Tin mới

Ban Dân nguyện: Bày tỏ ý kiến về Luật Đặc khu là chính đáng nhưng không nên tụ tập đông người

Thứ hai, 11/06/2018, 19:37 (GMT+7)

Theo bà Hải, việc thể hiện mong muốn nguyện vọng của cử tri rất chính đáng, nhưng không nên tụ tập đông người, gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường.

Theo bà Hải, việc thể hiện mong muốn nguyện vọng của cử tri rất chính đáng, nhưng không nên tụ tập đông người, gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường.

Không nên tụ tập đông người

Bên hành lang Quốc hội sáng 11/6, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thời gian qua cá nhân bà đã tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu).

Theo bà Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức thận trọng lắng nghe, cân nhắc nhiều mặt và hôm nay đã có báo cáo với Quốc hội để có xem xét và đã lùi thời hạn thông qua Dự án Luật với sự nhất trí rất cao (trên 85% số ĐBQH có mặt).

Ban Dân nguyện: Bày tỏ ý kiến về Luật Đặc khu là chính đáng nhưng không nên tụ tập đông người

Bà Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Phạm Hải.

Bà nói, việc người dân quan tâm đến các vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt Bộ Luật có ảnh hưởng lớn tới vấn đề phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới là điều rất tự nhiên, thể hiện trách nhiệm của công dân với sự phát triển của đất nước.

Cách thể hiện của người dân có thể qua nhiều kênh như tiếp xúc cử tri, các phương tiện thông tin đại chúng, MTTQVN, các tổ chức đoàn thể như phụ nữ có thể thể hiện qua Hội Phụ nữ, thanh niên có thể thể hiện nguyện vọng qua các kênh của thanh niên...

Ngoài ra, người dân khi có chính kiến có thể gửi trực tiếp đến đại biểu Quốc hội do mình bầu ra, gửi tới các cơ quan như Dân nguyện để truyền tải tới Quốc hội, tới các cơ quan có trách nhiệm. Từ trước đến nay, công việc này diễn ra hết sức hiệu quả, được cử tri đánh giá rất cao.

"Chúng tôi, những đại biểu Quốc hội và Ban Dân nguyện không có khoảng cách với cử tri và người dân, vì chúng tôi là do người dân bầu.

Do vậy, chúng tôi thấy rằng việc tiếp thu kiến nghị, phản ánh của cử tri và thận trọng cân nhắc, xem xét những kiến nghị này để có báo cáo với Quốc hội, để Dự thảo Luật đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cử tri", bà Hải nêu.

Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá, việc thể hiện mong muốn nguyện vọng của cử tri, nhân dân rất chính đáng, nhưng hình thức biểu hiện không nên tụ tập đông người, gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường.

Ban Dân nguyện: Bày tỏ ý kiến về Luật Đặc khu là chính đáng nhưng không nên tụ tập đông người - Ảnh 1.

Người dân chặn xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua Phan Rí Cửa. Ảnh: Hưng Phan.

Bà dẫn ví dụ như hôm qua, người dân tụ tập đông người để thể hiện ý kiến của mình, nhưng gây cản trở, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số địa bàn, ví dụ ở bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, khiến rất nhiều hành khách bị lỡ chuyến bay.

Bà Hải nhấn mạnh thêm, trong sự việc liên quan đến Dự án Luật Đặc khu, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự phối hợp chặt chẽ, có thông cáo về việc sẽ đề nghị xin lùi Dự án Luật từ 3h sáng.

Điều này thể hiện mong muốn cử tri nắm bắt thông tin để tránh những hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

"Tuy nhiên, thông tin đến với người dân còn chậm, có thể sự phối hợp vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, đánh giá mức độ sự việc không ở mức độ quan trọng, do đó việc triển khai để đưa thông tin cần thiết đến cử tri còn chưa nhanh, chưa đầy đủ nên xảy ra một số sự việc đáng tiếc.

Tôi tin chắc rằng với sự vào cuộc nhanh, kịp thời của Quốc hội sẽ là lời tuyên bố với cử tri, người dân cả nước rằng, Quốc hội đã lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm đến nguyện vọng của cử tri, có phản ứng phù hợp với tâm tư, thông báo chính danh cho cử tri biết.

Sau thông báo này, không có lý gì người dân lại bày tỏ như ngày hôm qua, còn nếu có phản ứng, đó là động cơ không trong sáng", bà Hải nói thêm.

Cần một Luật Biểu tình

Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, quyết định của Chính phủ, Quốc hội lùi thông qua Dự án Luật Đặc khu là kịp thời, đáp ứng mong muốn của người dân.

Ban Dân nguyện: Bày tỏ ý kiến về Luật Đặc khu là chính đáng nhưng không nên tụ tập đông người - Ảnh 3.

Ông Dương Trung Quốc.

"Làm ĐBQH, tôi cũng đóng góp rất nhiều ý kiến, tôi thấy những ý kiến của mình, kể cả ý kiến phát biểu tại hội trường hay ý gửi thẳng cho các nhà lãnh đạo, đều được tiếp nhận", ông Quốc nói.

Ông nêu rõ, chắc chắn quá trình xây dựng Dự án Luật này chúng ta còn chưa lấy được hết ý kiến của người dân một cách kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt là những tổ chức nghề nghiệp hay của các chuyên gia, nên đến phút cuối cùng mới tạo thành những bức xúc không đáng có.

"Đây là bài học ở cả phía cơ quan lập pháp, trong đó có Quốc hội. Cụ thể, quá trình xây dựng luật cố gắng thu thập được nhiều hơn ý kiến của người dân và ngược lại, tăng cường ý thức của người dân đối với các việc chung của đất nước", ông Quốc nêu rõ.

Vị ĐBQH này nhìn nhận, việc Chính phủ sáng sớm ngày 9/6 ra thông cáo sẽ đề nghị Quốc hội lùi thông qua Dự Luật Đặc khu là kịp thời.

Tuy nhiên, theo ông một số địa phương đã không kịp thời làm công tác tư tưởng, tuyên truyền tốt, tổ chức cơ sở không vào cuộc nên một bộ phận người dân tự phát tuần hành và có thể có người gửi gắm vào đó ý đồ này, ý đồ khác.

"Tôi cho rằng, đây là một bài học và chúng ta phải kịp thời ngăn chặn việc tương tự như thế", ông Quốc nói.

Từ những sự việc vừa xảy ra, ông cho rằng, chúng ta rất cần một Luật Biểu tình và khi có Luật, người dân có thể bày tỏ đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ, đồng thời, chúng ta có thể điều chỉnh được đối với những người quá khích.

"Chính vì chúng ta chưa có luật nên mới xảy ra tình trạng này. Tôi biết không ít người dân rất thành tâm tham gia chứ không phải ai cũng là quá khích, nhưng chúng ta chưa có hệ thống pháp lý để người dân bày tỏ quan điểm của mình dưới hình thức biểu tình và nên sớm làm", ông Quốc nêu.

Hoàng Đan

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news