Tin mới

Vì sao TQ chặn, cấm máy bay dân dụng của Lào bay qua biển Hoa Đông?

Thứ sáu, 31/07/2015, 09:48 (GMT+7)

“Tại sao Trung Quốc không dám ngăn cản máy bay của Mỹ, Nhật mà lại cấm Lào bay qua ADIZ phi pháp trên biển Hoa Đông? Dư luận quốc tế cần phải hiểu rõ về bản chất của sự việc…”, Tướng Lê Văn Cương nói.

Trước những động thái căng thẳng trong thời gian vừa qua mà Trung Quốc đơn phương thực hiện ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an để cung cấp đến độc giả các góc nhìn khách quan, đa chiều về diễn biến và bản chất đằng sau những hành động trên của Trung Quốc.

Tham vọng của Trung Quốc không chỉ ở đất liền, biển đảo mà cả ở trên không

Tạp chí Air Transport World ngày 27/7 cho biết, chuyến bay QV 916 của Lao Airlines cất cánh lúc 8 giờ sáng ngày ngày 25/7 từ sân bay Quốc tế Gimhae, Hàn Quốc, để quay về sân bay Vientiane của Lào. Sau một tiếng bay, khi chiếc Airbus 320 của Lao Airlines qua vùng biển Hoa Đông, chuẩn bị vào "vùng nhận diện phòng không" phi pháp mà Bắc Kinh đã ngang nhiên thiết lập, các kiểm soát viên của Trung Quốc đã không cho máy bay hàng không dân dụng Lào đi vào khu vực này với lý do máy bay không có giấy phép bay qua cái gọi là "không phận Trung Quốc". Do vậy, máy bay đã phải quay trở lại sân bay Gimhae.

Đây có thể được xem là trường hợp đầu tiên Trung Quốc không cho máy bay hàng không dân dụng Lào đi vào khu vực này với lý do máy bay "không có giấy phép" kể từ khi Bắc Kinh đơn phương công bố cái gọi là khu nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông từ ngày 23 tháng 11 năm 2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc.

Ở góc nhìn của nhà ngoại giao, ông có nhận định gì về động thái này của Trung Quốc, đặc biệt khi mục tiêu nhắm đến là một chiếc máy bay dân dụng của hãng hàng không quốc gia Lào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có lẽ, sẽ là hơi thừa nếu muốn nhắc lại một điều hiển nhiên ai cũng đã hiểu. Đó là gì? Tham vọng của Trung Quốc không chỉ ở mặt đất, trên biển mà ngay cả ở trên không nữa.

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an (Ảnh: Đình Tuệ)

Việc Trung Quốc đơn phương tiến hành lập cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không phi pháp (ADIZ) trên Biển Hoa Đông” (trong đó bao trùm toàn bộ quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà nước này cũng tranh chấp với Hàn Quốc) từ ngày 23/11/2013 tới nay là điều mà không được bất cứ nước nào công nhận, nhưng họ vẫn quyết tâm làm.

Hành động Trung Quốc ngang nhiên cấm máy bay dân dụng của Lào bay qua biển Hoa Đông theo tôi nhận định, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng thông lệ và luật pháp quốc tế. Trong đó, có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Chưa xét tới yếu tố tranh chấp trong các nhóm đảo hiện nay trên biển Hoa Đông, ta chỉ cần đối chiếu một số điều khoản trong UNCLOS 1982 là thấy Trung Quốc đã đi quá xa. Trong đó quy định, mỗi một quốc gia ven biển đều có quyền thiết lập một vùng nhận dạng thuộc không phận hợp pháp của mình để nhằm mục đích khi phát hiện có tên lửa thì sẽ phát ra cảnh báo và đưa ra thông báo thích hợp đối với máy bay của nước ngoài đi vào khu vực này.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã đơn phương cấm cả máy bay dân sự của một hãng hàng không như Lào Airlines đi qua biển Hoa Đông là điều không thể chấp nhận được. Lộ trình của chiếc máy bay từ Hàn Quốc về Lào hoàn toàn không hề vi phạm bất cứ điều khoản nào của thông lệ quốc tế.

Dư luận quốc tế cần phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự vô lý và ngang ngược này của phía Trung Quốc.

Máy bay của Lao Airlines (ảnh minh họa)

Vậy theo ông, liệu trong thời gian tới Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục có các hàng động tương tự với các máy bay dân dụng của nước khác (những nước "không có giấy phép bay" theo yêu sách của Bắc Kinh) hay không, vì sao?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta đều biết, giới chức Trung Quốc vốn rất khôn ngoan. Câu nói “mềm nắn, rắn buông” luôn được họ áp dụng một cách rất tỉnh táo và khá hiệu quả.

Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không ngăn cản máy bay của các nước lớn như Mỹ hay Nhật Bản. Thử hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ngang nhiên phát thông báo và ngăn cấm máy bay của các cường quốc này đi qua khu vực ADIZ trên biển Hoa Đông?

Nên nhớ rằng, Trung Quốc chỉ có thể “bắt nạt, chèn ép” và áp đặt luật chơi của riêng mình đối với các nước nhỏ yếu hơn mình. Mà qua đây, Lào là một ví dụ. Còn các nước lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… thì họ phải tự cân nhắc thiệt hơn.

Việc máy bay dân dụng của Lào bị Trung Quốc cấm bay qua vùng ADIZ trên biển Hoa Đông sẽ tạo ra một tiền lệ xấu. Nếu cả Lào và cộng đồng quốc tế không lên tiếng phản đối quyết liệt thì vô hình chung, Trung Quốc sẽ vin vào đó để thiết lập thêm một “sự đã rồi” nữa khi cho đó là một thông lệ mà nước này tự tạo ra mà không bị ai phản ứng gì. Các nước nhỏ khác, bao gồm cả Việt Nam cũng có thể sẽ trở thành nạn nhân của hành động cấm bay này (những nước "không có giấy phép bay qua không phận Trung Quốc" theo yêu sách của Bắc Kinh).

