Tin mới

Án mạng từ những đám đông: Nỗi lo "nhàn rỗi" trong giới trẻ

Chủ nhật, 14/02/2016, 09:52 (GMT+7)

Xuất phát từ những nguyên cớ nhỏ nhặt nhưng với tâm lý đám đông, hành xử côn đồ mà nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra để rồi người chết kẻ vướng vòng lao lý.

Xuất phát từ những nguyên cớ nhỏ nhặt nhưng với tâm lý đám đông, hành xử côn đồ mà nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra để rồi người chết kẻ vướng vòng lao lý.

Những vụ án mạng từ nguyên cớ nhỏ nhặt

Mới đây một số vụ án xảy ra khiến người ta phải “e sợ” trước cách hành xử của một bộ phận nhóm người. Họ lợi dụng tâm lý đám đông để thực hiện tội phạm. Mặc dù xuất phát từ những nguyên cớ nhỏ nhặt nhưng với tâm lý đám đông, hành xử côn đồ mà nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra để rồi người chết kẻ chịu tù tội.

Theo đó, khuya 4/2 rạng sáng 5/2, nhóm 7 đối tượng đi trên 4 xe máy dàn hàng ngang trên đường Tô Hiến Thành, Nha Trang. Khi tới ngã tư Tô Hiến Thành - Bạch Đằng, anh Lê Thanh Vũ (34 tuổi, trú phường Phương Sài, thành phố Nha Trang) điều khiển xe ô tô 7 chỗ chở theo 3 người đi sau nhóm này đã bấm còi liên tục xin đường.

Nhóm thanh niên đi trên xe máy đã có hơi men nên “nóng mặt”, hai bên cự cãi. Anh Vũ cho xe vượt lên trước, nhóm thanh niên đuổi theo. Đến đường Lý Tự Trọng đoạn gần giáp đường Trần Hưng Đạo, nhóm này đập vỡ kính xe ô tô của anh Vũ, buộc xe dừng lại. Trương Minh Hùng rút một con dao bấm thủ sẵn trong người, đâm vào ngực anh Vũ rồi cả nhóm rời khỏi hiện trường. Anh Vũ tử vong trên đường được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bốn ngày sau, một vụ án tương tự xảy ra tại tỉnh Lạng Sơn khi một nhóm gồm 4 đối tượng đã dùng dao đâm thấu bụng một cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Theo trang VnExpress đưa tin thì khoảng 23h ngày 9/2 (mùng 2 Tết), Nguyễn Tùng Lâm (20 tuổi), Nông Văn Tuệ (21 tuổi), Chu Văn Quân (21 tuổi) và Triệu Văn Bông (21 tuổi, cùng trú xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) tới quán karaoke hát và uống rượu bia.

Sự nhàn rỗi, thiếu hụt về đời sống tinh thần có thể dẫn đến những tiêu cực xã hội (ảnh minh họa).

Tại đây, nhóm này lời qua tiếng lại với anh Mai Xuân Long (27 tuổi, cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn). Cậy đông người và sẵn có hơi men, sau khi ra khỏi quán, Lâm, Tuệ cùng Quân xông vào đánh anh Long. Riêng Bông ra xe máy mở cốp lấy dao, xông vào đâm một nhát vào bụng nạn nhân. Gây án xong, nhóm thanh niên nhanh chóng trốn về nhà.

Những vụ án trên cho thấy hành vi phạm tội không thực hiện một cách riêng rẽ, độc lập mà có sự tham gia của một nhóm người. Thậm chí những người trong số đó không hề biết nạn nhân là ai, không có mâu thuẫn thù hằn gì nhưng khi thấy “đồng bọn” của mình truy đuổi, hành hung nạn nhân thì cũng làm theo.

Đó là biểu hiện của việc coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác. Đây là một dạng (kiểu) thực hiện tội phạm theo kiểu “bầy đàn”, sẵn sàng tước đoạt tính mạng người khác một cách vô cớ.

Khi thực hiện hành vi phạm tội hầu hết người thực hiện tội phạm đều nhận thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó. Và tuy không có sự bàn bạc từ trước nhưng sẵn sàng “đánh hội đồng” nạn nhân và thực hiện hành vi phạm tội.

Hai vụ án trên khiến chúng ta nhớ đến một vụ án mạng nghiêm trọng khác xảy ra vào ngày 27/12/2015 trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Nạn nhân là anh Lê Văn Hiệp (17 tuổi). Được biết, đêm xảy ra sự việc, anh anh Hiệp cùng bạn gái đến nhà người quen ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa chơi. Trên đường đi, anh này gặp nhóm côn đồ có xích mích ở tiệm Internet từ trước và bị chúng rượt đuổi.

Bị khuyết tật một chân (đeo chân giả), anh Hiệp không chạy kịp nên bị chúng cầm dao, gạch truy sát mặc cho bạn gái của nạn nhân khóc lóc, van xin. Qua khám nghiệm tử thi, Hiệp bị đâm 8 nhát, trong đó có ba nhát gây thủng phổi, hai nhát gây thủng gan dẫn đến tử vong. Vùng mặt nạn nhân bị trầy xước do bị vật cứng tác động.

Nỗi lo sự "nhàn rỗi"

Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài, sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể “đánh mất chính mình”, có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà lúc ở một mình họ không thể nào có được.

Tâm lý đám đông, "phong trào" trong những việc khác như phim ảnh, thần tượng, ca nhạc, mốt thời trang thì ở một khía cạnh nào đó còn có thể chấp nhận được. Nhưng tâm lý đám đông để rồi nhàn rỗi sinh nông nổi gây ra những vụ án nghiêm trọng, tước đi tính mạng của người khác một cách vô cớ thì cần phải ngăn chặn ngay tức khắc.

Một bộ phận thanh niên trong thời gian không phải làm việc, các dịp nghỉ lễ, tết thường có xu hướng tụ tập và khi đời sống về tinh thần bị thiếu (thiếu các trò chơi, thiếu nơi để chơi...) sẽ dễ sinh ra những tiêu cực.

Do đó bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người cũng cần phải tính đến những biện pháp ngăn ngừa tội phạm, trong đó nên lưu ý đến việc giải phóng sự "nhàn rỗi" trong giới trẻ.

Giới trẻ cần được tiếp cận đến những hoạt động lành mạnh, bổ ích trong thời gian được nghỉ ngơi. Buông lỏng người trẻ cũng là thiếu trách nhiệm, khiến họ dễ xa đà và lạc hướng.

Nhất Phiến

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tâm lý đám đông