Tin mới

Báo chí tại Triều Tiên hoạt động như thế nào?

Thứ ba, 04/11/2014, 15:00 (GMT+7)

Tại sao những tin tức về tội phạm, thảm họa và tham nhũng không bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của CHDCND Triều Tiên?

 

Tại sao những tin tức về tội phạm, thảm họa và tham nhũng không bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của CHDCND Triều Tiên?

Tại những quốc gia biệt lập như Triều Tiên, tất cả mọi thứ đều được chính phủ kiểm soát. Hơn nữa, ở đây, các tin tức truyền thông được phát ra, in ấn và phân phối dưới sự giám sát và kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền. Vì vậy, ở Bình Nhưỡng, chỉ có những thông tin được chính phủ phê duyệt trước mới được đưa ra công chúng.

Truyền thông Triều Tiên cũng đưa các tin tức thế giới, nhưng nó rất khác so với các quốc gia tự do như Mỹ hay Hàn Quốc. Tại đây, số lượng tin tức quốc tế rất hạn chế, và tất nhiên chỉ có những thông tin đã qua kiểm duyệt mới được đưa.

Ví dụ, truyền thông Triều Tiên không quan tâm đến việc cập nhật các tin tức về Tây Tạng hay cuộc “Cách mạng Ô” đang diễn ra ở Hong Kong. Nhưng họ lại đưa các câu chuyện về biểu tình ở Hàn Quốc hay Mỹ.

Nói cách khác, báo chí Triều Tiên có đưa các tin tức thế giới nhưng với số lượng hạn chế và chưa bao giờ đề cập đến các tin không có lợi cho chính phủ nước này. Thay vào đó là những tin tức có thể củng cố vị thế của chính phủ và khuyến khích mọi người ủng hộ chế độ.

Báo chí tại Triều Tiên hoạt động như thế nào?Báo chí tại Triều Tiên được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa

Đối với tin tức trong nước, ngoài Rodong Sinmun, KCNA và kênh truyền hình Chosun Central TV, vốn được biết nhiều trên thế giới, còn có những hình thức truyền thông khác ở Triều Tiên và chúng khá khác biệt so với các nước khác. Các tờ báo ở đây được coi là kênh phát ngôn của Đảng Lao động và Bộ Chính trị, chủ yếu là các báo cáo hoạt động của Chủ tịch, các sự kiện chính trị và các chiến dịch của những cơ quan chính thức.

Sau khi cố Chủ tịch Kim Jong Il qua đời, những tờ báo trên hầu như chỉ viết lại những câu chuyện giống nhau về các hoạt động của Chủ tịch Kim Jong Un, ban biên tập cố gắng củng cố sự ủng hộ của nhân dân Triều Tiên đối với chế độ chuyên chế ở đây. Những tờ báo này cũng đăng các bài viết của những tổ chức chính trị chính thống trong bộ máy chính phủ Triều Tiên.

Do những hạn chế nói trên, hầu hết các kênh truyền thông của Triều Tiên khá tẻ nhạt, tuy nhiên cũng có một số khía cạnh thú vị. Vì truyền thông ở đây chỉ tập trung đưa về các câu chuyện nhấn mạnh vào quyền lực của chính quyền nên tuyệt nhiên không thấy có tin tức về tội phạm hay các vụ tai nạn xảy ra trong nước và quốc tế.

Người đọc sẽ không bao giờ tìm thấy một mẩu tin về nạn tham nhũng và chắc chắn cũng không thể đọc được các bài báo về việc thiếu công bằng xã hội do mảng phóng viên điều tra không tồn tại ở Triều Tiên. Tại Bình Nhưỡng, truyền thông không phải là để chỉ trích chính phủ hay thậm chí cũng không phải là cách để người dân cập nhật tin tức. Thay vào đó, nó tồn tại để củng cố khía cạnh tích cực của xã hội Bắc Triều Tiên và buộc mọi người chấp nhận sự chính thống và tính ưu việt của thể chế hiện hành.

Các kênh thông tin “có một không hai” ở Triều Tiên

Rodong Sinmun, được xem là tờ báo có ảnh hưởng nhất Triều Tiên, không chỉ là kênh phát ngôn của Đảng Lao động mà còn của các tổ chức chính phủ khác, bao gồm Bộ Tài chính. Đây là tuyến đầu của “cuộc chiến lý tưởng và chính trị” do chính phủ Triều Tiên đứng đầu. Khi đọc Rodong Sinmun, mọi người có thể theo dõi các tin tức chính trị trong nước. Ngoài ra, tờ báo này còn xuất bản “Bài xã luận Năm mới”, được đưa ra vào ngày đầu tiên mỗi năm. Đây được xem là đường lối chỉ đạo quan trọng nhất về chính trị, quân sự và kinh tế của chính phủ trong một năm sắp tới.

Democracy Chosun (Chosun Dân chủ) lại được xem là kênh phát ngôn của Bộ Chính trị, có xu hướng đăng các tin bài về những điều luật và chính sách mới thông qua của chính quyền. Chức năng của tờ báo này cũng là một công cụ để củng cố cho thể chế.

Báo chí tại Triều Tiên hoạt động như thế nào?Người dân Triều Tiên chỉ được tiếp cận với những tờ báo chính thống dưới sự kiểm soát của chính phủ. Ảnh: Worldpress

Trên thực tế, việc phổ biến các thông tin đáng giá hơn là dành cho KCNA. Cơ quan này có quyền tiếp cận tới hầu hết các thông tin trong nước và quốc tế ở Triều Tiên và cũng khá nhanh nhạy trong việc đưa các tin tức cập nhật nhất, ví dụ như về các chuyến thăm của những nhân vật quốc tế quan trọng.

Mặc dù Chosun Sinbo không xuất bản ở Triều Tiên nhưng tờ báo này cũng đưa ra quan điểm của chính phủ Triều Tiên đối với những người dân nước này sống tại Nhật Bản. Chosun Sinbo hầu hết đưa các tin tức về tổ chức Chongryon (Tổng hội liên hiệp người Triều Tiên tại Nhật Bản) và thỉnh thoảng cũng đăng những câu chuyện về các sự kiện đang diễn ra tại Bình Nhưỡng.

Tại Triều Tiên, có hai đài truyền hình, đó là Central Chosun TV và Mansudae TV. Kênh truyền hình trung ương Chosun không phát tin tức, chỉ chiếu các buổi biểu diễn hài và ca múa kịch, cũng như các chương trình dạy nấu ăn, chương trình thời trang và Dự báo thời tiết. Ngoài ra, còn có hai đài phát thanh là KCNA và Radio Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, do ít gia đình ở Triều Tiên có vô tuyến nên đài là nguồn cung cấp thông tin chính của người dân.

Do truyền thông bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi chính phủ nên việc tuyển chọn những người dẫn chương trình TV cũng rất khắt khe. Họ phải có xuất thân từ nền tảng gia đình nổi trội, có học vấn và ưa nhìn. Và lợi ích khi làm công việc này cũng khá nhiều. Ví dụ, phát thanh viên nổi tiếng nhất của đài KCNA, Choon-hee Lee, được gọi là “người phát thanh nhân dân”, được chính phủ đãi ngộ bằng cách cấp nhà ở sang trọng và một chiếc xe ô tô, và còn được làm tóc miễn phí tại ChangKwangWon, salon tóc tốt nhất ở Bình Nhưỡng. Chính phủ Triều Tiên thậm chí còn cung cấp cả lái xe riêng cho một số phát thanh viên tin tức.

Theo Tuệ Minh (NKnews.org)/ Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news