Tin mới

Anh hùng Phạm Tuân và hồi ức chưa tiết lộ về chuyến du hành vũ trụ 35 năm trước

Thứ bảy, 25/07/2015, 15:51 (GMT+7)

“Điều tôi nhớ nhất có lẽ là khoảnh khắc tôi và nhà du hành Gorbatko chui trở về tàu của mình và tạm biệt hai đồng chí ở lại trên trạm vũ trụ “chào mừng 6”. Xúc động nhất chính là hình ảnh cánh cửa hai con tàu cứ dần dần khép lại đến khi chúng tôi không thể nhìn thấy nhau nữa. Lúc đó, tôi đã khóc vì rất thương hai đồng chí ở lại trên trạm. Đặc biệt là cuộc sống cô độc của hai người trong không gian bao la”.

 “Điều tôi nhớ nhất có lẽ là khoảnh khắc tôi và nhà du hành Gorbatko chui trở về tàu của mình và tạm biệt hai đồng chí ở lại trên trạm vũ trụ “chào mừng 6”. Xúc động nhất chính là hình ảnh cánh cửa hai con tàu cứ dần dần khép lại đến khi chúng tôi không thể nhìn thấy nhau nữa. Lúc đó, tôi đã khóc vì rất thương hai đồng chí ở lại trên trạm. Đặc biệt là cuộc sống cô độc của hai người trong không gian bao la”.

Quà tặng cuộc sống- Nhìn đất nước mình từ không gian

Ngày 23/7/1980, hai nhà du hành vũ trụ Viktor Vassilyevich Gorbatko (Liên Xô cũ) và Phạm Tuân (Việt Nam) được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu “Liên hợp-37”. Trong gần 8 ngày trên vũ trụ với 142 vòng quỹ đạo quanh Trái đất, hai nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Việt Nam đã thực hiện nhiều thí nghiệm, nghiên cứu khoa học quan trọng. Cho đến hôm nay, sự kiện này vẫn là một dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam, niềm tự hào lớn lao về người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Trung tướng Phạm Tuân và nhà du hành Gorbatko hội ngộ sau 35 năm tại Hà Nội ngày 21/7/2015 - Ảnh: Thành Long.

Kỷ niệm 35 năm ngày lên vũ trụ, kể về chuyến bay lịch sử vào không gian với nhà du hành Gorbatko, anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Tuân tỏ ra hết sức khiêm nhường. Với vị Trung tướng này thì đây là một quà tặng của cuộc sống mà ông may mắn có được. Bởi, theo như lời của Trung tướng Phạm Tuân, ngay cả đi khám tuyển phi công trước đây thì ông cũng thuộc diện đậu vớt huống hồ là tuyển phi hành gia vũ trụ. “Nhiều người cứ nghĩ phi hành gia vũ trụ phải khoẻ, họ không biết rằng thời tuyển phi công tôi đều bị trượt vì bác sỹ cho rằng mắt tôi không đảm bảo, lúc thì bảo bị bệnh tim, vì thế họ chỉ cử tôi đi học thợ máy. Đến lúc sang Liên Xô, nhiều phi công trượt không bay được, người ta lại tuyển tôi từ thợ máy sang phi công. Làm phi công còn đậu vớt, huống hồ tuyển phi hành gia vũ trụ. Khi tuyển phi hành gia bay vào vũ trụ, tôi không có trong danh sách chính thức. Theo kế hoạch, yêu cầu bốn người nhưng cuối cùng chỉ tuyển được ba người, thiếu một. Khi tuyển bổ sung, tôi được gọi và một lần nữa tôi may mắn đậu vớt” – Trung tướng Phạm Tuân kể.

Qua trò chuyện với Trung tướng Phạm Tuân, chúng tôi cũng hiểu được, từ việc được lọt vào danh sách huấn luyện cho đến khi được chọn vào đội bay chính với nhà du hành Gorbatko là một quãng thời gian luyện tập khắt khe dưới sự huấn luyện chặt chẽ của các chuyên gia. Đó là thành quả của sự rèn luyện và học tập khổ nhọc. Bởi, một nhà du hành vũ trụ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng thuần thục, nhiều thao tác kỹ thuật khó, phức tạp. Sức khoẻ là một yếu tố tiên quyết nhưng khả năng nhanh nhẹn và tư duy chuẩn xác là những yếu tố khiến Anh hùng LLVTND Phạm Tuân được chọn chứ không phải là những tên tuổi lớn khác của phi công Việt Nam thời đó. “Quá trình huấn luyện, các thông số của cá nhân luôn vượt trội, đó là lý do họ chọn tôi. Mặc dù, danh sách bay là bí mật và chỉ được tiết lộ vào phút cuối. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối của đợt huấn luyện, tôi có một linh cảm là mình đã lọt qua được những đòi hỏi khắt khe của một nhà du hành làm việc trong không gian vũ trụ” – Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Nói về cảm xúc lần đầu tiên khi thoát ra khỏi tầng khí quyển của trái đất, Trung tướng Phạm Tuân thổ lộ: “Cảm giác đó vô cùng sung sướng và hạnh phúc, rất khó để diễn tả được. Tôi không ngờ nhìn trái đất từ trên vũ trụ lại đẹp như thế, đẹp hơn nhiều so với nhìn trái đất từ máy bay. Tôi đã bay rất nhiều giờ trên không trung, nhưng tầm nhìn trên máy bay khác hoàn toàn so với vũ trụ. Từ trên vũ trụ tôi nhìn thấy đường chân trời tròn. Lên đó mới thấy rất nhớ trái đất. Thời điểm đó gần như trong tâm trí tôi không có ý niệm về biên giới quốc gia, mà chỉ nghĩ dưới kia là trái đất và muốn trở về trái đất. Sau đó tôi mới nhìn Việt Nam nằm ở vị trí nào. Thật khó tin, trên vũ trụ tôi có thể nhìn thấy đất nước mình rất rõ, có lẽ do Việt Nam gần biển. Ban ngày nhìn trái đất rõ hơn, thậm chí những con tàu lớn đi trên biển, hay đám cháy lớn ở châu Phi tôi cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, ban đêm chỉ nhìn thấy trái đất là những quầng sáng ở các đô thị lớn”.

