Tin mới

Vụ nâng điểm thi ở Hà Giang: Phía dưới là "tảng băng chìm sai phạm"

Thứ ba, 17/07/2018, 21:49 (GMT+7)

Liên quan đến sai phạm trong việc chấm thi ở tỉnh Hà Giang, chuyên gia pháp lý cho rằng: "Bên cạnh Giám đốc Sở, nhiều người khác cũng phải chịu trách nhiệm, thậm chí còn phải xem xét trách nhiệm của người trên Giám đốc Sở".

Liên quan đến sai phạm trong việc chấm thi ở tỉnh Hà Giang, chuyên gia pháp lý cho rằng: "Bên cạnh Giám đốc Sở, nhiều người khác cũng phải chịu trách nhiệm, thậm chí còn phải xem xét trách nhiệm của người trên Giám đốc Sở".

Liên quan đến sai phạm trong chấm thi tại tỉnh Hà Giang, hàng loạt thí sinh đạt điểm cao bất thường trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm: Sai phạm nêu trên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ đơn thuần là một hoặc một số bài thi phản ánh không chính xác về kết quả học tập, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả, Chính sách của cả một kỳ thi quốc gia, gây ra xáo trộn, mất niềm tin của nhân dân vào nền giáo dục nước nhà.

Luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Luật sư An cho rằng, đây là hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng và là biểu hiện trực tiếp nhất của tiêu cực trong công tác giáo dục, hay còn có thể nói đó là căn bệnh trầm trọng nhất trong giáo dục hiện nay - căn bệnh thành tích. Điểm thi THPT quốc gia không chỉ là căn cứ để xét tuyển đại học và xem xét nhiều vấn đề khác nữa. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các học sinh tại Hà Giang mà ảnh hưởng, tác động đến học sinh cả nước.

 

“Những người có liên quan đến sai phạm, tiêu cực trong trường hợp này công tác trong ngành. Họ là người có chức vụ, quyền hạn, nhận thức và hiểu rõ hơn ai hết về các hậu quả, tác hại tiêu cực của việc làm sai lệch kết quả kỳ thi quốc gia. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được họ cố tình vi phạm, cần phải xem xét, xử lý một cách nghiêm khắc. Nếu có lỗi cố ý, trong trường hợp này cần phải xem xét xử lý hình sự. Để thực sự khách quan, nên chuyển cho cơ quan công an điều tra, khởi tố vụ án hình sự. Còn xử lý về tội gì và xử lý những ai thì còn phụ thuộc vào kết quả điều tra”, luật sư An nhấn mạnh.

 

Thông tin mới nhất về vụ việc, chiều nay, tại sở TT&TT Hà Giang diễn ra cuộc họp báo thông tin về kết quả rà soát bất thường về điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này. 

 

Đại diện Tổ công tác của bộ GD&ĐT cho biết, liên quan tới vi phạm nghiêm trọng trong quá trình chấm thi THPT quốc gia ở Hà Giang, qua xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, sở GD&ĐT Hà Giang là người đã trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

 

Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật. Ngay khi có kết quả điều tra, sẽ thông tin cho các cơ quan truyền thông.

 

Căn cứ theo thông tin ban đầu tại buổi họp báo, luật sư An cho rằng có thể khởi tố ông Vũ Trọng Lương về tội Nhận hối lộ (Điều 354, BLHS 2015) trong trường hợp ông Lương nhận lợi ích từ việc này. Trong trường hợp ông Lương không nhận lợi ích từ hành vi sai phạm trên thì có căn cứ để khởi tố ông này về tội Giả mạo trong công tác (Điều 359, BLHS 2015). 

 

Nói rõ thêm về trường hợp thứ hai, căn cứ theo số lượng bài thi làm giả rất lớn (hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định), luật sư An cho rằng có căn cứ khởi tố ông Lương theo khoản 4, Điều 359, BLHS. Cụ thể: "Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm".

