Tin mới

"Vợ bé" của nguyên mẫu ông chủ “Biệt động Sài Gòn”... đòi quyền làm vợ

Thứ hai, 11/05/2015, 08:22 (GMT+7)

Bà Thiệp kể rằng, nhiều lúc, sống nơm nớp trong nỗi lo cơ sở bị lộ không nặng nề bằng sự dè bỉu của dư luận, những câu nói cạnh khóe đến xóc óc của lối xóm.

Bà Thiệp kể rằng, nhiều lúc, sống nơm nớp trong nỗi lo cơ sở bị lộ không nặng nề bằng sự dè bỉu của dư luận, những câu nói cạnh khóe đến xóc óc của lối xóm.

Được coi là nhân vật chính của một trong những câu chuyện tình đẹp nhất thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành nguyên mẫu ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”, tỉ phú Mai Hồng Quế, người âm thầm xây hầm chứa vũ khí và ém quân tiến đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968 đã được giới thiệu khá nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh người vợ đầu tiên (bà Phạm Thị Chinh) đã được hư cấu thành nhân vật nữ chính trong bộ phim kể trên thì cuộc hôn nhân nhiều trắc trở của ông với người vợ thứ hai, bà Đặng Thị Thiệp và nhiều câu chuyện khác quanh mối quan hệ với hai người phụ nữ chỉ mới được công bố rộng rãi sau khi ông mất.

"Ông chồng"... dỗi vợ

Những năm đầu sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, một người đàn ông 30 tuổi có lý lịch thuộc hàng danh gia vọng tộc, sở hữu tấm bằng khen của quốc vương Campuchia, có thể cho phép chủ sở hữu được tự do ra vào đất nước xứ Chùa Tháp mà không cần trình báo đột ngột đến đề nghị Ty Cảnh sát Hậu Nghĩa (Long An) được xuất cảnh sang Campuchia làm ăn vì... giận vợ. Ngay lập tức, một cuộc điện thoại kiểm tra thông tin được gọi về Sài Gòn.

Bên trong căn hầm chứa vũ khí của ông Trần Văn Lai.

Điều bất ngờ là "vợ ông", bà Phạm Thị Phan Chính (Phạm Thị Chinh) lại chính là em của Trưởng ty Cảnh sát Nha Trang, Phạm Phong Ngư, đồng thời là cháu chủ tiệm vàng Phú Xuân nổi tiếng của Sài Gòn. Vì vậy, "ông chồng" dỗi vợ không những không được cấp phép mà còn "bị" giữ lại chờ "người nhà" đến đón về.

Người đàn ông xin xuất cảnh ấy là Trần Văn Lai. Anh từng là thành viên của Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và cũng là cán bộ nằm vùng tổ chức xây dựng cơ sở tại Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có sẵn trong tay nhiều cơ sở cũ, sau hiệp định Giơnevơ, anh được lệnh tiếp tục ở lại Sài Gòn hoạt động.

Tất cả tình huống diễn ra tại Ty Cảnh sát Hậu Nghĩa đều do tổ chức sắp đặt nhằm tạo vỏ bọc hợp pháp đưa anh trở lại hoạt động tại nội thành. Khi ấy, bà Phạm Thị Chinh đã là đảng viên Đảng Cộng sản. Lần đến "đón chồng" tại trụ sở cảnh sát ngụy cũng là lần đầu tiên bà gặp gỡ Trần Văn Lai.

Nhờ sự hậu thuẫn của bà Chinh, uy tín của gia đình vợ với chính quyền ngụy cũng như sự khéo léo của bản thân, dưới vỏ bọc Mai Hồng Quế, nhà thầu khoán của Dinh Độc Lập, ông Trần Văn Lai dần xây dựng thêm nhiều cơ sở bí mật, cơ sở đấu tranh chính trị, đồng thời phụ trách lãnh đạo nghiệp đoàn thợ nệm trong lực lượng thợ thuyền.

Sự gặp gỡ, đồng cam cộng khổ của hai con người đồng chí hướng trở thành mảnh đất cho tình yêu nảy nở. Từ "vợ chồng" trên danh nghĩa, họ thực sự trở thành gia đình. Năm 1964, địch quyết định thả 2 cán bộ cao cấp của ta (Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc) đang bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo với điều kiện phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh.

Theo đề nghị của cấp trên, hai vợ chồng chủ thầu Mai Hồng Quế sẽ đứng ra làm thủ tục nhận người. Việc bảo lãnh chu tất. Hai người đồng chí được bí mật đưa ra chiến khu an toàn.

Địch phát hiện hai người được bà Chinh nhận làm họ hàng, bảo lãnh về thành làm ăn, đột nhiên biến mất đã bắt bà về tra khảo ngày đêm. Không khai thác được thông tin nào, chúng buộc phải trả về. Do thương tích quá nặng, sau một thời gian ngắn thì bà Chinh mất.

Căm hận kẻ thù, đau xót cho người vợ trẻ, không nén được lòng mình, ông Trần Văn Lai viết ngay một bài thơ và cho khắc trên bia mộ vợ, trong đó có 2 câu: "Sớm muộn Bắc Nam thề hiệp một. Đừng hờn, đừng tủi nữa nghe Chinh". Hiện tại, tấm bia mộ của bà và bài thơ khắc trên đó hiện vẫn được gia đình ông Lai lưu giữ.

