Tin mới

2 công an dùng nhục hình được đề nghị án treo

Thứ sáu, 09/09/2016, 08:05 (GMT+7)

Liên quan tới vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người, 2 bị cáo Mẫn và Quyền do có thành tích trong ngành công an, gia đình có công với cách mạng, nên viện kiểm sát đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét cho 2 bị cáo này được hưởng án treo.

Liên quan tới vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người, 2 bị cáo Mẫn và Quyền do có thành tích trong ngành công an, gia đình có công với cách mạng, nên viện kiểm sát đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét cho 2 bị cáo này được hưởng án treo.

5 bị cáo nguyên sĩ quan công an tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo thông tin trên Tuổi trẻ, Zing News, ngày 8/9, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra ở Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phần xét hỏi và luận tội của đại diện viện kiểm sát.

Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên Thượng úy) và Nguyễn Minh Quyền (nguyên Thiếu tá, Đội phó đội Trinh sát PC45 Công an tỉnh Phú Yên) là người có thành tích trong ngành công an, cha mẹ thương binh, bà nội là liệt sĩ, có mẹ là Việt Nam anh hùng nên được đề nghị án treo. Ảnh: Zing.vn

Bước đầu đại diện viện kiểm sát cho rằng, các bị cáo khai do nạn nhân Kiều không thành khẩn khai báo nên đã bức xúc dùng dùi cui đánh. Bị cáo Thành khi canh giữ nạn nhân Kiều để cho các bị cáo khác đi ăn cơm, đã dùng dùi cui đánh vào đầu Kiều.

Tại phần luận tội, mặc dù Thành không thừa nhận hành vi của mình nhưng qua lời khai của nhân chứng cộng với vết thương trên đầu nạn nhân thì đủ cơ sở khẳng định Thành đã dùng dùi cui cao su đánh lên đầu nạn nhân. Đây là nguyên nhân chính gây nên cái chết cho Kiều.

Do đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Thành.

Tuy nhiên, đối với kháng cáo của các bị cáo Quang, Quyền, Mẫn, viện kiểm sát nhận định, do nóng vội, bất chấp quy định nên khi xét hỏi nạn nhân Kiều, các bị cáo này đã có hành vi dùng dùi cui cao su đánh Kiều. 

Dù không có bàn bạc nhưng ý thức được việc sử dụng nhục hình là xâm hại đến sức khỏe của người khác. Vì vậy, các bị cáo cùng chịu trách nhiệm chung về cái chết của nạn nhân.

Theo đại diện viện kiểm sát, cấp sơ thẩm tuyên mức hình phạt trên là có căn cứ.

Song, do 2 bị cáo Mẫn và Quyền có thành tích trong ngành công an, gia đình có công với cách mạng, nên viện kiểm sát đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét cho 2 bị cáo này được hưởng án treo.

Liên quan đến đơn kháng cáo của gia đình nạn nhân yêu cầu thay đổi tội danh các bị cáo từ dùng nhục hình sang tội giết người, khởi tố bị cáo Hoàn về tội bắt người trái pháp luật, viện kiểm soát cho rằng không có cơ sở.

Việc bị cáo Hoàn bắt Kiều đưa về trụ sở công an khi chưa có lệnh bắt là sai quy trình nhưng không cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật vì Kiều là nghi can của vụ án.

Trong quá trình giữ nạn nhân Kiều tại trụ sở công an, bị cáo Hoàn không kiểm tra, để cấp dưới còng tay, bỏ đói đánh đập nạn nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cấp sơ thẩm xử tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là đúng pháp luật.

Việc gia đình nạn nhân kháng cáo đề nghị chuyển tội danh và tăng hình phạt đối với bị cáo Hoàn là không có căn cứ.

Dự kiến hôm nay ngày 9/8, tòa tiếp tục phần tranh luận và tuyên án.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Tuy Hòa, đầu tháng 3/2012, Công an TP Tuy Hòa lập chuyên án điều tra về vụ trộm cắp trên địa bàn do ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa làm Trưởng ban chuyên án. Chiều ngày 12/5/2012, ông Hoàn chỉ đạo thuộc cấp phối hợp với Công an huyện Tây Hòa mời Ngô Thanh Kiều về Công an TP Tuy Hòa làm việc.

Thế nhưng, lúc 3 giờ 15 phút ngày 13/5/2012, tổ công tác gồm 7 người ở Công an TP Tuy Hòa, Công an huyện Tây Hòa và Công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay Kiều đưa về Công an TP Tuy Hòa. Tại đây, trong quá trình lấy lời khai, 5 sĩ quan công an nói trên đã thay nhau dùng dùi cui đánh vào người, vào đầu khiến anh Kiều tử vong trên đường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Phú Yên cho thấy anh Kiều tử vong do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm trên cơ địa có viêm phổi.

5 bị cáo ra hầu tòa nguyên là các cán bộ điều tra, trong đó có Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an Phú Yên). Bốn bị cáo còn lại là: Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) và Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra) - từng công tác tại Công an TP Tuy Hòa.

Viện KSND TP Tuy Hòa đã truy tố công an đánh chết người Nguyễn Thân Thảo Thành về tội dùng nhục hình theo khoản 3 điều 298 của Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.

Trong khi đó, các bị can khác bị truy tố cũng về tội dùng nhục hình nhưng ở khoản 1, điều 298, có khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Riêng ông Lê Đức Hoàn cùng 8 công an khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên kiến nghị xử lý kỷ luật.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news