Tin mới

5 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2016

Thứ sáu, 27/01/2017, 14:14 (GMT+7)

Năm 2016 được coi là năm có nhiều sự kiện đáng chú ý của ngành giáo dục như việc Bộ GD-ĐT thay thế Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, ĐH Kinh doanh Công nghệ tuyển sinh ngành Y Đa khoa...

Năm 2016 được coi là năm có nhiều sự kiện đáng chú ý của ngành giáo dục như việc Bộ GD-ĐT thay thế Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, ĐH Kinh doanh Công nghệ tuyển sinh ngành Y Đa khoa...

1. Bộ GD&ĐT thay thế Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học

Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Thông tư 22 thay thế Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng hình thức nhận xét đã gây tranh cãi suốt 2 năm qua.

Cụ thể, sẽ có 3 mức đanh giá học sinh: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì. Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).Để giảm gánh nặng sổ sách cho giáo viên, Thông tư này quy định rõ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng hình thức nhận xét. Ảnh: Internet 

Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Về vấn đề khen thưởng, quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá.

Quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

2. ĐH Kinh doanh Công nghệ tuyển sinh ngành Y Đa khoa

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày 2/6 thông báo tuyển 400 sinh viên hệ đại học chính quy ngành Y đa khoa và Dược học. Trường xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 của thí sinh với mức điểm đăng ký xét tuyển cả hai ngành là 20. Tổ hợp môn xét tuyển là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Việc tuyển sinh năm 2016 của trường đã bị dư luận phản ứng vì trước đó, hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, Bộ Giáo dục đã có quyết định 5738 ngày 19/11/2015 về việc cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo trình độ đại học cho ngành Y đa khoa và Dược học.

Sau đợt thanh tra liên ngành cuối tháng 12/2015, trường đã bổ sung các yêu cầu về số lượng cán bộ, thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm… và báo cáo thường xuyên lên Bộ Giáo dục. Vì thế, tại công văn số 68 ngày 24/2/2016, Bộ Giáo dục cho chỉ tiêu trường đào tạo Y đa khoa và Dược học là 400.

Ngoài ra, trường cũng đã ký kết với 5 bệnh viện để sau này sinh viên có địa điểm thực tập.

3. Nữ sinh Quảng Bình 29 điểm trượt đại học

Thí sinh Bùi Kiều Nhi (sinh năm 1997) ở xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đạt 27,5 điểm, trong đó: Ngữ văn: 8,75 điểm, Lịch sử: 9 điểm, Địa lý: 9,75 điểm. Cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực, Nhi có mức điểm xét tuyển đại học là  29 điểm.

Khi làm hồ sơ thi tuyển đại học, Nhi đăng ký vào trường Học viện Chính trị Công an nhân dân. Với 29 điểm, Nhi và gia đình vui mừng khôn xiết khi giấc mơ đại học đã thành hiện thực.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì em nhận được tin bị trượt do hồ sơ của Nhi không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân với lí do bố của Nhi từng bị Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa xử phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Em đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Công an với hi vọng có thể bước tiếp giấc mơ đứng trong hàng ngũ công an.

Dựa trên hệ thống thông tin nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Bình cũng như hồ sơ lưu trữ tại Cơ quan Tòa án nhân dân Tuyên Hóa thì năm 1992, bố của Nhi từng bị Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa xử phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Nhưng trong phần khai lý lịch của Bùi Kiều Nhi khai về bố lại không có án tích và đã cam đoan, chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật.

Đối chiếu với quy định của lực lượng Công an nhân dân về bản thân Nhi và các thành viên có trách nhiệm trong gia đình thiếu trung thực trong khai lý lịch, xét về phẩm chất, đạo đức không đảm bảo, về hồ sơ của Nhi không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân.

4. Giáo viên 15 tháng dạy không lương "cầu cứu" Bí thư Thăng

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chiều 5/10, anh Trần Thái Châu, một thầy giáo tại thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn cho biết, anh đỗ viên chức giáo viên tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện huyện Hóc Môn hồi tháng 7 năm ngoái và được phân về dạy tại trường THCS Phan Công Hớn và ký hợp đồng 12 tháng.

Tuy nhiên, dù đã hết thời gian thử việc nhưng thầy giáo trẻ vẫn chưa được bổ nhiệm chức danh giáo viên chính thức nên suốt 15 tháng đi dạy không có lương (2.110.000 đồng/tháng).

Sau khi thầy giáo "cầu cứu", Bí thư Đinh La Thăng đã yêu cầu các ban ngành liên quan xem xét giải quyết vụ việc.

Đầu tháng 11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã công nhận kết quả tuyển dụng 53 giáo viên năm học 2015-2016 của UBND huyện Hóc Môn.

Trong số những viên chức được công nhận lần này có thầy giáo Trần Thái Châu (một giáo viên tại Hóc Môn, người đã "cầu cứu" Bí thư Đinh La Thăng vì phải làm việc 15 tháng không lương mặc dù đã thi đỗ viên chức.

5. Nữ giáo viên bị điều đi tiếp khách

Để chuẩn bị cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh tổ chức vào tháng 8, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có văn bản phân công nhiệm vụ cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ lễ tân. 21 nữ giáo viên công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn được điều động. Một số phản ánh, sau liên hoan còn phải đi cùng quan khách tới nhà hàng ở thị xã Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu, hát hò, "rất phiền hà và không thoải mái".

Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt.

Chính điều này đã khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn trong cuộc sống khi không được chồng và gia đình đồng tình. Thậm chí, nhiều nữ giáo viên bị chồng yêu cầu bỏ nghề giáo để làm các công việc buôn bán khác.

Trong khi đó, khi đề cập đến vấn đề này, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh lại cho rằng, việc đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng còn  trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống.

Trước bức xúc của nhiều giáo viên và phản ứng từ dư luận, ngày 14/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc điều động một số giáo viên phục vụ các sự kiện, hội nghị tại địa phương có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bộ đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, làm rõ thông tin và tổ chức rút kinh nghiệm; đồng thời tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news