Tin mới

Vụ CSCĐ túm cổ áo dân: Sai điều lệ ngành nhưng vẫn chưa nói với dân lời xin lỗi

Thứ ba, 16/06/2015, 15:39 (GMT+7)

Thực tế, để xin lỗi cho một hành vi "sai điều lệ ngành", chỉ cần nêu tên người xin lỗi chứ không nhất thiết cần biết danh tính người được xin lỗi.

Thực tế, để xin lỗi cho một hành vi "sai điều lệ ngành", chỉ cần nêu tên người xin lỗi chứ không nhất thiết cần biết danh tính người được xin lỗi.

Liên quan tới clip có nội dung phản ánh việc người tham gia giao thông bị cảnh sát cơ động túm cổ áo yêu cầu kiểm tra hành chính, vừa qua, Công an TPHCM đã xác định 2 cảnh sát cơ động xuất hiện trong clip chính là chiến sĩ thuộc Trung Đoàn cảnh sát cơ động - Công an TPHCM. Và cũng theo khẳng định của Trung tá Nguyễn Quang Thắng - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an thành phố, do đến nay, công an vẫn chưa xác định được và cũng chưa tiếp xúc được với người đàn ông và người phụ nữ đi cùng trong đoạn clip nên "chưa thể làm rõ được sự việc, từ đó thực hiện các bước xử lý tiếp theo".

 

Người dân chỉ nói lý nhưng đồng chí cảnh sát lại có hành động túm cổ áo dân

"Sai điều lệ ngành", bỏ hiện trường

Có thể thấy như trong clip, người dân làm việc với 2 chiến sĩ cảnh sát cơ động  chỉ nói lý bằng những lời lẽ từ tốn, phân trần. Thế nhưng, phản ứng của hai chiến sỹ cảnh sát cơ động thì  lại "nóng nảy, bực tức, không khôn khéo và thực hiện sai điều lệnh" như chính vị Phó phòng tham mưu thừa nhận.

Khi người dân đứng xung quanh bất bình lên tiếng, cho rằng CSCĐ không có quyền lấy chìa khóa xe của dân thì đồng chí cảnh sát này chối. Thế nhưng, sự thật là đồng chí này đã  nói lớn "Có đưa chìa khóa không?".

Trong trường hợp này, dù người dân không mang theo giấy tờ khi tham gia giao thông, song có thể thấy hai chiến sĩ cảnh sát cơ động, ngoài hành động túm cổ áo nạn nhân một cách vô lý, dùng những lời lẽ không đúng tác phong, các chiến sĩ này còn sai về quy định khi một mực yêu cầu nạn nhân không được giải thích và khẩn trương "lên phường giải quyết".

Và lỗi nghiêm trọng hơn là sau khi xảy ra tranh cãi giữa hai bên, hai chiến sỹ này đã bỏ đi mà không giải thích bất kỳ một lời nào. Như vậy, nếu coi việc yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông là một nhiệm vụ, thì chính 2 cảnh sát này đã không làm tròn nhiệm vụ khi tự ý bỏ đi khỏi hiện trường.

Nên nêu danh tính CSCĐ vi phạm điều lệ

Tuy nhiên, đáng ra, khi thừa nhận việc hai cảnh sát cơ động trên thực hiện "sai điều lệnh ngành" - theo như Trung tá Thắng, thì Trung đoàn cơ động cần nêu đích danh tên tuổi, chức vụ của hai chiến sỹ này. Đây là việc hết sức bình thường, vì mọi chiến sĩ công an mang sắc phục trong khi làm việc đều phải có số hiệu. Thế nhưng, cho tới tận thời điểm gần đây nhất, khi Trung tá Thắng thông tin cho biết đã kiểm điểm hai chiến sỹ, vẫn không có bất kỳ thông tin danh tính nào về họ được công bố.

Ngược lại, trong trường hợp này, người thanh niên bị cảnh sát cơ động túm cổ áo lại bị "yêu cầu" đến gặp lãnh đạo của Trung đoàn để cung cấp, làm rõ thêm nội dung được phản ánh trong đoạn clip. Qua đó, lãnh đạo ngành  mới có cơ sở để tổ chức xin lỗi. Tuy nhiên, trên thực tế, để xin lỗi cho một hành vi "sai đều lệ ngành", chỉ cần nêu tên người xin lỗi mà không nhất thiết cần biết danh tính người được xin lỗi.

Việc không nêu danh tính chiến sĩ có hành vi sai sẽ khiến nảy sinh câu hỏi: nếu sau này, hai đồng chí cảnh sát có lặp lại những hành vi trên trong quá trình thực thi công vụ, cũng sẽ rất khó cho dư luận, quần chúng quy kết việc họ vi phạm lần đầu hay lần thứ bao nhiêu?

Vũ Đậu

Người dân chỉ nói lý nhưng đồng chí cảnh sát lại có hành động túm cổ áo dân
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news