Tin mới

200 cột điện gãy, đổ dù 'đạt tiêu chuẩn': EVN Thừa Thiên Huế nói gì?

Chủ nhật, 20/09/2020, 18:13 (GMT+7)

Sau khi cơn bão số 5 đổ bộ ngày 19/8, hàng trăm cây cột điện tại Thừa Thiên Huế đã bị gió quật đổ hoặc gãy ngang thân khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng.

Theo tin tức trên Lao động, VietNamNet, ngày 20/9, ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, ảnh hưởng của cơn bão số 5 khiến mưa to, gió giật mạnh trong sáng ngày 19/8 đã khiến điện lưới của cả tỉnh bị ảnh hưởng.

Bão số 5 đã gây mất điện 280.000 khách hàng và 2050 trạm biến áp, gần 200 cột điện gãy, đỗ tại 7 huyện, thị xã của toàn tỉnh TT-Huế. Đến 14h cùng ngày, đơn vị đã khôi phục được điện cho 30.000 khách hàng, còn mất điện 250.000 khách hàng.

Trạm biến áp bị bão số 5 quật đổ sập. Ảnh: FB

Tuy nhiên, đến 10h sáng 20/9, nhiều khu vực ở phường An Đông, TP Huế vẫn chưa có điện khiến cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều người phải đi 4km để tìm chỗ sạc điện thoại và các vật dụng tích điện khác.

Được biết, không chỉ riêng trường hợp của các hộ dân tại phường An Đông, đến sáng 20/9, hàng trăm hộ dân tại phường Vỹ Dạ, Hương Long, các địa phương vùng ven của TP Huế cũng phải sống trong cảnh không có điện.

Điều đáng nói, sau khi cơn bão số 5 đi qua, nhiều người bất ngờ khi chứng kiến hàng trăm cột điện bị gãy, đổ. Trong đó, có những cột điện vừa được đưa vào sử dụng. Chứng kiến hình ảnh này, nhiều người dân bày tỏ thái độ nghi ngờ về chất lượng của hệ thống cột điện.

Hàng trăm cột điện gãy đổ sau bão số 5, nhiều người dân bày tỏ thái độ nghi ngờ về chất lượng của hệ thống cột điện. Ảnh: VNN

Về việc này, ông Nguyễn Đại Phúc khẳng định, không có chuyện hệ thống cột điện của Công ty điện lực TT-Huế bị gãy đổ là do chất lượng kém.

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, hầu hết, cột điện bị gãy đổ là cột bê tông ly tâm dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn mới TCVN 5487:2016, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và Bộ KHCN công bố.

Cột điện bị gãy ở Đà Nẵng trước đó cũng gây trnah cãi khi nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy lõi thép. Ảnh: FB

Loại cột này sử dụng cốt thép bê tông cường độ cao, được kéo căng ra bằng máy kéo ứng suất trước, đạt tới một giá trị ứng suất nhất định. Trước khi xuất xưởng đưa ra hiện trường dựng, các cột đều phải trải qua một thí nghiệm đạt đúng tiêu chuẩn Việt Nam mới được sử dụng, nghiệm thu.

Cũng theo ông Phúc, bão số 5 với cường độ gió lớn kèm lốc xoáy, các cột điện chịu lực uốn và lực xoắn của gió bão nên bị gãy đổ.

Từ thực tế hàng trăm cột điện ngã đổ trong cơn bão số 5 vừa qua, ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho rằng, cần phải xem xét, đánh giá lại khả năng chống chịu mưa bão của các cột dự ứng lực.

"Theo như chúng tôi đánh giá, khi thiết kế người ta tính toán lựa chọn cột cũng như là kết cấu đường dây dựa trên tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam và đã được thẩm duyệt. Tuy nhiên một số vị trí cột dự ứng lực bị gãy đổ trước bão, sẽ được đánh giá lại đầy đủ để lựa chọn giải pháp là những khu vực bão lụt có nên tiếp tục sử dụng cột dự ứng lực nữa hay không?", ông Thành nói và cho biết việc đánh giá lại xem cột này có phù hợp với môi trường hay bị bão lụt, sẽ có khuyến cáo từ cơ quan quản lý tiêu chuẩn.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Thừa Thiên Huế