Tin mới

Trao nhầm con ở Bình Phước: "Để trẻ về với bố mẹ đẻ là điều cần làm ngay"

Thứ ba, 12/07/2016, 16:20 (GMT+7)

Sau khi xác minh hai đứa trẻ đúng là bị nhầm lẫn thì việc trao trả ngay là cần thiết vừa hợp tình vừa hợp lý. Gia đình hai bên nên thiết lập mối quan hệ thân thiết, cho trẻ thường xuyên ở lại nhà bố mẹ đẻ để dần dần hòa nhập với cuộc sống mới.

Sau khi xác minh hai đứa trẻ đúng là bị nhầm lẫn thì việc trao trả ngay là cần thiết vừa hợp tình vừa hợp lý. Gia đình hai bên nên thiết lập mối quan hệ thân thiết, cho trẻ thường xuyên ở lại nhà bố mẹ đẻ để dần dần hòa nhập với cuộc sống mới.

Trường hợp người mẹ ở Bình Phước phát hiện bệnh viện trao nhầm con sau 3 năm và đã được xác minh đang gây xôn xao dư luận. Hiện, bệnh viện đang hoàn tất thủ tục để trao trả lại cho hai gia đình, tuy nhiên, hai gia đình chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết sự việc.

Chị Nguyễn Thu Trang (Bình Phước) với kết quả xét nghiệm ADN chứng minh việc bệnh viện trao nhầm con gái 3 năm trước. Ảnh: Phước Tuấn/ nguồn Vnexpress

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: "Việc bố mẹ khi nghe tin con nhầm lẫn phản ứng đầu tiên chắc chắn là sẽ sốc và nếu không đồng ý trao trả ngay cũng chỉ là phản ứng bộc phát đầu tiên mà thôi. Nhưng sau khi bình tĩnh lại chắc chắn họ sẽ muốn trao trả lại con ruột cho mình. Bởi tâm lý người Việt nói riêng và của tất cả bố mẹ nói chung đều muốn chăm sóc con đẻ của mình. Nếu đã biết sự thật thì họ sẽ luôn canh cánh trong lòng con đẻ của mình sẽ được chăm sóc như thế nào, liệu họ có chăm con mình như mình chăm con họ hay không".

Về hướng xử lý, chuyên gia Phạm Hiền cho biết: "Ở trường hợp trẻ 3 tuổi thì dễ dàng hơn vì lúc này trẻ chưa nhận thức được nhiều và việc trao trả ngay là điều cần thiết vì nếu lớn hơn thì sẽ rất khó.

Khi đã xác minh và hai gia đình đồng thuận trao trả, nếu gia đình ở gần thì nên thiết lập mối quan hệ thân thiết, cho hai đứa trẻ đến chơi thường xuyên. Kể cả đồ dùng cá nhân cũ của trẻ cũng nên đưa theo trẻ để tạo một không gian gần gũi. Rồi từ từ giãn dần sự gặp gỡ và mọi chuyện sẽ trở nên bình thường.

Thời gian lâu hay mau còn tùy thuộc vào cá tính của đứa trẻ và mức thân thiết với bố mẹ bị nhầm, nhưng cũng không nên vồ vập mà cần thời gian để trẻ hòa nhập với cuộc sống mới."

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhận định, với trẻ 3 tuổi thì việc hòa nhập cũng khá dễ dàng. Bố mẹ cũng không nên đặt nặng vấn đề nhầm lẫn mà quan trọng là mình đã tìm được con ruột, và hãy suy nghĩ tích cực rằng mình hiện đang có thêm một đứa con.

"Sự việc nhầm lẫn là điều ngoài ý muốn, qua câu chuyện éo le này gia đình hai bên lại có thêm một mối quan hệ và các con biết đâu sau này sẽ thành những người bạn, người chị em thân thiết", ông Đoàn nói.

Như tin đã đưa, chị Nguyễn Thu Trang và chồng là anh Nguyễn Đình Khiên (ngụ Bình Phước) ngụ tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước đi làm kết quả xét nghiệm ADN và phát hiện con gái 3 tuổi không cùng huyết thống.

Trước đó, chị Trang gặp người phụ nữ sinh cùng ngày với mình cách đây 3 năm cùng đứa con nhỏ có khuôn mặt hao hao với con gái đầu mình nên đã nghi ngờ.

Sau khi xét nghiệm ADN và phản ánh lên bệnh viện và được xác minh, hiện  bệnh viện đang hoàn tất các thủ tục để trao trả lại con cho hai gia đình.

Theo lời chị Trang, sáng 10/1/2013, chị nằm sinh cùng phòng với một người phụ nữ tại huyện Hớn Quản. Chị sinh trước sản phụ kia chừng 15 phút. Hai bé sau đó được hai hộ lý đỡ đẻ đưa đi tắm, rồi bế ra ngoài cho người thân nhìn mặt trước khi bàn giao lại cho mẹ tại phòng nghỉ dưỡng.

Năm ngày sau, chị Trang xuất viện, đưa bé gái về nhà nuôi bình thường mà không hề biết chuyện bị nhầm lẫn. Trong khi đó, sản phụ chung phòng xuất viện một ngày trước. Hai nhà cách nhau chừng 5 km. 

Dã Quỳ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news