Trung Quốc đã và đang lộ rõ nguyên hình âm mưu bá chủ Biển Đông

Trong những ngày gần đây, Hải quân Trung Quốc đã và đang tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn trên khu vực Biển Đông, đặc biệt trong ngày 28/7/2015 vừa qua, với sự tham gia của trên 100 tàu chiến, hàng chục máy bay quân sự quân đội Trung Quốc đã tiến hành điễn tập kịch bản tập trận bắn đạn thật.

Mặc dù không công bố chi tiết nhưng trước đó Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về hoạt động "tập trận thường niên" tại khu vực đảo Hải Nam của nước này và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (tập trận là vi phạm chủ quyền của Việt Nam - PV) trên Biển Đông (từ ngày 22 - 31/7), bất chấp sự phản đối từ Việt Nam.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 23/7 tuyên bố cuộc tập trận Trung Quốc công bố hôm 20/7 là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, ngăn cản đà phát triển của quan hệ hai nước, làm cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp, đe dọa an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Ông Lê Hải Bình đã yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động xâm phạm chủ quyền này.

Theo ông, cuộc diễn tập quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông này bộc lộ điều gì, động cơ thực sự của Bắc Kinh trong cuộc diễn tập nói trên?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hành động tập trận trên Biển Đông của Trung Quốc (bất chấp đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam) nhằm mục đích rêu rao với thế giới rằng đó là cuộc tập trận thường niên của hải quân nước này và rằng các nước khác không nên quá quan tâm như vậy nhưng thực chất nó không hề đơn giản.

Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc chi một đống tiền ra để lo chi phí cho một cuộc tập trận quy mô lớn như vậy. Đặc biệt, nó lại diễn ra trên Biển Đông – nơi có thể nói là đang nóng hổi sau chuỗi các hành động ngang ngược của nước này nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình.

Cuộc tập trận này theo tôi thấy, nó đã đưa ra thông điệp tới các mục tiêu:

Một là, đối với Việt Nam và khu vực ASEAN nói chung, Trung Quốc không gì khác là muốn khoe khoang và phô diễn sức mạnh quân sự, hải quân của mình để nhằm răn đe, cảnh cáo những nỗ lực của các nước này trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.

Hai là, muốn gửi thông điệp tới Mỹ - quốc gia ở tận nửa vòng trái đất bên phía tây bán cầu rằng, Biển Đông là vùng biển mà Trung Quốc mới có quyền nắm thế thượng phong và nhắc nhở Mỹ nên thận trọng trong từng bước đi ở vùng biển này.

Rõ ràng, Trung Quốc đã và đang lộ rõ nguyên hình của một kẻ tham lam muốn nuốt trọn Biển Đông bằng “đường lưỡi bò” phi lý.

Tàu Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa trong cuộc diễn tập. (Ảnh: IT)

Các chuyên gia an ninh của Mỹ và các nước khác gần đây đã bày tỏ quan ngại là việc Trung Quốc sẽ tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sẽ không còn lâu nữa, đặc biệt là khi căng thẳng tại khu vực đang leo thang vì những hoạt động xây đảo nhân tạo qui mô lớn của Bắc Kinh.

Trong năm vừa qua Trung Quốc đã ráo riết lấp biển để xây những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi có những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ là phần mở đầu. Ông cho rằng bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là bố trí vũ khí trên những hòn đảo đó và tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường cho các yêu sách chủ quyền của mình.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Viện Hudson ở Washington, ông McCain nhấn mạnh: “Họ xây sân bay; họ sẽ đặt vũ khí ở đó, và việc kế tiếp mà quí vị sẽ thấy Trung Quốc làm là khi một chiếc máy bay của Mỹ bay ngang, bất kể là máy bay thương mại hoặc máy bay quân sự, họ sẽ đòi máy bay đó phải khai báo với họ. Họ lập ra một Vùng nhận dạng phòng không, mà sau đó có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ phi pháp”.

Ông có suy nghĩ gì về nhận định của Thượng nghị sỹ John McCain? Theo ông, Trung Quốc có lập sẽ tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay không? Thời điểm đó sẽ là khi nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng suy nghĩ của Thượng nghị sỹ John McCain là có cơ sở. Theo như những gì đang diễn ra có thể thấy rõ ràng rằng, việc xây đảo nhân tạo phi pháp chỉ là phần mở đầu và bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là bố trí vũ khí trên những hòn đảo đó rồi tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Khả năng một ADIZ được hình thành trên Biển Đông dường như đang được Trung Quốc dần định hình. Tại Diễn đàn Shangri-la 2015, đô đốc Tôn Kiến Quốc của Trung Quốc cũng đã công khai kế hoạch đầy tham vọng này.

Còn nếu khẳng định nó được ra đời ngay trong năm 2015 hay không hiện vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhất là trong bối cảnh tháng 9 tới sẽ là chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ.

Theo tôi, ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để khẳng định lập trường bảo vệ hòa bình, tự do hàng hải, hàng không trên cả Biển Đông và biển Hoa Đông, ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Cao Tuân – Đình Tuệ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Sự trỗi dậy của Trung Quốc: Lý thuyết khác xa thực tế

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn kiên định thể hiện cam kết "mô hình quan hệ nước lớn" dựa trên 3 trụ cột là không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, 5 năm qua, cam kết đầu tiên - không đối đầu - dường như đã biến mất khi Trung Quốc tham gia vào những cuộc tranh cãi khác nhau và xung đột với các nước láng giềng.