Tin mới

5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2020: Nhiều thay đổi cần chú ý

Thứ bảy, 01/02/2020, 08:02 (GMT+7)

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2020, nhiều chính sách quan trọng thay đổi bất ngờ cần chú ý.

Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi

Theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2019, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: a- Giấy chứng sinh; b- Giấy khai sinh; c- Chứng minh nhân dân; d- Thẻ căn cước công dân; đ- Sổ hộ khẩu; e- Hộ chiếu.

Trường hợp các giấy tờ, tài liệu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Công khai về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp

Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung như: Các quy chế, quy định nội bộ; Danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục này còn phải công khai kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học; Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; Đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; Chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, các mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm; Chế độ, Chính sách miễn, giảm học phí, học bổng cũng phải được thông báo công khai để sinh viên được biết.

Áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Nghị định 06/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3.1.2020 về sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sẽ có hiệu lực thi hành từ 20.2.2020.

Theo đó, đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vào Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong Khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó. Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20.02.2020 tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47.

Quy định mới về bằng đại học, bằng bác sĩ, kỹ sư

Nghị định này quy định về hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm:

- Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6;

- Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7;

- Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.

Cũng tại Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định văn bằng có trình độ tương đương gồm: Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.

Nếu người học đáp ứng các điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác, thì bằng bác sĩ, kỹ sư… có thể tương đương với bằng thạc sĩ.

Khi đó, bác sĩ, kỹ sư sẽ không còn phải học lên thạc sĩ nữa. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư trong năm 2020 để hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Cho vay để đầu tư ra nước ngoài không quá 70% vốn của khách hàng

Thông tư 36/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019. Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng. Quy định này để đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư phải thu xếp nguồn vốn khác như vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài, nhằm giảm bớt rủi ro cho tổ chức tín dụng, đồng thời chứng minh năng lực thu xếp tài chính của khách hàng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news