Tin mới

Xuất hiện "Mặt Trăng máu" vào ngày 8/10 tại Việt Nam

Thứ sáu, 03/10/2014, 15:02 (GMT+7)

Vào ngày 8/10 tới, Việt Nam và nhiều vùng khác trên thế giới có thể quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất năm 2014, hiện tượng nguyệt thực toàn phẫn hay còn gọi là "Mặt Trăng máu".

Vào ngày 8/10 tới, Việt Nam và nhiều vùng khác trên thế giới có thể quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất năm 2014, hiện tượng "Mặt trăng máu" cũng chính là hiện tượng  nguyệt thực toàn phần.

Trao đổi trên Vietnamplus, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, hiện tượng nguyệt thực toàn phần (gần đây được gọi là “Mặt Trăng máu”) diễn ra vào 8/10 tới sẽ bắt đầu pha nửa tối vào 15 giờ 15 phút, pha một phần vào lúc 16 giờ 15 phút và đạt cực đại vào 17 giờ 54 phút. 

Sau đó, hiện tượng sẽ kết thúc pha toàn phần, một phần và nửa tối tương ứng vào 18 giờ 24 phút, 19 giờ 24 phút và 20 giờ 34 phút (giờ Việt Nam).

Trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng này, Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt rồi dần dần sang màu đỏ sẫm giống màu máu nên gọi là hiện tượng "Mặt Trăng máu".

Xuất hiện "Mặt Trăng máu" vào ngày 8/10 tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mọi người có thể quan sát hiện tượng "Mặt trăng máu" vào khoảng thời gian từ 17h45 đến 19h30, có thể quan sát bằng mắt thường, chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn, nhìn về hướng trời đông.

Vì sao có hiện tượng "Mặt trăng máu"? Theo NASA, khi ánh sáng Mặt trời đi xuyên qua lớp khí quyển Trái Đất, do hiện tượng tán xạ nên các bước sóng ngắn màu xanh, tím... sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn. Ánh sáng có màu đỏ có bước sóng dài là có khả năng xuyên qua bầu khí quyển nhiều nhất.

Lúc này bầu khí quyển Trái Đất như là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính của vùng bóng tối mà ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt Trăng khi nó đi qua vùng này.

Do đó ta thấy Mặt Trăng có màu đỏ khi diễn ra Nguyệt thực. Mặt trăng sẽ tiếp tục thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra của Nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu đỏ đồng và có thể cả màu hổ phách. Độ rực rỡ của màu đỏ này chịu ảnh hưởng bởi mật độ bụi, và hơi nước của bầu khi quyển Trái Đất vào thời điểm diễn ra Nguyệt Thực.

Lý giải về hiện tượng "Mặt trăng máu" anh Hoàng Quốc Phương, quản trị web của Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết, việc Mặt Trăng có màu đỏ như máu khi nguyệt thực toàn phần diễn ra là bởi khí quyển của Trái đất.

Cụ thể, khí quyển Trái đất với mật độ và nhiệt độ khác nhau theo độ cao giống như một lăng kính, tán sắc ánh sáng Mặt Trời ra thành 7 màu cầu vồng (màu đỏ là màu bị bẻ cong mạnh nhất). Khi Mặt Trăng đi vào vùng tối (thực ra không tối hoàn toàn mà bị những tia sáng đỏ chiếu rọi) nên đã tạo ra "Mặt Trăng máu."

Hiện tượng này cũng giống như việc Mặt Trời khi hoàng hôn có màu đỏ.

Theo H.Nguyen (Tổng hợp)/Nguoiduatin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news