Tin mới

Vụ xe băng chuyền đâm máy bay: Ai sẽ bồi thường 1 triệu USD?

Chủ nhật, 30/08/2015, 19:25 (GMT+7)

Theo nhà chức trách hàng không, về nguyên tắc, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất sẽ phải bỏ ra số tiền 1 triệu USD trả cho China Airlines, còn lái xe thì chịu trách nhiệm theo cách khác.

Theo nhà chức trách hàng không, về nguyên tắc, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất sẽ phải bỏ ra số tiền 1 triệu USD trả cho China Airlines, còn lái xe thì chịu trách nhiệm theo cách khác.

Báo Đời sống & Pháp luật trước đó đưa tin, sáng 27/8/2015, chiếc Airbus 330 - 300 của Hãng hàng không China Airlines (Đài Loan) đang đỗ đón khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thì bất ngờ bị xe chở hành lý đâm va gây hư hỏng.

Sự cố xảy ra khi trên máy bay có 300 hành khách và trước giờ cất cánh đi Đài Bắc khoảng 20 phút. Vụ đâm va khá mạnh đã tạo ra vết lõm sâu khoảng hơn 20cm và kéo dài hơn 1m trên thân máy bay China Airlines, một số chiếc đinh tán cố định trên thân chiếc Airbus 330 - 300 cũng bị văng ra ngoài.

Trước tình hình này, China Airlines đã phải đưa một máy bay khác sang Việt Nam cùng với một tổ chuyên gia kỹ thuật. Do sự cố xảy ra nên 300 hành khách của chuyến bay CI782 được đưa tới khách sạn nghỉ ngơi để chờ China Airlines đưa máy bay khác sang đón. Tới 1h45 sáng 28/8, China Airlines đã đưa 300 hành khách khởi hành đi Đài Bắc, muộn gần 15 tiếng so với kế hoạch ban đầu.

China Airlines đưa ra ước tính thiệt hại rơi vào khoảng 1 triệu USD.

Một nguồn tin không chính thức cho biết, China Airlines đã đưa ra ước tính thiệt hại bằng tiền rơi vào khoảng 1 triệu USD.

Nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho China Airlines, trao đổi với PV báo Dân trí, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định, mọi việc khá rõ ràng, ở đây người gây thiệt hại là lái xe Trần Văn Toản và đơn vị quản lý lái xe là Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS), còn người bị hại là China Airlines.

“Về nguyên tắc, TIAGS sẽ phải bỏ tiền ra bồi thường cho China Airlines, mức bồi thường là bao nhiêu và hình thức bồi thường như thế nào là do 2 bên làm việc, thỏa thuận với nhau. Riêng đối với lái xe Trần Văn Toản - người trực tiếp gây ra sự cố và thiệt hại cho China Airlines, trách nhiệm của lái xe Toản được căn cứ theo hợp đồng lao động và các quy chế làm việc của TIAGS.” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.

Đặt ra câu hỏi là cá nhân gây ra sự cố, nhưng đơn vị phải bỏ tiền ra bồi thường và gánh chịu hậu quả, vậy điều này có công bằng? Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, đó là việc nội bộ của TIAGS với nhân viên của mình, TIAGS có ràng buộc được trách nhiệm tài chính với lái xe Toản hay không, TIAGS đuổi việc hoặc đưa ra hình thức xử lý kỷ luật như thế nào… Tất cả đều có trong quy định và hợp đồng lao động, là việc nội bộ của TIAGS.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, hiện nay, hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng không đều mua bảo hiểm, vì vậy thường khi các sự cố xảy ra thì thiệt hại đều được bảo hiểm hàng không chi trả. Với trường hợp này, nếu TIAGS và China Airlines đã mua bảo hiểm hàng không thì đó là điều may mắn đối với họ.

Được biết trước đây cũng từng xảy ra việc tài xế xe chở dầu tông vào một chiếc máy bay hãng trong nước. Tài xế đã bị xử phạt hành chính, bị đình chỉ công tác và thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news