Những áp lực chẳng làm khó được người anh hùng từng bắn rơi B52

Nói về sự khác nhau giữa việc lái một chiếc máy bay với một phi thuyền du hành vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân cho rằng, đó là hai kỹ năng hoàn toàn khác nhau. Ở trong không gian, không có không khí hay lực cản nên muốn điều khiển hướng và tốc độ đòi hỏi phải dùng tới động cơ. Trong khi, lái máy bay hoàn toàn khác, thao tác đơn giản hơn nhiều. Ngồi trong máy bay có cảm giác đầu cuối, trước sau, còn trong phi thuyền thì không có cảm giác đó, chỉ thấy mình trôi đi trong không gian bao la.

Với nhiều nhà du hành, việc lên không gian luôn có những áp lực đè nặng, đặc biệt là những rủi ro về kỹ thuật là nguy hiểm nhất. Trước hết là giai đoạn khi bắn tàu vũ trụ vào không trung, sau đó đến giai đoạn ghép nối với trạm vũ trụ và hành trình lúc trở về. Bất cứ một sai sót dù nhỏ nào trong ba giai đoạn trên đều bị đánh đổi bằng tính mạng. Công đoạn mà Trung tướng Phạm Tuân cho rằng, khó nhất và cũng nguy hiểm nhất đó chính phải làm sao ghép tàu vũ trụ với trạm vũ trụ “chào mừng 6”. Ghép làm sao phải khớp với nhau trên không gian yêu cầu kỹ thuật phải rất chuẩn xác. Riêng công đoạn này, suốt 1,5 năm đào tạo tại trung tâm đào tạo, các nhà du hành vũ trụ Gagarin phải thực hành liên tục. Gần như hai đến ba ngày là thực hành một lần.

Kể về sinh hoạt 8 ngày trên trạm vũ trụ “chào mừng 6”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại, lịch làm việc dày đặc, được sắp xếp kín từ trước nên các nhà du hành buộc phải tuân theo. Ở những ngày đầu tiên, mọi người hay kể cho nghe về chuyện gia đình, quê hương. Sau đó, chuyển sang nói chuyện tiếu lâm. “Điều tôi nhớ nhất là khoảnh khắc tôi và nhà du hành Gorbatko chui trở về tàu của mình và tạm biệt hai đồng chí ở lại. Cảm giác bùi ngùi và xúc động nhất chính là hình ảnh cánh cửa hai con tàu cứ dần dần khép lại, đến khi chúng tôi không thể nhìn thấy nhau nữa. Lúc đó, tôi đã khóc vì rất thương hai đồng chí ở lại trên trạm. Đặc biệt là cuộc sống cô độc của hai người trong không gian. Đó là những hy sinh lớn của các nhà du hành cho khoa học và nhân loại mà mọi người phải biết và ghi nhận” – Trung tướng Phạm Tuân nói.

Chia sẻ quan điểm về những mối nguy hiểm đến tính mạng khi bay vào không gian, Trung tướng Phạm Tuân cho rằng: “Điều đó là có thật nhưng chẳng thấm vào đâu khi lái máy bay chiến đấu. Đặc biệt là lái máy bay đánh B52. Bởi, khi lái máy bay đánh B52, chúng ta đối diện với mối nguy hiểm từ đối phương là con người. Trong khi đó lái tàu vũ trụ chỉ là những rủi ro đơn thuần về mặt kỹ thuật. Những vấn đề này các nhà khoa học xử lý được nên khi ngồi vào phi thuyền đi vào không gian, tôi chẳng lo lắng gì nữa”.               
Trong chuyến hành trình đặc biệt này, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân mang một nắm đất Ba Đình, cờ Tổ quốc, di ảnh và di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập và con dấu của Bưu điện Hà Nội. Ông bảo, sở dĩ mang dấu của Bưu điện Hà Nội để đóng vào vụ trụ và chứng minh Việt Nam đã có mặt trên vũ trụ. Cờ Tổ quốc sẽ cắm trên trạm vũ trụ, những kỷ vật còn lại sẽ mang về trái đất và đưa vào bảo tàng.

 

Chuyến bay vào vũ trụ lần đó đã nảy sinh tình bạn gắn kết giữa Anh hùng LLVTND Phạm Tuân với nhà du hành Gorbatko. Nhân kỷ niệm 35 năm Phạm Tuân bay vào không gian, sáng 21/7, ông Gorbatko đã bay sang Việt Nam hội ngộ. Ông Gorbatko nhớ lại: “Tôi nhớ rất rõ anh Phạm Tuân đã vui mừng thế nào khi chúng tôi tiếp đất. Bình thường anh ấy rất ít khi biểu lộ tình cảm. Khi tôi đang kiểm tra lại hành lý mang về từ vũ trụ, bỗng Phạm Tuân cầm lấy tay tôi và khuôn mặt nở nụ cười hạnh phúc: “Đồng chí chỉ huy, chúng ta đã trở về trên mặt đất”. Tôi cũng vậy, tôi cũng hét lên sung sướng: Trái đất là trái đất, là đất mẹ, mà chúng ta ai cũng muốn trở về”.

   

Trinh Phúc – Vũ Phương/Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news