Tin mới

5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới

Thứ năm, 11/12/2014, 17:03 (GMT+7)

Trong danh sách 5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới này, Mỹ đã góp mặt 2 lực lượng.

Trong danh sách 5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới này, Mỹ đã góp mặt 2 lực lượng.

 

Để chọn ra 5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới chắc chắn là một điều khó khăn và đầy thử thách. Có những đội quân lớn, được huấn luyện và trang bị tốt và họ là ứng viên cho danh sách này.

Tuy nhiên, cũng có những lực lượng không quân đạt được các tiêu chí trên song ngân sách lại quá hạn hẹp. Ngoài ra, cũng có những đội quân được trang bị tuyệt vời nhưng được đào tạo kém. Vậy thì đâu sẽ là lực lượng không quân đáng sợ nhất thế giới. 5 cái tên được xướng lên dưới đây dựa trên các tiêu chí: kích thước, tầm ảnh hưởng, khả năng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.

1. Không lực Mỹ

Là đội quân ưu việt của Mỹ, không lực Hoa Kỳ (USAF) chuyên đảm nhận các nhiệm vụ hàng không và không gian. Lực lượng này quản lý mọi thứ từ những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho tới những máy bay không gian X-37, những sát thủ xe tăng A-10 Thunderbolt. Lực lượng này đã phối hợp với lính dù và lính ném bom để tiêu diệt quân nổi dậy Nhà nước Hồi giáo IS.

USAF đang điều hành 5.600 máy bay các loại, gồm F-22 Raptors, F-35, F-15 and F-16. Nó cũng điều hành các máy bay ném bom chiến lược như  B-1, B-2 và B-52, các máy bay vận tải như C-5, C-17 và C-130 cùng các máy bay tại căn cứ trên lục địa Mỹ và các căn cứ ở nước ngoài, từ Anh cho tới Nhật Bản.

Không lực Mỹ có khoảng 312.000 quân thường trực, chỉ đứng sau Không quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) và điều khiển số lượng máy bay nhiều hơn cả PLAAF.

USAF là lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới có máy bay chiến đấu tàng hình, là lực lượng đầu tiên lái các chiến đấu cơ thế hệ 5 và cũng là lực lượng đầu tiên cam kết có đội máy bay chiến đấu tàng hình.

USAF đang lên kế hoạch để gìn giữ thế mạnh của mình bằng cách mua 1.763 chiến đấu cơ F-35 và 100 máy bay ném bom có người lái Long-Range. Các phương tiện không người lái cùng với các phương tiện có khả năng tán công tàng hình sẽ ngày càng tăng lên, chiếm tỷ lệ lớn hơn trong đội máy bay của lực lượng này.

Không quân Mỹ cũng đang quản lý 2 nhánh trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, bao gồm 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và lực lượng máy bay ném bom chiến lược.

2. Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ

Chỉ nói riêng về quy mô và khả năng của mình, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ được xem là lực lượng không quân lớn thứ 2 trên thế giới, với tổng số hơn 3.700 máy bay các loại. Trong đó có 1.159 chiến đấu cơ, 133 máy bay tấn công, 172 máy bay tuần tra, 247 máy bay vận tải và 1.231 trực thăng.

Máy bay của Hải quân Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ các hạm đội của Mỹ và tiến hành nhiệm vụ trên không tại vùng biển thế giới và nước ngoài. Hầu hết các máy bay của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đề hoạt động trên các tàu ngoài biển, một công việc khó và nguy hiểm, đòi hỏi trình độ và mức độ huấn huyện cao.

Khía cạnh nổi bật nhất của không lực hải quân Mỹ là những đội máy bay trên tàu sân bay (carrier air wing) hoạt động trên  11 tàu sân bay năng lượng hạt nhân. Mỗi đội như vậy thường có khoảng 60 máy bay, chia thành 3 phi đội gồm đội F / A-18 Hornet và Super Hornet, 1 phi đội cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye, 1 phi đội tác chiến điện tử EA-18G Growler và 1 phi đội trực thăng.

Những khía cạnh khác của không lực hải quân gồm: các máy bay trực thăng (cất cánh từ các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu nổi khác của Hải quân Mỹ), máy bay P-3 Orion và P-8 Poseidon và các biển thể của P-3 tiến hành nhiệm vụ giám sát điện tử. Không lực hải quân Mỹ cũng đóng góp vào lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ, có nhiệm vụ cung cấp các lệnh và kiểm soát trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Máy bay của Thủy quân lục chiến ít hơn của Hải quân và phục vụ trên các tàu hải quân nhưng được định hướng tới những hoạt động phối hợp dưới đất-trên không của Thủy quân lục chiến. Trọng tâm nhiệm vụ của lực lượng này là hỗ trợ lực lượng thủy quân trên đất liền.

