Tin mới

Vũ khí nhiệt áp với sức mạnh hủy diệt khủng khiếp

Thứ sáu, 19/06/2015, 15:20 (GMT+7)

Vũ khí nhiệt áp có sức công phá được so sánh giống như vũ khí hạt nhân chiến thuật nhưng không phát ra phóng xạ.

Vũ khí nhiệt áp có sức công phá được so sánh giống như vũ khí hạt nhân chiến thuật nhưng không phát ra phóng xạ.

Vũ khí nhiệt áp (Thermobaric Weapon) gồm những vũ khí khi nổ sẽ tạo ra loạt sóng chấn động nhiều, lâu và lớn hơn các loại vũ khí sử dụng thuốc nổ thông thường khác.

Vũ khí nhiệt áp có khả năng gây sát thương cao và có thể công phá các công sự chắc chắn hay phương tiện thiết giáp nhẹ, nó được so sánh giống như vũ khí hạt nhân chiến thuật nhưng không phát ra phóng xạ.

Nguyên lý hoạt động của loại vũ khí này là sử dụng các sóng chấn động hội tụ vào một điểm để tạo sức công phá cao nhất. Ngọn lửa hình thành khi đốt cháy nhiên liệu sẽ làm không khí giãn nở một cách đột ngột, làm xuất hiện các sóng chấn động.

Cũng chính ngọn lửa này gây ra sức sát thương rất lớn do nhiệt độ của nó tỏa ra xung quanh và rút hết không khí, tạo thành một vùng chân không trong thời gian ngắn. Việc rút hết dưỡng khí để cháy khiến cho mọi sinh vật bị ngạt, ngất đi, thậm chí dẫn đến cái chết.

Khi so sánh cùng một khối lượng, vũ khí nhiệt áp có sức mạnh cao hơn nhiều lần các loại vũ khí sử dụng thuốc nổ đặc bình thường khác. Dưới đây là một số loại vũ khí nhiệt áp phổ biến:

1. Súng phóng lựu nhiệt áp RPO-M (Shmel-M)

RPO-M hay còn có tên gọi khác RPO PDM-A Shmel-M là loại súng phóng lựu nhiệt áp được sản xuất nhằm trang bị cho quân đội Nga và xuất khẩu.

Súng phóng lựu nhiệt áp RPO-M Shmel-M

Nó nhẹ hơn đáng kể so với người tiền nhiệm RPO-A và có nhiều điểm vượt trội cả về tính năng lẫn thiết kế. Súng có độ chính xác cao hơn nhờ sử dụng kính ngắm quang học được tích hợp vào hệ thống điều khiển.

RPO-M bao gồm ống phóng nạp sẵn đạn và một hệ thống điều khiển bắn có thể dùng lại được gắn vào súng trước khi bắn. Khi bắn xong, kính ngắm sẽ được gắn vào ống phóng mới.

Ống phóng Shmel-M làm bằng hỗn hợp sợi thủy tinh và nhựa với 2 nắp cao su ở 2 đầu sẽ tự động phá hủy khi đạn được bắn ra.

Hệ thống điều khiển bắn làm bằng plastic gồm tay cầm, cò điện và hệ thống chốt an toàn. Bên trái súng có rãnh để gắn kính ngắm quang học hay hồng ngoại.

Đầu đạn nhiệt áp của RPO-M được đánh giá có hiệu quả tương đương với đạn pháo cỡ 152 mm.

2. Pháo phản lực phóng loạt nhiệt áp TOS-1 Buratino

TOS-1 là hệ thống pháo phản lực phóng loạt nhiệt áp được thiết kể để tiêu diệt sinh lực, xe bọc thép nhẹ và công trình quân sự của đối phương trong cự ly từ 400 - 6.000 m.

Pháo phản lực phóng loạt nhiệt áp TOS-1 Buratino khai hỏa

Hệ thống TOS-1 được đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, trong đó thay cho vị trí của tháp pháo là một dàn phóng có thể chứa tối đa 30 quả đạn rocket cỡ 220 mm.

Khi phóng hết cơ số đạn, TOS-1 sẽ tạo ra phạm vi sát thương khoảng 1 km2 (bằng đạn cháy) hoặc 2 km2 (bằng đạn nhiệt áp).

TOS-1 mang biệt danh Buratino - một nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của Aleksey Nikolayevich Tolstoy vì "chiếc mũi" dài của dàn phóng rocket.

3. Bom nhiệt áp BLU-96 (FAE-II)

Trung tâm Phát triển vũ khí Hải quân Mỹ tại China Lake chế tạo loại bom nhiệt áp 500 pound BLU-95 và 2.000 pound BLU-96 trong giai đoạn 1970 - 1980 như một phần của gia đình vũ khí nhiệt áp chuyên dùng để chống lại các công trình quân sự, xe thiết giáp và bãi mìn.

Bom nhiệt áp BLU-96

Bom nhiệt áp lần đầu được sử dụng bởi quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Liên Xô sau đó cũng nhanh chóng phát triển loại vũ khí này để chống lại quân Trung Quốc trong cuộc xung đột biên giới và sử dụng tại chiến trường Afghanistan.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news