Tin mới

Ăn nấm lạ, 5 người nguy kịch

Thứ ba, 11/03/2014, 16:59 (GMT+7)

Nhìn những loại nấm ngon mắt nên 5 người của 2 gia đình ở Thái Nguyên đã hái về ăn và cùng nhập viện. Đến nay tất cả vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Nhìn những loại nấm ngon mắt nên 5 người của 2 gia đình ở Thái Nguyên đã hái về ăn và cùng nhập viện. Đến nay tất cả vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Đêm khuya ngày 9/3, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhân người dân tộc Dao ở Thái Nguyên bị ngộ độc nấm tán trắng trong tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng, tụt huyết áp, men gan tăng, có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong. Do đó, đến nay các bệnh nhân vẫn chưa qua cơn nguy kịch.

Đây là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc nấm tán trắng từ đầu năm 2014, tuy nhiên, theo các chuyên gia chống độc, tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc nấm không phải là hy hữu mà là chuyện thường tình “đến hẹn lại lên” vào đầu mùa mưa... 

TS bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết 5 bệnh nhân gồm: bà Vũ Thị Hồi, 60 tuổi và chồng là ông Triệu Nho Phú, 57 tuổi; chị Lý Thị Thơm, 35 tuổi, con trai là cháu Lý Minh Khôi, 13 tuổi và cháu chồng chị là Lý Thị Thùy. Tất cả 5 bệnh nhân đều ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và là người dân tộc Dao.

Theo người nhà, trước đó chị Thơm cùng con trai và cháu Thùy lên rừng hái được 1,5kg nấm tán trắng. Khi qua nhà vợ chồng bà Hồi (sinh sống ở trong rừng) thì họ mang ra nấu cùng ăn trưa. Chị Thơm, cháu Thùy ăn khoảng chục cái nấm, bé Khôi ăn nhiều hơn; vợ chồng bà Hồi ăn nhiều nhất vì sau khi ăn trưa xong còn thừa tối ăn tiếp.

Ăn nấm lạ, 5 người nguy kịch
Bệnh nhân ngộ độc nấm đang điều trị tại BV Bạch Mai.

Đến ngày hôm sau cả 5 người đều xuất hiện nôn, tiêu chảy rất nhiều như bị tả. 3 người nhà chị Thơm được đưa lên BV huyện Võ Nhai. Sau khi thăm khám các bác sĩ ở đây đã vào rừng động viên vợ chồng ông bà Phú-Hồi (khi đó đã bị nôn, tiêu chảy nhiều) xuống viện chữa trị.

Do bệnh tình nặng 5 bệnh nhân được chuyển xuống BVĐK Thái Nguyên và tiếp tục chuyển xuống Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Bà Hồi bị nặng nhất, mạch nhanh, huyết áp giảm mạnh, trụy mạch. Các bác sĩ đã phải truyền liền lúc 4 lít dịch mới lên được huyết áp.

Theo bác sĩ Sơn, men gan tăng đồng nghĩa với việc điều trị cho các bệnh nhân vô cùng tốn kém bởi khi suy gan, suy thận bệnh nhân sẽ phải lọc máu liên tục, mỗi lần lọc hết 15-16 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm, bệnh nhân sẽ phải mất 300-400 triệu đồng.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp ngộ độc nấm do không biết cách phân biệt nấm ăn được với nấm độc. Mặc dù ngay từ giữa tháng 2, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có cảnh báo về tình trạng ngộ độc nấm và có hẳn công văn đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, H’mông trên sóng phát thanh tại địa phương nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc, nhưng tình trạng đáng tiếc vẫn xảy ra.

Theo nhận định của các chuyên gia, so với các loại ngộ độ khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến tình trạng này. Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Công Minh - Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường xuyên sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này. TS. Phạm Duệ nhấn mạnh, người dân cần lưu ý, ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh bệnh vạ vì miệng.

TS. Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh, mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta.

Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình...

PV - Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news