Người vợ thứ thành cô giúp việc quyến rũ ông chủ

Năm 1965, Trần Văn Lai nhận lệnh xây dựng hầm vũ khí đảm bảo bí mật tuyệt đối, lâu dài ngay tại nội thành. Cũng trong khoảng thời gian này, những người dân sống tại phố Võ Di Nguy (thuộc quận Phú Nhuận bây giờ) thường xuyên thấy một ông chủ giàu có nhưng phải đến ở ngoại thành vì đã dám "qua mặt" vợ cả, dan díu với cô người ở kém mình đến 20 tuổi rồi lấy làm vợ bé.

Người "vợ bé" ấy chính là Đặng Thị Thiệp. Bà Thiệp sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động cách mạng tại Quảng Ngãi. Bản thân bà cũng tham gia cách mạng từ rất sớm. Bà từng làm một liên lạc viên cho phong trào đấu tranh chính trị, bảo vệ hiệp định Giơnevơ năm 1954. Cha tập kết ra Bắc, mất liên lạc. Gia đình không thể yên ổn ở quê cũ.

Chân dung ông Trần Văn Lai, tức Mai Hồng Quế.

Bà Thiệp được một người đồng đội cũ của cha dắt lên tận Đà Lạt, sau đó được điều chuyển về Sài Gòn, cùng người mẹ tham gia quản lý cơ sở bảo đảm hầm trú ém cán bộ và vũ khí bí mật nội thành dưới danh nghĩa vợ bé của một chủ thầu giàu có.

Vỏ bọc của một gia đình nhỏ có chồng làm thầu khoán, vợ bán đồ Mỹ giúp ông bà nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền của. Một phần trong số đó được đầu tư mua nhà theo yêu cầu của tổ chức hoặc bí mật chuyển về cho tổ chức, song số lượng cụ thể bao nhiêu thì chỉ có ông chủ thầu Mai Hồng Quế nắm được.

Sống chung, hoạt động chung một chiến tuyến, giữa ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Thiệp dần nảy sinh tình cảm. Tháng 5/1966, Tham mưu phó phân khu 6 Sài Gòn - Gia Định, Đỗ Tấn Phong, lãnh đạo của bà Thiệp đã thay mặt tổ chức nhất trí chấp thuận cho hai ông bà "xây dựng gia đình trong điều kiện đơn tuyến để đảm bảo bí mật cơ sở cho yêu cầu cách mạng". Tuy nhiên, với những người sống quanh khu vực thì bà Thiệp vẫn là cô giúp việc quyến rũ ông chủ.

Bà Đặng Thị Thiệp kể rằng, nhiều lúc, sống nơm nớp trong nỗi lo cơ sở bị lộ không nặng nề bằng sự dè bỉu của dư luận, những câu nói cạnh khóe đến xóc óc của lối xóm.

Năm 1967, đứa con đầu tiên của hai người cất tiếng khóc mà không được mang họ cha. Sau này, hơn một năm bà lại có thêm một người con song tất cả chỉ được phép gọi ông Mai Hồng Quế bằng bác. Ngay gần gia đình có căn nhà của vợ chồng một tên cảnh sát có nhiều nợ máu với cách mạng. Cứ cuối tuần chúng lại kéo về ăn nhậu. Mụ vợ ỷ thế chồng, thấy bà Thiệp còn trẻ, liên tục mang chuyện bà "cướp chồng" ra gây sự chửi bới.

Được sự giúp sức của ông Lai, một buổi tối, khi nhóm cảnh sát ngụy đang nhậu nhẹt, bà lén quăng trái nổ vào căn nhà khiến đứa bị thương, đứa bỏ chạy tán loạn. Không ai có thể ngờ cô vợ bé trẻ người hiền lành ấy lại là thủ phạm.Vụ án tạm khép lại với nghi vấn là một vụ tấn công của Việt cộng. Tất nhiên, chuyện này được cả hai vợ chồng ông chủ thầu khoán "ém nhẹm". Mãi sau ngày ông Lai mất, bà Thiệp mới kể lại cho con cháu nghe.

Vất vả tìm họ cha cho con

Trong những năm 1966-1968, căn nhà của vợ chồng bà Thiệp trở thành kho ém vũ khí và tấm bình phong vững chắc để ông Lai đón, nuôi giấu lãnh đạo trong tổ chức về trinh sát, kiểm tra tình hình rồi đưa ngược trở ra căn cứ. Đây cũng là nơi bảo quản hai chiếc xe ôtô chở ông Lai và các chiến sỹ biệt động đánh Dinh Độc Lập đêm mùng 1, rạng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968.

Nhớ lại buổi tối lịch sử ấy, bà Thiệp cho biết: Ông Lai trở về nhà từ chiều. Bà lặng lẽ thu xếp cho chồng. Lo lắng nhưng không dám khóc, sợ ảnh hưởng người đi. Có lẽ ông cũng xác định ít có cơ hội sống sót trở về nên sau này bà tìm thấy một lá thư trong đó có mấy câu thơ ông kín đáo để lại, dặn dò con cái nhớ tìm về quê hương bản quán sau ngày đất nước giải phóng.

