Tin mới

Vụ 3 bảo mẫu bạo hành trẻ ở Sài Gòn: Cục Trẻ em lên tiếng

Thứ ba, 28/11/2017, 09:15 (GMT+7)

Liên quan đến vụ hàng chục trẻ em ở trường Mầm Xanh (TP.HCM) bị 3 cô giáo đạp, tát, đánh bằng mọi vật dụng trong nhà, thậm chí cả dao, đang khiến dư luận phẫn uất, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, cần phải có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành.

Liên quan đến vụ hàng chục trẻ em ở trường Mầm Xanh (TP.HCM) bị 3 cô giáo đạp, tát, đánh bằng mọi vật dụng trong nhà, thậm chí cả dao, đang khiến dư luận phẫn uất, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, cần phải có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành.

Trường mầm non Mầm Xanh. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, nhưng đã có một loạt các vụ xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra khiến dư luận phải giật mình. Trước những diễn biến phức tạp về tình hình xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã trao đổi về vấn đề này.

Trao đổi trên VOV, ông Đặng Hoa Nam nhận định các con số thống kê cho thấy số các vụ việc bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn. Hiện có những vụ xâm hại mà thủ phạm là những người nuôi dạy trẻ, cha mẹ trẻ.

Tiếp nữa, những vụ xâm hại ghi nhận có dấu hiệu gia tăng cha dượng xâm hại tình dục con riêng của vợ, thậm chí cha đẻ xâm hại con ruột của mình.

Đây là những dấu hiệu cho thấy diễn biến hết sức phức tạp trong xâm hại trẻ em, cần có những nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng hơn để đánh giá đúng tình hình các vụ việc đang xảy ra hiện nay.

Bên cạnh đó cũng cần phải gia tăng các biện pháp thực thi, giáo dục pháp luật để phòng ngừa xâm hại và bảo vệ trẻ em.

"Vấn đề thứ 2 là theo dự báo của chúng tôi, sắp tới, các thông tin thông báo, tố giác về xâm hại trẻ em sẽ tăng. Nguyên nhân do, đến nay chúng ta đã có những kênh cụ thể để tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em, có các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp nhận và bảo vệ thông tin cho người tố giác.

Điều này tạo ra sự thuận tiện hơn, gia tăng niềm tin với người dân với các cơ quan thực thi pháp luật. Do đó, chúng tôi cho rằng, trong thời gian gian tới, số lượng các vụ việc được tố cáo, được phát hiện và được xử lý sẽ tăng cao", ông Nam nhận định.

Trở lại với vụ việc trẻ bị hành hạ dã man ở trường mầm non Mầm Xanh, theo ông Nam, ngay lúc này tất cả các biện pháp xử lý cần chú ý vào 2 góc độ. Góc độ thứ nhất phải ưu tiên quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ nạn nhân.

Cục Trẻ em đã có kết nối với ngành giáo dục và được biết đơn vị này đã ngay lập tức đóng cửa trường và cơ quan công an đã vào cuộc điều tra. Tôi đã đề nghị ngành giáo dục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH chuyển các em tới đơn vị giáo dục khác và thực hiện chăm sóc đặc biệt như khám sàng lọc tâm lý để có phương án chăm sóc cụ thể.

Trao đổi trên tờ Dân Việt, ông Nam thông tin, hiện nay các cơ quan công an, thực thi luật đã vào cuộc khá nhanh, với trách nhiệm cao nhất để điều tra và xử lý. Tại Hà Nội, Tổng đài chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng đã ngay lập tức liên hệ để hỗ trợ, hướng dẫn quy trình xử lý, cũng như biện pháp hỗ trợ. Rõ ràng, sự phối hợp của các cơ quan pháp luật, cơ quan có trách nhiệm xã hội đã tốt hơn.

Về góc độ pháp lý, ông Nam khẳng định, trong Luật Hình sự và Luật Hành chính cũng đã quy định hành vi xâm hại trẻ em luôn được áp ở khung hình phạt cao, xâm hại trẻ em luôn bị coi là tình tiết tăng nặng.

Tất cả những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đều đã được cơ quan pháp luật đã vào cuộc. Chắc chắn với những hành vi bạo lực nghiêm trọng trong các vụ việc bạo hành như trên đều sẽ bị xử lý hình sự. Theo Luật Hình sự, những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đều bị xử lý nghiêm và tăng nặng nếu có các tình tiết nghiêm trọng, xâm hại nhiều trẻ. Xâm hại trẻ em càng nhỏ tuổi hơn thì càng cần phải xử lý nghiêm hơn. Việc xử lý thế nào, sẽ căn cứ cụ thể vào hành vi và mức độ gây bạo lực.

Về giải pháp phòng ngừa, Cục trưởng Nam cho rằng, cần phải tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục đủ tính chất răn đe để những người có ý định xâm hại trẻ em phải run tay.

"Tôi đề nghị các địa phương sớm triển khai sử dụng phân bổ có hiệu quả nguồn ngân sách của địa phương và nguồn ngân sách do trung ương hỗ trợ để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em.

Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục kỹ năng về làm cha mẹ, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho giáo viên", Cục trưởng Nam nêu vấn đề và khẳng định phía Bộ LĐ-TB&XH, sẽ đặt mạnh việc cần phản ứng nhanh để vào cuộc kịp thời, tái hòa nhập cho nạn nhân khi các em gặp phải những sự việc đáng tiếc.

Trong một diễn biến liên quan, trên VietNamNet dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết cảm thấy "kinh hoàng" khi xem clip ghi lại vụ các cô giáo bạo hành trẻ mầm non tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh. 

Theo Thứ trưởng Nghĩa, sự việc các bảo mẫu hành hạ trẻ em khiến bà cảm thấy bất bình và kinh hoàng trước những hành động được báo chí ghi lại.

Cũng theo bà Nghĩa, sáng ngày 27/11, bà đã gọi điện đến sở GD&ĐT Hồ Chí Minh và yêu cầu giám đốc, phó giám đốc sở phải đích thân kiểm tra tận nơi và phối hợp với các ban ngành để xử lý nghiêm sự việc.

Như tin đã đưa, sáng ngày 27/11 cơ quan công an đã tiến hành mời bà Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974, quê tỉnh Lâm Đồng, trú phường Hiệp Thành, quận 12) là chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở đường HT05, phường Hiệp Thành, quận 12 cùng 2 người khác lên làm việc. 

Khi biết tin này, khá nhiều phụ huynh đã bế con lên công an phường để phản ánh với vẻ khá bức xúc. 

Thậm chí, một phụ nữ đã xông vào trụ sở đòi đánh bà Linh nhưng đã bị cản lại.

Tại cơ quan công an, bà Linh tỏ vẻ sợ sệt khúm núm, khai nhận mình là người trong đoạn clip mà báo chí phản ánh. Chủ cơ sở cùng 2 người khác là Quỳnh và Đào đã dùng nhiều vật dụng khác nhau để đánh và đe doạ các bé khi ăn, ngủ… 

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news