 

Là người có kinh nghiệm trong công tác chấm thi nhiều kỳ thi quốc gia do liên đoàn Luật sư tổ chức, luật sư An chia sẻ: “Việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi và lên điểm trong kỳ thi quốc gia được thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ, khoa học. Một cá nhân thậm chí là một nhóm nhỏ người liên quan rất khó thực hiện được việc thay đổi được kết quả bài thi theo kiểu “một bàn tay không thể che hết bầu trời”.

 

Dưới con mắt của một chuyên gia pháp lý, luật sư An đặt vấn đề: Có hay không việc buông lỏng giám sát, chỉ đạo từ đó tạo điều kiện đồng loạt nâng điểm thi cho các thí sinh một khu vực và trong đó có cá biệt nâng điểm cho một số trường hợp cụ thể có chủ đích. Cũng theo luật sư An, thực tế mỗi kỳ thi lác đác một vài nơi cũng có dư luận này kia. Còn với tỉnh Hà Giang như đã nói ở trên, có thể coi đây là trường hợp nổi cộm, gây hoài nghi lớn trong dư luận và cần được giải quyết thật sự khách quan, minh bạch.

 

“Chính vì vậy, cần phải xem một cách tổng thể, làm rõ việc có hay không có sự chỉ đạo trong việc chấm thi, nâng điểm, sửa điểm thi, cho học sinh một cách trái pháp luật; làm rõ động cơ, mục đích, đặc biệt làm rõ việc làm đó có tổ chức hay không cũng như ngoài địa bàn Hà Giang thì sai phạm tương tự ở các địa phương khác có hay không. Nếu như chỉ một vài cá nhân vì lợi ích kinh tế, hay vì mục đích nào đó mà thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ dễ xử lý. Còn nếu sai phạm theo một ê kíp, hoặc có tổ chức thì đây liệu có còn chỉ là sai phạm, tiêu cực của giáo dục tỉnh Hà Giang?”, luật sư An nêu quan điểm.

 

Luật sư An nói thêm, theo quy định, khi xảy ra sai phạm nghiêm trọng, đương nhiên người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Vấn đề trách nhiệm của Giám đốc sở GD&ĐT là gián tiếp hay trực tiếp?! Bên cạnh Giám đốc Sở, nhiều người khác cũng phải chịu trách nhiệm, thậm chí còn phải xem xét trách nhiệm của người trên Giám đốc Sở.

 

"Theo phán đoán ban đầu của tôi, cần làm rõ một hay một nhóm cá nhân bằng ý chí chủ quan của mình tự thay đổi hay có sự chỉ đạo bởi quy trình chấm thi, quy trình lên điểm hết sức chặt chẽ, một vài người không thể thay đổi được kết quả thi. Nếu không làm sáng tỏ được việc này, rất có thể trách nhiệm chỉ đổ lên đầu một hai cá nhân, trong khi ở dưới là tảng băng chìm sai phạm", luật sư An nói.

 

Đánh giá vụ việc một cách khách quan, luật sư An cho hay: Sau 12 năm đèn sách của các cháu, các bậc phụ huynh đặt niềm tin vào con cái, tin tưởng con em mình học tập tốt, nhưng kết quả lại không thi đỗ đại học. Trong khi đó, nhiều bạn học kém hơn thì lại đỗ đại học. Nói về rủi ro trong thi cử, các cụ ta có câu “học tài thi phận”. Tuy nhiên, trong sai phạm tại tỉnh Hà Giang, không còn là vấn đề rủi ro mà là sự cố ý của con người, can thiệp một cách không chính đáng vào kết quả thi. 

 

“Một kỳ thi quốc gia diện rộng như thế, không bao giờ có thể tránh được những thiếu sót có thể xảy ra. Nhưng vấn đề thiếu sót đấy là thế nào, là do khách quan mang lại, hay chủ quan, chủ quan cũng chỉ do một vài cá nhân hay là thiếu sót mang tính cả hệ thống, hay là bệnh thành tích ăn vào tư tưởng, người ta bất chấp cả vi phạm để đẩy thành tích lên. Xã hội cần câu trả thật sự công khai, minh bạch từ lương tâm của những người có trách nhiệm", luật sư An nêu quan điểm.

Tư Viễn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news