Tin mới

Vụ 2 cô gái bị đưa vào trung tâm vô gia cư dưới góc nhìn pháp lý

Thứ năm, 28/09/2017, 14:26 (GMT+7)

Liên quan đến vụ việc không mang theo giấy tờ khi đi uống cà phê khiến 2 cô gái trẻ ở Sài Gòn bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khiến dư luận không khỏi hoang mang, theo ý kiến của luật sư, cán bộ phường làm như vậy là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật.

Liên quan đến vụ việc không mang theo giấy tờ khi đi uống cà phê khiến 2 cô gái trẻ ở Sài Gòn bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khiến dư luận không khỏi hoang mang, theo ý kiến của luật sư, cán bộ phường làm như vậy là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật.

Nhung và Kiều khẳng định: "Tụi em rất sợ, tụi em hoàn toàn hợp tác chứ không có chuyện tụi em không hợp tác đâu. Ảnh: Trí thức trẻ

Theo thông tin trên VTC News, hơn 1 tuần qua, bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (54 tuổi, Tiền Giang, tạm trú P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để kê khai, làm thủ tục đón con về nhà. 

Bà Nghĩa cho biết, 15h ngày 18/9, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (con bà Nghĩa, 21 tuổi, quê Tiền Giang) và chị Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) cùng đi uống nước với nhóm bạn ở khu phố 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM. Khi cả nhóm đang uống nước thì Công an phường Tam Bình ập vào kiểm tra hành chính chủ quán và các khách trong quán.

Lúc này, Nhung và Kiều không xuất trình được giấy tờ tùy thân (CMTND) nên công an P.Tam Bình đã mời về trụ sở để làm việc. 

Sau đó 3 tiếng sau, chính quyền P. Tam Bình đã đưa Nhung và Kiều về Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu  theo diện người vô gia cư. 

"Hơn 17h cùng ngày, tôi nhận được điện thoại của con bé Nhung khóc lóc nói "mẹ có giấy tờ nào của con không, mẹ gửi cho con liền, con bị công an bắt rồi...".

Cũng theo bà Nghĩa, khi bà mang giấy tờ đến công an phường  thì con của bà đã được đưa vào Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu. 

Đến chiều 27/9, sau 7 ngày vật vờ tại trung tâm, 2 cô gái mới được làm các thủ tục về nhà.

Kể lại quãng thời gian kinh hoàng sau khi được cho ra ngoài, Nguyễn Thị Tuyết Nhung nói trong nỗi nghẹn ngào: "Lạy trời đất, em đã được cho về. Em rất sợ những ngày ở trong đấy, giờ vẫn còn run…".

Theo lời Nhung, khi 2 người ở Công an phường Tam Bình, một lát sau, anh Nghĩa (chủ quán cà phê nơi 2 cô gái uống) đã mang một số tờ xin bảo lãnh cả 2, tuy nhiên công an vẫn không đồng ý. Cô cũng khẳng định do rất sợ hãi nên mình và bạn đi cùng đều hợp tác với công an.

Về việc này, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc - Chủ tịch phường Tam Bình khẳng định đã làm đúng quy định.

"Anh em làm theo đúng quy định và văn bản đâu có quy định 24h đâu. Mình cứ dựa vào văn bản mà làm thôi, tôi đã trả lời các anh đầy đủ hết rồi đó. Anh em làm việc theo quy định mà. Lúc kiểm tra, 2 bé không hợp tác, không có giấy tờ nên lập hồ sơ đưa đi thôi!", ông Quốc cho hay.

Sau vụ việc nhiều người cảm thấy hoang mang và thắc mắc về quy định nào cho phép công an phường tạm giữ người dân như vậy? Trả lời trên Trí thức trẻ, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2013 và Quyết định 29/2017 của UBND TP.HCM, trường hợp đưa 2 cô gái này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở hỗ trợ xã hội.

Theo luật sư Hùng, để đưa một người vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thì chỉ khi có căn cứ người đó không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng. Việc xác định một người không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó tạm trú/thường trú.

"Theo tôi, mới chỉ 2 tiếng đồng hồ mà cơ quan chức năng đã đưa 2 chị này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật vì còn phải xác minh cụ thể.

Hơn nữa, theo thông tin của người nhà thì họ đã đưa giấy tờ tùy thân để bảo lãnh, nhưng các cơ quan này vẫn không chấp nhận là không có căn cứ. Vì giấy tờ tùy thân là căn cứ thể hiện người đó có hộ khẩu tại đâu", LS Hùng nhận định.

Cũng theo LS Hùng, 2 cô gái này chỉ chưa xuất trình được giấy tờ tùy thân chứ không thuộc diện người ăn xin, lang thang, không có nơi cư trú ổn định như UBND phường Tam Bình nêu. Chỉ khi xem xét các giấy tờ tùy thân, xác minh cụ thể mới có căn cứ xác minh về nhân thân, công việc và nơi cư trú của họ. Từ đó mới có căn cứ đưa vào Trung tâm.

Được biết, theo Quyết định 29/2017/QĐ-UBND TP.HCM về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.HCM quy định:

- Người ăn xin là những người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực hoặc những hành vi đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh, kẹo và các hành vi tương tự.

- Người sinh sống nơi công cộng: là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt, ăn, ngủ nơi công cộng.

+ Nơi công cộng: vỉa hè, lòng - lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm dừng xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ và những nơi công cộng khác.

- Người không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.

Khi phát hiện người có hành vi xin ăn, sinh sống nơi công cộng, các quận, huyện thực hiện tập trung đối tượng và thực hiện xác minh nơi cư trú, giải quyết hồi gia, hồi nhập cộng đồng hoặc đưa đến các đơn vị tiếp nhận ban đầu.

Đức Hòa (tổng hợp)

 
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news