Xem thêm Video taxi Uber bị cấm ở nhiều nước :

3. Nga

Nga được thừa kế lực lượng không quân khổng lồ từ thời Liên Xô. Tổng cộng, Nga có 1.500 máy bay chiến đấu và 400 trực thăng quân sự. Tuy nhiên, phần lớn các máy bay này đã quá cũ, không được nâng cấp và không còn phù hợp để phục vụ. Các chiến đấu cơ MiG-29, Su-27 và MiG-31có từ cuối Chiến tranh Lạnh chiếm ưu thế hơn cả.

Mặc dù lực lượng không quân Nga không kiểm soát lực lượng Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhưng họ kiểm soát các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược, bao gồm những máy bay cũ kỹ: Tu-95 “Bear”, Tu-22 “Backfire” and Tu-160 “Blackjack”.

Không quân Nga cuối cùng cũng bước vào giai đoạn hiện đại hóa bền vững, với những chiến đấu cơ mới đang được phát triển và đặt mua.

Các nhà thầu quốc phòng Nga hiện đang làm việc để phát triển chiến đấu cơ T-50/PAK-FA. Đây hứa hẹn sẽ là chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên của Nga. Nga cũng đang sản xuất máy bay chiến lược mới tên PAK-DA.

4. Trung Quốc

Quân giải phóng nhân dân (PLA) có sứ mệnh bảo trợ cho các lực lượng quân đội Trung Quốc.  2 nhánh không lực chính của PLA là PLAAF (Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ) và PLANAF (Không – hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc)

Kết hợp, PLAAF và PLANAF có 1.321 chiến đấu cơ và máy bay tấn công, 134 máy bay ném bom hạng nặng, máy bay chở dầu và 20 máy bay cảnh báo sớm trên không. Trung Quốc cũng đang điều hành 700 trực thăng chiến đấu, hầu hết là các phương tiện vận chuyển.

Tuy đầu tư ngân sách lớn song đa số các máy bay đều đã lỗi thời. Chỉ có 502 máy bay hiện đại, các biến thể của Su-27 Flanker thập niên 1980 từ Nga và các chiến đấu cơ đa chức năng J-10 bản xứ. 819 chiến đấu cơ còn lại đều ra đời từ những năm 1970 và không còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với không lực nước ngoài.

Tuy nhiên, lực lượng không quân Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hiện đại hóa và ngành công nghiệp hàng không nước này đang tung ra những thiết kế mới nhanh chóng.

5. Nhật Bản

 

Lực lượng Không quân Cục phòng vệ Nhật Bản (JASDF) là “ngựa ô” trong danh sách này. Nhật Bản có hơn 300 chiến đấu cơ đa năng và có ưu thế trên không được tinh chỉnh để bảo vệ đảo quốc này khỏi những mối đe dọa từ trên không, dưới mặt đất và từ biển.

Phản ánh Chính sách chỉ phòng vệ của quốc gia này, JASDF thiên về chiến đấu phòng thủ.

Các phi công Nhật Bản luyện tập tấn công mặt đất chống lại các lực lượng xâm lược trên lãnh thổ Nhật Bản và nhiệm vụ chống tàu để chống lại các hạm đội và tàu vận chuyển của quân địch. Tuy nhiên, họ không thực hành các nhiệm vụ tấn công như tấn công tầm xa.

Phi công Nhật được huấn luyện tốt và khiến các đồng nghiệp nước bạn chú ý. Họ thường xuyên tham gia các cuộc tập trận “Cờ đỏ” của không quân Mỹ và thực hiện ngày một nhiều các cuộc đua chống lại những máy bay nước ngoài bay gần không phận Nhật Bản. Nửa đầu năm 2014, họ đã tiến hành 533 cuộc bay đánh chặn khi máy bay Nga và Trung Quốc bay sát không phận nước mình.

Nhật Bản chỉ mua các chiến đấu cơ có lợi thế tốt nhất ở trên không của Mỹ. Họ đã đặt mua 223 chiến đấu cơ một chỗ ngồi F-15J và 2 chỗ ngồi DJ trong những năm 1980. Tuy nhiên, Nhật Bản đã muốn thay thế những máy bay này bằng F-22 Raptor. Nhưng Mỹ đã khiến họ thất vọng khi ban hành luật ngăn xuất khẩu F-22 ra nước ngoài.

Nhật Bản hiện đang lên kế hoạch mua 42 chiếc F-35A Joint Strike Fighter. 4 chiếc đầu tiên đã được đặt hàng từ tháng trước. Họ cũng tiếp tục phát triển chiến đấu cơ F-3 bản địa để thay thế F-15. Trong khi đó, F-15J và F-2 đang được nâng cấp khả năng không đối không.

Để tăng khả năng cảnh báo sớm cũng như chỉ huy và kiểm soát, Nhật Bản có một phi đội bay có nguồn gốc từ Mỹ. Bao gồm: 4 máy bay kiểm soát – cảnh báo sớm E-767, 3 chiếc cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye. JASDF đang lên kế hoạch để có được những chiếc E-2D Hawkeye sớm nhất để giúp đối phó với số lượng các vụ đánh chặn trên không ngày một tăng.

Bảo Linh (tin tức National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news