Tin mới

31\% hộ kinh doanh "đi đêm", nghìn tỷ đồng chảy vào túi cán bộ

Thứ năm, 16/11/2017, 16:52 (GMT+7)

"Trên thực tế, lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu và áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí bày cho hộ kinh doanh cách trốn thuế", đại biểu Cường nhận định.

"Trên thực tế, lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu và áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí bày cho hộ kinh doanh cách trốn thuế", đại biểu Cường nhận định.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16/11 tại Quốc hội, nhiều câu hỏi chất vấn thẳng thắn liên quan đến công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn trước Quốc hội về tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế.

Theo đại biểu Cường, trên thực tế, lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu và áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí bày cho hộ kinh doanh cách trốn thuế.

Theo nghiên cứu năm 2015 thì có 63% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ thuế. Tham nhũng thuế cộng với tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế cao đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách và làm méo mó hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường.

"Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng này hiện nay còn phổ biến không? Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này", đại biểu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, con số 63% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ nằm trong báo cáo đánh giá chỉ số hài lòng của người nộp thuế mà VCCI thực hiện năm 2015.

Bộ trưởng cho biết thêm, chương trình đánh giá chỉ số hài lòng này do chính Bộ Tài chính giao Tổng cục thuế phối hợp với VCCI tổ chức khảo sát để đánh giá.

"Đúng như đại biểu nêu năm 2015 qua khảo sát, đánh giá có 61% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ thuế nhưng 2016 vừa qua, đánh giá lại thêm một bước nữa thì còn 31%.

Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với VCCI, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, dự án khảo sát mức độ hài lòng của người nộp thuế, đồng thời để đưa ra nhiều giải pháp giải quyết vấn đề này.

Trong đó, có giáo dục tư tưởng của cán bộ thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, trên kiểm tra dưới như Tổng cục, cục xuống các xã, phường, thay đổi quy trình nghiệp vụ theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn...", Bộ trưởng nêu.

Cũng lo ngại tình trạng thất thu ngân sách, cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) báo động và đặt câu hỏi: “Buôn lậu vô cùng nhức nhối, ngân sách nhà nước đội nón ra đi, một phần chảy vào túi các cán bộ gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Vụ 213 containercảng Sài Gòn biết mất, hơn 30 cán bộ hải quan hầu toà nhưng không có cán bộ ngành nào khác. Trong vụ Trần Thị Bích Tuyền buôn lậu, tuần qua lại phát hiện bắt 2 cán bộ hải quan cảng Sài Gòn, chi cục 4 tiếp tay cho buôn lậu.

Theo Bộ trưởng nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay đạo đức thoái hoá. Quả đấm thép nào sẽ được đưa ra để Bộ trưởng giải quyết dứt điểm tình trạng trên, góp phần chống tham nhũng?”, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến thẳng thắn hỏi.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vụ 213 container mà ĐBQH nêu chính là tổng cục Hải quan phát hiện ra. Trong quá trình theo dõi, bộ Tài chính phát hiện đã phối hợp với các lực lượng của bộ Công an. Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra của bộ Công an đã bắt các đối tượng.

Về tinh thần thái độ, Bộ trưởng Tài chính dẫn lại ví dụ, trong chỉ đạo kiên quyết chống tình trạng tiêu cực của ngành và triển khai rất nhiều giải pháp. Có những vụ việc như hải quan An Giang bắt một lúc 46 cán bộ hải quan. Đây cũng là vụ việc bộ Tài chính chỉ đạo và kiểm tra, phối hợp với công an để tìm ra việc doanh nghiệp gian lận hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2013-2014, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Trong thời điểm đó rất khó khăn, lãnh đạo 2 bộ đã trao đổi, quyết tâm làm rõ. Khi làm rõ đến doanh nghiệp có liên quan đến cán bộ hải quan. “Chúng tôi thấy cũng phải chấp nhận, vừa qua tòa đã xử trách nhiệm rất nặng. Đây cũng là giải pháp kiểm tra, kiểm soát nội bộ và vụ 213 container cũng tương tự như vậy”, ông Dũng nói.

“Tinh thần của bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực trong ngành và ngoài ngành. Hằng năm, riêng xử lý nội bộ, kỷ luật cán bộ thuế và hải quan liên quan đến thực hiện Chính sách, nhiệm vụ, quy trình thủ tục vi phạm hành chính khoảng trên dưới 300 cán bộ mỗi năm.

Vụ 213 container, chúng tôi đã chỉ đạo tổng cục Hải quan, ngoài những cán bộ tham gia trực tiếp thì những anh em còn lại cũng đang phải kiểm điểm và xử lý hành chính, chuyển đổi vị trí công tác”, Bộ trưởng cho biết.

Về nguyên nhân, ông Dũng thẳng thắn nói không nên đổi cho khách quan mà phải nhìn trực diện. Đây chính là suy thoái trong đội ngũ, lực lượng. “Chúng tôi với thái độ quyết tâm, quyết liệt triển khai và xử lý. Qua đây cũng cần rà soát lại quy trình thủ tục, rà soát lại chính sách. Ví dụ như vụ An Giang, sau đó chúng tôi cũng báo cáo lại Chính phủ phải sửa chính sách, không cho hoàn thuế các nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến”, Tư lệnh ngành Tài chính khẳng định.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news