Tin mới

200 công nhân Thuỷ điện Đăk Mi bị mắc kẹt: Dùng ròng rọc đưa được 80 người ra ngoài

Thứ sáu, 30/10/2020, 20:11 (GMT+7)

Liên quan đến vụ sạt lở đất khiến 200 công nhân Thuỷ điện Đăk Mi bị mắc kẹt ở Quảng Nam, chiều 30/10, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Agrita - chủ đầu tư công trình, cho biết đơn vị đã dùng ròng rọc đưa 80 công nhân bị mắc kẹt ra ngoài.

Theo tin tức trên PLO, chiều 30/10, ông Lê Xuân Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Agrita (chủ đầu tư Thuỷ điện Đăk Mi 2; đóng tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam), cho biết đơn vị đã dùng ròng rọc đưa 80 công nhân bị mắc kẹt ra ngoài.

Trong lúc công tác tìm kiếm cứu nạn 8 người bị mất tích ở huyện Phước Sơn đang gặp nhiều khó khăn, thì tại huyện này đang có 200 công nhân thi công thủy điện bị mắc kẹt thiếu lương thực. Ảnh: FB

"Hiện phía bên trong còn khoảng 120 người, tất cả đều an toàn, lượng thực, thực phẩm đủ dùng cho khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, trong ngày mai công ty sẽ đưa hết công nhân ra ngoài. Ròng rọc chúng tôi thiết kế rất an toàn, đã neo vào nhiều điểm, từng sử dụng ở một dự án tương tự", ông Tuấn nói và cho biết, hiện nay đơn vị đang tự chủ động được, khi nào cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ báo cáo.

200 công nhân đang thi công công trình thủy điện Đak Mi 2 đang bị mắc kẹt bên kia dòng sông Đak Mi (huyện Phước Sơn) rải rác ở các tốp khác nhau. Những người này hiện đang thiếu lương thực nhưng việc tiếp tế đang gặp khó khăn lớn.

Trước đó, ngày 29/19, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã nhận được thông tin cầu cứu khẩn cấp của 5 nhóm công nhân với 200 người đang xây dựng thuỷ điện Đăk Mi 2 ở xã Phước Công, huyện Phước Sơn. Những công nhân này bị mắc kẹt, cô lập do mưa lũ, sạt lở đất.

Sau bão số 9, khoảng 200 công nhân làm việc tại Công trình Thuỷ điện Đăk Mi 2 đã bị cô lập. Nhận thông tin, các đơn vị đã phối hợp bắt ròng rọc tiếp tế lương thực, thực phẩm vào bên trong.

Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu lãnh đạo huyện Phước Sơn đang cử cán bộ, nhân viên mang theo lương thực tìm cách tiếp cận hiện trường 200 công nhân nói trên. Công tác cứu trợ đang được tiến hành khẩn trương.

Trên Người lao động dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: "Trong trường hợp xấu nhất thì buộc phải đề xuất Bộ Quốc phòng điều máy bay thả lương thực xuống cho các công nhân. Hiện nay, các công nhân vẫn an toàn nhưng bão số 10 sắp đổ bộ thì không biết chuyện gì có thể xảy ra. Tỉnh Quảng Nam đang lên các phương án để đảm bảo sự an toàn cho các công nhân".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news