Tin mới

Vụ cô dâu, chú rể bị "giam lỏng" đêm tân hôn: Công an lên tiếng

Thứ năm, 12/01/2017, 09:41 (GMT+7)

Liên quan đến vụ cô dâu, chú rể bị "giam lỏng" tại nhà hàng tiệc cưới đêm tân hôn, công an quận Tân Phú (TP HCM) cho biết công an phường Hòa Thạnh đã làm hết chức trách nhiệm vụ và cho rằng nhà hàng không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật.

Liên quan đến vụ cô dâu, chú rể bị "giam lỏng" tại nhà hàng tiệc cưới đêm tân hôn, công an quận Tân Phú (TP HCM) cho biết công an phường Hòa Thạnh đã làm hết chức trách nhiệm vụ và cho rằng nhà hàng không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật.

Như tin tức đã đưa, tối ngày 8/1, vợ chồng anh T. và chị H tổ chức tiệc cưới tại Trung tâm hội nghị tiệc cưới Melisa Center (nhà hàng Melisa), đường Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM. Tuy nhiên trong lúc đãi tiệc, cô dâu chú rể không đồng tình với cách phục vụ của nhân viên nhà hàng như phục vụ không tốt, thức ăn không giống như trong hợp đồng đã ký.

Vì vậy khi tiệc tan, anh T. không chấp nhận thanh toán số tiền còn lại là 64 triệu đồng và yêu cầu được nói chuyện với đại diện nhà hàng. Nhưng nhân viên nhà hàng Melisa không chịu, đã đóng cửa không cho vợ chồng anh T. về. Nhận được tin báo, cơ quan cong an phường Hòa Thạnh đã đến hiện trường giải quyết vụ việc. Tuy nhiên dư luận cho rằng Công an phường Hòa Thạnh chưa làm tròn trách nhiệm trong vụ việc.

Vợ chồng anh T. bị "giam lỏng" tại nhà hàng đến 4h30 ngày 9/1 mới được về sau khi thanh toán nốt số tiền còn lại.

Cô dâu, chú rể được cho là bị giam lỏng tại nhà hàng tiệc cưới đêm tân hôn

Trao đổi với PV báo Tri Thức Trực Tuyến, ông Vũ Quang Hùng, Phó đội tổng hợp Công an quận Tân Phú, TP.HCM khẳng định cấp dưới đã làm đúng. Theo ông Hùng, sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo công an phường Hòa Thạnh đã cử cán bộ xuống hiện trường.

Tại đây, cán bộ công an phường Hòa Thạnh nhận thấy sự việc không có dấu hiệu vi phạm các nghị định về gây rối trật tự như đánh nhau nên công an phường đã đứng ra hòa giải, hướng dẫn 2 bên phương án xử lý. Hai bên đã thương lượng và thống nhất được hướng xử lý. Cụ thể là vợ chồng anh T. phải trả tiền cho khách hàng.

Ông Hùng cũng khẳng định, nhà hàng không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật. Việc nhà hàng đóng cổng là do khuân viên nhà hàng rộng, nên đóng cổng để ngưng cho xe ở ngoài chạy vào. Còn nếu vợ chồng anh T. muốn ra thì bảo vệ mở cửa cho ra. Vợ chồng anh T. ở lại nhà hàng là để chờ gặp ban giám đốc ra làm việc. Chứ không có việc vợ chồng anh T. bị buộc ở lại nhà hàng.

“Tôi xác nhận là công an phường đã làm hết chức trách nhiệm vụ. Bằng chứng là nó không xảy ra vấn đề gì phức tạp. Chỉ là thỏa thuận giữa nhà hàng và vợ chồng anh Tín. Phía khách hàng thì chưa vừa ý với cách phục vụ còn nhà hàng thì đã hoàn thành hợp đồng kinh tế”, báo Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời ông Hùng.

Liên quan đến vụ việc trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực, Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội dẫn Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 (BLHS), quy định: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi ngăn cản tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do di chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật về căn cứ thẩm quyền và thủ tục. Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.

“Tính trái pháp luật nói trong điều luật này là không đúng về thẩm quyền, không có căn cứ, không theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định trong việc bắt, giữ hoặc giam người. Nhân viên nhà hàng không phải là người có thẩm quyền bắt giữ người. Hành vi này có dấu hiệu rõ ràng của tôi bắt Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.” - Luật sư Lực nói.

H.Yên (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news