Tin mới

91 người chết vì bão, hàng cứu trợ cả năm sau mới đến tay người dân

Thứ năm, 09/11/2017, 16:43 (GMT+7)

Thứ trưởng NN&PTNT cho hay những khoản viện trợ thiên tai từ 2016 nhưng giờ mới được ký, như vậy không còn tính thời sự, không còn ý nghĩa.

Thứ trưởng NN&PTNT cho hay những khoản viện trợ thiên tai từ 2016 nhưng giờ mới được ký, như vậy không còn tính thời sự, không còn ý nghĩa.

VietnamnetVnexpress cho hay, sáng ngày 9/11, tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một số đại biểu cho biết thủ tục tiếp nhận hàng viện trợ hiện rất bất cập và đề nghị bộ ngành xem xét đơn giản hóa. 

Bão số 12 gây thiệt hại lớn về người và của. Ảnh: Vietnamnet

Cũng tại hội nghị sáng nay, Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nêu thực tế công tác viện trợ sau thiên tai thường khá chậm, mất quá nhiều thủ tục, có những khoản viện trợ mất 4-5 tháng, thậm chí 1 năm. 

Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng chỉ đạo tại hội nghị khắc phục hậu quả bão lũ sáng 9/11. Ảnh: Vnexpress

"Vừa hôm qua tôi vẫn ký viện trợ từ 2016. Làm viện trợ phải thời sự, phải thật nhanh thì mới có ý nghĩa. Đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát thật nhanh các thủ tục để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của người dân", ông Thắng cho hay. 

Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thông tin có 2 tổ chức phi chính phủ đăng kí hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ với 900 xuất quà trong đó có thiết bị lọc nước. Đây là thiết bị cần thiết cho người dân nhằm đảm bảo nước sinh hoạt, tránh ô nhiễm , dịch bệnh. Tuy nhiên, "không biết thủ tục thế nào mà đến giờ Hội chữ thập đỏ vẫn đang từ chối tiếp nhận". 

"Việc giúp đỡ cho nhân dân bị thiệt hại do bão lũ mang tính nhân đạo, người ta kịp thời hỗ trợ, mình không nhận sẽ bị nghĩ vô cảm", bà Ánh bày tỏ quan điểm và kiến nghị Chính phủ có ý kiến với Hội chữ thập đỏ, nếu Hội thấy vướng ở đâu cần báo cáo để tháo gỡ và tiếp nhận lô hàng trên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương, Bộ Nông nghiệp nhanh chóng tổng hợp nhu cầu, đề xuất Chính phủ phê duyệt để tổ chức cấp phát gạo cho người dân.

"Người dân cần bao nhiêu thì xuất cấp hỗ trợ bấy nhiêu, các địa phương, bộ ngành khẩn trương tổng hợp, đề xuất để tổ chức cấp phát", ông Dũng cho hay. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, trước mắt chính quyền cơ sở cần tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là đối với hộ có người chết và mất tích, , mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình Chính sách. Cùng với đó, chính quyền hỗ trợ chỗ ở, lương thực đối với hộ bị mất nhà cửa; rà soát hộ có nguy cơ thiếu đói để hỗ trợ kịp thời.

"Đảm bảo không người dân nào bị đói, phải dùng nước không hợp vệ sinh, bị ốm đau mà không có thuốc điều trị. Các địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết trong việc bố trí nguồn lực hỗ trợ ngay cho người dân, đề xuất huy động lực lượng vũ trang giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa", Phó thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ Công an chi viện thêm lực lượng cho các địa phương giúp dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa bị sập đổ, hư hại, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp hỗ trợ địa phương các hoá chất cần thiết, hướng dẫn việc xử lý nguồn nước. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và cơ quan liên quan trực tiếp hướng dẫn, tổ chức triển khai, không để dịch bệnh bùng phát. Các địa phương tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, kiểm soát dịch bệnh trên người và gia súc.

Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news