Tin mới

Bản tuyên bố Biển Đông gây chia rẽ ASEAN của Trung Quốc

Thứ sáu, 24/06/2016, 11:38 (GMT+7)

Đánh giá về bản đồng thuận 10 điểm của Trung Quốc tại Hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc ở Côn Minh hôm 14/6 vừa qua sẽ cho thấy mục đích thực sự của Bắc Kinh cũng như cách nước này đã chia rẽ ASEAN trong tuyên bố chung về Biển Đông như thế nào.

Đánh giá về bản đồng thuận 10 điểm của Trung Quốc tại Hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc ở Côn Minh hôm 14/6 vừa qua sẽ cho thấy mục đích thực sự của Bắc Kinh cũng như cách nước này đã chia rẽ ASEAN trong tuyên bố chung về Biển Đông như thế nào.

Trao đổi với một số nhà ngoại giao Đông Nam Á tham dự hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc cũng như những động thái gần đây, rõ ràng Trung Quốc lại một lần nữa can thiệp nhằm ngăn các nước ASEAn đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông.

Vào cuối cuộc họp với ASEAN, Trung Quốc đã đưa ra "Bản đồng thuận 10 điểm", được cho là nhằm xoa dịu ASEAN sau khi can thiệp để nhóm không đưa ra tuyên bố chung ban đầu và đề nghị các nước trong khối xem xét, chấp thuận. Hầu hết các quốc gia ASEAN đều không chấp nhận, song Lào và Campuchia - hai quốc gia nhận nhiều đầu tư từ Trung Quốc, đã đồng ý xem xét lại lập trường của họ trong tuyên bố chung trước đó.

Vậy "Bản đồng thuận 10 điểm" của Trung Quốc có nội dung gì? Và tại sao nó khiến hầu hết các nước ASEAN đều không thể chấp nhận?

Giải mã 10 điểm đồng thuận

"Bản đồng thuận 10 điểm" của Trung Quốc về cơ bản được chia làm 3 phần. Phần đầu tiên nói về quan hệ ASEAN - Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh; phần hai đề cập đến những gì mà ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng làm trong vấn đề Biển Đông; và phần 3 nói về vai trò của mỗi quốc gia khác nhau trong vấn đề Biển Đông.

Hai điểm đầu tiên trong bản đồng thuận là về mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Điều này phù hợp với điệp khúc mà Bắc Kinh thường lặp đi lặp lại rằng vấn đề Biển Đông cần phải được đặt trong bối cảnh mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và không nên bị thổi phồng.

Trung Quốc liên tục lặp đi lặp lại luận điệu cho rằng vấn đề Biển Đông cần phải được đặt trong bối cảnh mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và không nên bị thổi phồng.

Điểm đầu tiên cho rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ tranh thủ cơ hội kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại để thúc đẩy thành quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc. Theo chuyên gia của The Diplomat, Bắc Kinh có thói quen sử dụng những ngày kỷ niệm để thúc đẩy những sáng kiến mới trong mối quan hệ với ASEAN.

Điểm thứ hai đề cập đến sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực, cũng như sự hỗ trợ của ASEAN đối với sự lớn mạnh của Trung Quốc và "vai trò quan trọng" của Bắc Kinh trong hợp tác khu vực.

Thực tế, Trung Quốc hành động không giống như những gì họ nói trong tuyên bố này. Rất nhiều nhà ngoại giao có mặt tại hội nghị đặc biệt cho rằng, trong những cuộc thảo luận, Trung Quốc đã trực tiếp thách thức khái niệm trung tâm ASEAN, khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á rất thất vọng.

Bốn điểm tiếp theo trong bản đồng thuận đề cập đến những vấn đề mà ASEAN và Trung Quốc nên cùng làm trong vấn đề Biển Đông.

Điểm thứ 3 trong bản đồng thuận nói rằng, ASEAN và Trung Quốc sẽ phối hợp cùng nhau để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tăng cường an ninh và thịnh vượng khu vực. Đây được xem là điểm chung nhất trong 4 điểm trực tiếp nói về vấn đề Biển Đông.

Điểm thứ 4 nói rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ "xử lý đúng đắn các vấn đề về Biển Đông, và sẽ không để nó ảnh hưởng đến bức tranh lớn về tình hữu nghị và hợp tác Trung Quốc - ASEAN".

