Tin mới

5 câu hỏi phỏng vấn xin việc hay và khó mà bạn sẽ gặp

Thứ sáu, 30/10/2020, 08:09 (GMT+7)

Bạn sẽ ứng xử như thế nào khi gặp câu hỏi phỏng vấn xin việc khó? Nếu ngồi im hay trả lời hời hợt cho qua chắc chắn bạn sẽ phải “nhường” lại cơ hội cho người khác.

Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng bằng thái độ tích cực, tự tin đúng mực, nội dung trả lời khéo léo, trình bày rõ ràng... Sau đây là 5 câu hỏi phỏng vấn xin việc hay thường gặp và câu trả lời tham khảo để giúp bạn có chuẩn bị tốt nhằm tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Thành tích lớn bạn đã đạt được trong công việc trước đây là gì?

Nếu bạn là người đã có kinh nghiệm, có thành tích nhất định thì đây là câu hỏi không khó. Tuy nhiên, nếu đưa ra câu trả lời không cẩn thận, nhà tuyển dụng sẽ hiểu sai về bạn.

Nếu bạn nói “Tôi không có thành tích nào đáng kể” thì có thể bị cho là bạn quá tự ti hoặc yếu kém về năng lực. Nếu bạn kể lể về tất cả các thành tích đã đạt được thì nhà tuyển dụng cũng nghĩ bạn đang khoe khoang…

Cách tốt nhất là nên nêu ra một vài thành tích nổi bật nhất và trình bày một cách khiêm nhường thay vì thể hiện sự tự hào, chẳng hạn “Tôi cũng đã đạt một số thành tích trong công việc nhưng đó cũng là kết quả chung của cả tập thể, sự hỗ trợ của đồng nghiệp cũ. Bây giờ tôi muốn nỗ lực để cống hiến nơi đây thật tốt hơn”.

Lý do nghỉ việc của bạn là gì?

Đây là câu hỏi phỏng vấn xin việc mà các nhà tuyển dụng Long An, TPHCM hay Đồng Nai thường đặt ra cho ứng viên. Tưởng chừng như đơn giản nhưng câu hỏi này có thể bộc lộ khá nhiều điều về bạn. Hãy khéo léo nêu quan điểm theo hướng tích cực. Chẳng hạn, “Sau một thời gian làm việc và nỗ lực học hỏi, tôi nhận thấy mình có đủ năng lực và kinh nghiệm nên muốn thử sức ở vai trò mới/ lĩnh vực mới để phát huy được các thế mạnh bản thân. Tôi muốn cống hiến và được ghi nhận nhiều hơn nữa ở nơi đây”.

Nêu khuyết điểm, thiếu sót của bản thân bạn?

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng đang muốn thử thách sự bình tĩnh và kỹ năng ứng xử của bạn. Nếu bạn thành thật nêu ra các thiếu sót của mình thì sẽ dễ mất điểm. Vậy bạn sẽ phải chọn câu trả lời như thế nào?

Bạn nên nêu ra khuyết điểm ít liên quan đến công việc và bạn đã nỗ lực để khắc phục nó hiệu quả thế nào. Chẳng hạn, nếu tính chất công việc thiên về sáng tạo, không đòi hỏi kỹ năng giao tiếp giỏi thì bạn có thể nói “Tôi thích tìm tòi khám phá và có thể dễ dàng có nhiều ý tưởng trong đầu nhưng lại e ngại khi phải giao tiếp trước đám đông. Tôi đã cố gắng luyện tập để cải thiện hiệu quả điều này”. Ngược lại, nếu công việc đòi hỏi di chuyển, giỏi giao tiếp nhưng ít (hoặc không) yêu cầu kỹ năng viết lách bạn có thể trả lời theo hướng “Tôi là người thích đi đây đó, thích giao lưu và học hỏi nhưng kỹ năng viết lách của tôi chưa ổn lắm, tôi đang cố gắng cải thiện vì biết đâu có khi cần dùng tới cho công việc…”.

Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?

Mục đích của câu hỏi phỏng vấn xin việc này là kiểm tra khả năng phản ứng và cách trình bày vấn đề của bạn có rõ ràng, thuyết phục hay không.

Hãy chứng tỏ bạn là người có kỹ năng và phù hợp với vị trí ứng tuyển. Bạn không cần lo lắng khi có sự chuẩn bị kỹ trước. Bạn nên trình bày một số dự định, kế hoạch cụ thể mình đã nghiên cứu để phát triển công việc này nếu được nhận. Lưu ý là tự tin, chuyên nghiệp nhưng giữ thái độ khiêm nhường bạn nhé. Không nên thể hiện thái quá để gây chú ý, bạn sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá là người thích tâng bốc bản thân.

Bạn có dự định gắn bó lâu dài với công ty chúng tôi không?

Nhà tuyển dụng muốn thăm dò mục tiêu và định hướng phát triển bản thân của bạn. Với câu hỏi này bạn không nên trả lời theo kiểu vội vàng cam kết gắn bó lâu dài để “lấy lòng nhà tuyển dụng” nhằm đạt được mục đích nhận việc.

Hãy nghiêm túc khi đưa ra câu trả lời bằng cách bày tỏ sự tương đồng giữa mục tiêu của bạn với mục tiêu phát triển của công ty. Ví dụ, bạn có mong muốn được gắn bó và cống hiến lâu dài với công ty nếu trong quá trình làm việc hai bên tìm được tiếng nói chung và đều hài lòng về nhau.

Để vượt qua vòng phỏng vấn, chinh phục các câu hỏi khó không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt với các công ty, doanh nghiệp càng lớn cơ hội cạnh tranh với các ứng viên khác càng cao. Để thực hiện được mục tiêu nghề nghiệp của mình, nắm bắt được cơ hội việc làm tốt, bạn cần có sự đầu tư cho vòng phỏng vấn. Trong đó, việc cần làm là tham khảo trước các câu hỏi phỏng vấn xin việc khó và diễn tập cách trả lời để chắc chắn bạn sẽ trải qua vòng phỏng vấn tốt nhất.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news