Tin mới

6 bức tranh minh họa: Đừng dính với con như hình với bóng, hãy để trẻ tự giải quyết vấn đề

Thứ sáu, 20/11/2020, 15:15 (GMT+7)

Nhiều ông bố, bà mẹ hay có thói quen kèm cặp, dõi theo hay thậm chí làm đủ mọi cách để giúp đỡ con mình. Tuy nhiên đó không phải biện pháp tốt để con có thể trưởng thành toàn diện nhất.

Kèm cặp, lo lắng cho từng thứ, dù là nhỏ nhất của con trẻ có thể khiến đứa bé đó không thể trưởng thành toàn diện nhất. Nhiều ông bố, bà mẹ xót con, chạy vội đến khi con ngã, lo lắng sốt ruột khi bé liên tục quấy khóc. Những cách kèm cặp đó có thể khiến trẻ lớn lên và rơi vào trạng thái trầm cảm, không có lòng tự trọng và không sẵn sàng cho những thử thách của cuộc đời.

Thay vào đó, bố mẹ nên để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình ngay từ khi còn bé. Có thể con sẽ đau, sẽ tủi thân nhưng về mặt lâu dài, bé sẽ được phát triển toàn diện hơn rất nhiều.

Trong cuộc sống sẽ luôn có những giai đoạn quan trọng mà trẻ cần trải qua và tập bò là một trong số những cột mốc đó. Nó không chỉ giúp trẻ tự phát triển về mặt thể chất mà còn giúp bé bắt đầu hình thành nhận thức và khả năng giải quyết vấn đề cơ bản nhất.

Do đó, các ông bố, bà mẹ đừng ngăn cản khi bé đang tập bò. Tốt nhất hãy cứ quan sát, đảm bảo chúng đang an toàn và để trẻ tự đạt được những cột mốc nhỏ bé đầu tiên trong đời.

Học cách đối mặt với những tình huống khó khăn bằng chính năng lực của bản thân là bước phát triển cực kì quan trọng với trẻ nhỏ. Chúng cần tự mình đưa ra quyết định để phát triển một số kĩ năng nhất định. Dù quyết định đó có thể sai đi chăng nữa, trẻ cũng sẽ học được không chỉ từ thành công mà cả từ những sai lầm.

Tùy theo lứa tuổi và từng tình huống khác nhau, trẻ cần tự học cách cư xử. Một đứa bé 1 năm tuổi quấy khóc là bình thường. Nhưng những đứa bé cứng cáp hơn, lớn tuổi hơn nên có cách phản ứng khác. Các chuyên gia cho rằng bố mẹ nên tìm cách để lựa chọn những giải pháp hiệu quả và chậm rãi để dỗ trẻ nín khóc, thay vì liên tục quát mắng hay thậm chí là đánh bé.

Cùng bé làm bài tập về nhà có thể gây hại cho chính con của bạn. Với sự giúp đỡ hay thậm chí làm hộ cho đỡ tốn thời gian, bé có thể có điểm cao. Nhưng điểm số sẽ chẳng giúp bé cải thiện trí óc. Ngược lại, bị điểm kém có thể coi là cơ hội rất tốt để bé có thêm sự quyết tâm. Điều này giúp ích trong tương lai khi trẻ trưởng thành và rút ra được kinh nghiệm, tránh lặp lại những sai lầm.

Tuổi thơ của các bé có thể trải qua nhiều thất bại. Đó là những lần thua cuộc trong các trò chơi thể thao, vận động đối kháng. Quan trọng nhất, bố mẹ phải tìm cách an ủi phù hợp khi chúng đang cảm thấy chán nản vì thua cuộc. Thất bại là một phần không thể tránh khỏi và chúng phải tự biết cách đối đầu theo cách cân bằng và bình tĩnh nhất.

Và tất nhiên, hãy khuyến khích trẻ nhỏ tìm đến sự giúp đỡ khi cần thiết mà không gặp phải trạng thái sợ hãi hay xấu hổ. Phản ứng của cha mẹ khi trẻ nhờ giúp đỡ cũng là tối quan trọng để chúng cảm thấy được động viên mỗi khi cần sự trợ giúp.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news