Tin mới

Vụ bé sơ sinh suýt bị chôn sống: Bác sĩ sơ suất trong chẩn đoán có bị xử lý?

Thứ sáu, 29/04/2016, 19:24 (GMT+7)

Đối với trẻ sơ sinh thì việc cấp cứu, cứu chữa càng phải thận trọng, chu đáo hơn... đó không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, còn là đạo đức xã hội. Hành vi vi từ chối cứu chữa cho trẻ sơ sinh, chuẩn đoán sai tình trạng sức khỏe và yêu cầu gia đình lo "hậu sự" là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Luật sư Cường cho rằng, hành vi từ chối cứu chữa trẻ sơ sinh, chuẩn đoán sai tình trạng sức khỏe và yêu cầu gia đình lo "hậu sự" là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Vụ việc, bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Trung (Thanh Hóa) tắc trách, khi cho bé sơ sinh khó qua khỏi và thông báo để gia đình đưa về lo hậu sự, đã khiến dư luận bức xúc.

Cụ thể, vào sáng ngày 26/4, chị Phạm Thị Lý (thôn Trí Phúc, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa; mang thai 28 tuần tuổi) có biểu hiện đau bụng. Chị Lý được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Hà Sơn để thăm khám. Bác sĩ tại trạm Y tế cho biết chị Lý có hiện tượng sinh non nên gia đình đưa sản phụ lên Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung.

Vào khoảng 13h ngày 26/4, sản phụ Lý sinh một bé gái. Lúc sinh ra cháu bé vẫn thở, nhưng bác sĩ kết luận cháu bé sẽ tắt thở trong vài phút nên thông báo gia đình lo hậu sự.

Gia đình đã mua tiểu để khâm liệm cho cháu bé. Tuy nhiên, thấy cháu bé chưa tắt thở, nên gia đình để cháu vào hộp giấy rồi đưa về nhà. Khi cháu bé được chuyển về nhà thì có dấu hiệu hồng da trở lại.

Luật sư Đặng Văn Cường

Gia đình nhanh chóng đưa cháu bé tới Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho cháu bé. Sau đó, sức khỏe của cháu bé tiến triển tốt.

PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội, để làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc.

Theo Luật sư Cường, luật khám chữa bệnh 2009 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh trong đó có hành vi: “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”. Điều 35 Luật này cũng quy định về nghĩa vụ của người hành nghề đối với người bệnh: Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật này; Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh; Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 11 của Luật này; Đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình; Chỉ được yêu cầu người bệnh thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.

"Vì vậy, hành vi từ chối cứu chữa với người bệnh và hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm y đức của bác sĩ. Nước ta không quy định về "quyền được chết", đồng thời bác sĩ có trách nhiệm "còn nước còn tát", phải cứu bệnh nhân tới phút cuối cùng, không được đầu hàng bệnh tật. Đối với trẻ sơ sinh thì việc cấp cứu, cứu chữa càng phải thận trọng, chu đáo hơn... đó không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, còn là đạo đức xã hội. Hành vi vi từ chối cứu chữa cho trẻ sơ sinh, chuẩn đoán sai tình trạng sức khỏe và yêu cầu gia đình lo "hậu sự" là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo pháp luật", Luật sư Cường nhận định.

Cụ thể, người khám chữa bệnh không khẩn trương sơ cứu, cấp cứu người bệnh; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, Điều 28, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế:

“Điều 28. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

e) Không khẩn trương sơ cứu, cấp cứu người bệnh; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”.

Trong trường hợp, người khám bệnh vi phạm các quy định về khám bệnh dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi vi phạm hoặc đã bị kết án về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 

“Điều 242, Điều 242, Bộ luật hình sự quy định: Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác  1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị  phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”, ông Cường dẫn luật. 

Theo đó, luật sư Cường nhận định: vụ việc bệnh nhi ở Hà Trung - Thanh Hóa bị bác sỹ chẩn đoán là đẻ non, khó nuôi, không tiến hành cấp cứu, rất may là đứa trẻ không thiệt mạng nên chưa đủ căn cứ xử lý hình sự với người cứu chữa. Tuy nhiên vị bác sỹ này có thể bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính như phân tích ở trên với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

"Ngoài ra, sự việc trên mà gây thiệt hại về tài sản với gia đình bệnh nhân thì gia đình bị nhân cũng có thể yêu cầu bác sĩ và cơ sở y tế này bồi thường thiệt hại với những thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần đã gây ra cho gia đình bệnh nhân", Luật sư Cường nhấn mạnh.

Cự Giải

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news