Chồng đánh trận, bà hồi hộp chờ tiếng súng như chờ tín hiệu được hồi sinh vì chắc chắn rằng chỉ đánh thì mới sớm được giải phóng. Tin tức không lành đổ về. Lo cho chồng, cho mình, cho con, lo kho vũ khí bí mật dưới hầm nhà bị lộ khiến bà mất ăn mất ngủ.
Ngày mùng 4 Tết, vừa mở cửa, bà đã thấy hai chiến sỹ giải phóng mang đầy thương tích trước nhà. Cả hai nhanh chóng được đưa vào, sơ cứu vết thương rồi được móc nối liên lạc đưa trở ra căn cứ. Khi ấy, người chồng và hai chiếc xe ô tô đi đánh Dinh vẫn bặt vô âm tín. Ít ngày sau, ông bơ phờ trên chiếc xe đạp chạy về.

Một trận ghen ngược được bà "bài binh bố trận" khiến bàn ghế trong nhà loảng xoảng ngay sau khi ông bước vào nhà. Sau này mấy bà hàng xóm hay ngồi lê đôi mách được giải thích rằng: bà vợ bé tức giận chuyện ông chồng ở với vợ lớn, bỏ bê vợ nhỏ trong lúc hỗn loạn, xe ô tô lại bị bà cả giữ hết khiến bà nhỏ tức giận gây lộn...
Đợt tổng tấn công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân 1968 lần thứ nhất tạm khép lại, địch ráo riết bố ráp, hàng loạt cơ sở cách mạng lần lượt bị phá vỡ, nhiều gia sản của ông Mai Hồng Quế bị tịch thu nhưng căn nhà bà Thiệp đang ở và một số cơ sở khác vẫn chưa bị phát giác. Chính quyền ngụy treo giải thưởng lớn cho ai bắt được chủ thầu khoán Mai Hồng Quế. Ông phải thay hình đổi dạng, di chuyển chỗ ở liên tục. Sau lần chuẩn bị cho đợt tấn công lần thứ hai, thêm nhiều cơ sở khác bị lộ, ông móc nối với cơ sở cũ, được một gia đình nhận về làm con để hợp thức hóa giấy tờ.

Đến năm 1972, ông bị bắt giữ, tra tấn. Không khai thác được gì, gia đình lại chạy tiền nên địch đồng ý thả người nhưng nhất cử nhất động của ông đều bị theo dõi. Trong suốt những năm lẩn tránh ấy, đã có lúc ông phải giả làm người điên. Một mình bà Thiệp vừa nuôi 5 đứa con nhỏ, vừa tất tả ngược xuôi lo lót, chạy các loại giấy tờ, đi lại thăm chồng. Từ bà vợ bé trẻ trung được cưng chiều, bà tiều tụy đến mức có thời điểm còn chưa đầy 40kg.

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, vợ chồng con cái được công khai chung sống. Bà Thiệp đến cơ quan hành chính địa phương xin được hợp thức hóa hôn nhân, cho cha được nhận con, vợ được nhận chồng. Bà như chết điếng khi cán bộ phụ trách thông báo không thể làm được thủ tục vì trên giấy tờ, vợ của ông Trần Văn Lai vẫn là bà Phạm Thị Chinh, bà Đặng Thị Thiệp chỉ là bồ nhí.

Phải sau gần hai năm trời ròng rã chạy xin xác nhận của tất cả những người đồng đội, thủ trưởng, cơ quan cũ, vợ chồng bà mới có được giấy khai sinh cho con. Đến nay, dù 5 người con sinh trong 5 năm khác nhau nhưng trên 5 tấm giấy khai sinh do UBND quận 1 cấp lại chỉ ghi đúng một ngày 7/5/1979.
Vĩ thanh

Năm 1984, bà Phạm Thị Chinh được công nhận là liệt sỹ. Một năm sau, bà Đặng Thị Thiệp cũng vinh dự được Chủ tịch nước ký tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Năm 1988, căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 10, nơi có hầm bí mật ém vũ khí và cán bộ, chiến sỹ đánh Dinh Độc Lập đã được bộ Văn hóa cũ công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khi chúng tôi đến tìm hiểu tư liệu cho bài viết, anh Trần Vũ Bình, con thứ ba của ông Lai, bà Thiệp cho biết: Hiện nay, hai chiếc xe ô tô của gia đình được huy động phục vụ đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968 đang được trưng bày tại bảo tàng ngoài Hà Nội và Trung tâm văn hóa quận 3, TP.HCM.

Gần 1.000 tư liệu, hiện vật, trong đó có cả những băng ghi âm các cuộc họp của cha anh và đồng chí đồng đội ngay sau giải phóng, các văn bản được cấp trên của cha xác nhận thành tích cho ông cho đến các kỷ vật riêng tư... vẫn đang được gia đình lưu giữ.

Theo Thanh Đạm/Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news