanukovych bị lật đổ. Bắc Kinh cũng nhanh chóng phát triển mối quan hệ với chính quyền mới ở Ukraine trên nhiều phương diện.

Việc Trung Quốc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan cũng khiến Moscow quan ngại.

Rõ ràng quan hệ Nga-Trung đã trở nên ấm lên trong thời gian qua. Tuy nhiên, nó chưa thể tạo nên thay đổi rõ rệt và Bắc Kinh ít có khả năng phá vỡ sự cô lập quốc tế sâu sắc với Moscow, Reuters nhận định.

Đăng Nguyễn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news