"Bản đồng thuận 10 điểm" do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra bị ASEAN phản đối quyết liệt. Ảnh: Reuters

Điều này lại một lần nữa phù hợp với nỗ lực của Bắc Kinh "để giảm nhẹ vấn đề Biển Đông bằng cách nói với các nước Đông Nam Á đặt Biển Đông trong mối quan hệ rộng lớn hơn".

Điểm thứ 5 nói rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời tiến hành các cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Điều này khá dễ hiểu bởi Trung Quốc luôn lặp đi lặp lại rằng nên tập trung thực hiện đầy đủ DOC hơn là thúc đẩy COC – công cụ hạn chế các hành vi của Trung Quốc tại vùng biển này.

Điểm thứ 6 lưu ý rằng, cả ASEAN và Trung Quốc sẽ tuân theo những tài liệu quan trọng, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước LHQ về luật biển, 5 Nguyên tắc chung sống hòa bình và Hiệp ước Thân thiện, Hợp tác ở Đông Nam Á. Điểm đáng chú ý là dù có đề cập đến tài liệu quốc tế như UNCLOS, thì Trung Quốc cũng không quên "vơ" cả những tài liệu khu vực và quốc gia vào để xếp ngang hàng, bao gồm cả 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.

Bốn điểm cuối cùng liên quan đến vai trò của các nước khác nhau trong vấn đề Biển Đông.

Điểm thứ 7 cho rằng, các nước "liên quan trực tiếp" sẽ giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán mà không cần đến sự đe dọa hay sử dụng vũ lực. Điều này phản ánh quan điểm của Trung Quốc rằng các tranh cháp nên được giải quyết giữa Bắc Kinh và các nước riêng lẻ, không phải với sự tham gia của ASEAN hay tòa án quốc tế, như trường hợp Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực PCA.

Điểm thứ 8 lưu ý rằng "tất cả các bên liên quan" nên kiềm chế, tránh bất cứ hành động nào có thể khiến tình hình phức tạp và leo thang tranh chấp, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực để quản lý rủi ro trên biển như đã thỏa thuận càng sớm càng tốt.

Điểm thứ chín nói rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ duy trì quyền tự do hàng hải và tất cả các nước đều tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông. Đây là một điểm xuất hiện trong hầu hết các tuyên bố chung ASEAN, dù Trung Quốc cố nhấn mạnh rằng các mối quan ngại quốc tế đối với việc Bắc Kinh phá vỡ tự do hàng hải và hàng không đã bị phóng đại.

Điểm thứ mười và cũng là điểm cuối cùng kêu gọi "các nước bên ngoài khu vực" đóng "vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định cho khu vực". Dường như Bắc Kinh đang ám chỉ đến việc Mỹ có những động thái tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng ngang ngược hòng khẳng định chủ quyền phi lý trên biển.

Vì sao ASEAN phản đối bản đồng thuận của Trung Quốc?

Theo đánh giá chung, về cơ bản, Trung Quốc mới là "kẻ bại trận" khi không thể đạt được những mục đích lớn tại hội nghị Côn Minh lần này. Ảnh: Reuters

Theo The Diplomat, có thể thấy, "Bản đồng thuận 10 điểm" của Trung Quốc đã được soạn sẵn ngay từ trước khi hội nghị đặc biệt diễn ra và không có nội dung gì mới. Nó đơn giản là một danh sách các quan điểm của Trung Quốc từ trước đến nay cũng như trình bày lại nguyên tắc chung phản ánh mối quan hệ với ASEAN.

Thứ hai, còn một số điều khá thiếu rõ ràng trong tài liệu. Chẳng hạn, tầm quan trọng của vấn đề phi quân sự và tự kiềm chế trong việc tiến hành cải tạo phi pháp các thực thể ở Biển Đông - hai vấn đề cụ thể khiến căng thẳng Biển Đông leo thang trong những năm gần đây, thì lại không hề được nhắc đến.

Cuối cùng, rất dễ dàng nhận ra lý do tại sao hầu hết các nước ASEAN đều không ký vào tài liệu này mà chọn cách ra tuyên bố riêng của mình. Bản tuyên bố chung ban đầu của ASEAN đề cập những lo ngại của tổ chức đối với hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như những biện pháp mà cả hai bên có thể làm để giải quyết những quan ngại. Trong khi đó, bản đồng thuận của Trung Quốc chỉ đơn thuần trình bày lại các nguyên tắc và quan điểm chung.

[mecloud]txDuh7Cvzn[/mecloud]

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news