Tin mới

Báo Nhật: Trung Quốc đừng mơ trở thành siêu cường như Mỹ

Thứ sáu, 04/07/2014, 15:10 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo tạp chí The Diplomat của Nhật Bản, dù mang trong mình tham vọng "xưng bá" nhưng trở thành một siêu cường như Mỹ vẫn chỉ là giấc mơ của Trung Quốc.

(Tinmoi.vn) Theo tạp chí The Diplomat của Nhật Bản, dù mang trong mình tham vọng "xưng bá" nhưng trở thành một siêu cường như Mỹ vẫn chỉ là giấc mơ của Trung Quốc. 

The Diplomat vừa có bài phân tích một bài đăng trên Tạp chí The National Interest (Mỹ) của ông David Shambaugh, một học giả nổi tiếng về Trung Quốc, với những lập luận để trả lời cho câu hỏi: Trung Quốc có phải là một cường quốc toàn cầu hay không?

Tác giả đưa ra kết luận rằng, Trung Quốc không phải là một cường quốc toàn cầu, ít nhất là bây giờ. Lập luận mà ông Shambaugh đưa ra là Trung Quốc vẫn còn chưa đạt 5 tiêu chí quan trọng của một “cường quốc toàn cầu”. Đó là ngoại giao quốc tế, khả năng quân sự, văn hóa, sức mạnh kinh tế và hệ thống chính trị.

Thứ nhất, vị trí địa chiến lược của Trung Quốc không thuận lợi cho việc hình thành siêu cường. Dù cương vực Trung Quốc rộng lớn, nhưng không có điều kiện tự nhiên và địa chính trị siêu cường độc nhất như Mỹ. Phía bắc Trung Quốc đã có người khổng lồ Nga án ngữ, phía đông bị chặn bởi các đồng minh Mỹ gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, phía tây vướng Ấn Độ cũng đang vươn dậy. Duy chỉ hướng nam Trung Quốc có vẻ dễ thở đôi chút với các nước ASEAN nhỏ yếu hơn, song không có nghĩa dễ ức hiếp, bắt nạt…

Thứ hai, siêu cường thống lĩnh thế giới phải chứng tỏ được ưu thế trong cuộc cạnh tranh về thiết chế nhà nước, mô hình phát triển và hệ giá trị. Những yếu tố trên sẽ quyết định sức mạnh cứng kinh tế và quân sự, tính bền vững cũng như sức mạnh mềm toàn cầu của nhà nước siêu cường. Trải qua hai cuộc đại chiến thế giới, nhiều lúc bị Liên Xô vượt mặt, phải liên tục trả giá và chứng tỏ bản lĩnh thích ứng qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, Mỹ mới giành được vị thế lãnh đạo, thiết lập trật tự thế giới theo quan niệm Mỹ.

Trung Quốc thiếu 5 yếu tố để có thể trở thành siêu cường thế giới

Kích cỡ nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình phát động cải cách mở cửa. Quy mô kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc không cống hiến cho thế giới mô hình phát triển nào mới. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc chẳng qua chỉ là lớp vỏ mỹ miều, Trung Quốc không thể đạt mục tiêu xây dựng xã hội khá giả nếu thiếu kinh tế thị trường hay luồng vốn tư bản và đừng mong mở mày mở mặt nếu không được Mỹ làm ngơ để tập trung đối phó Liên Xô. Giờ đây dù giàu có hơn, nhưng Trung Quốc đang phát triển tựa một cơ thể chứa đầy mầm bệnh nguy hiểm dồn nén bất mãn xã hội, tham nhũng, đấu đá nội bộ, nạn khủng bố, ô nhiễm….

Thứ ba, dù nhiều nơi khác biệt quan điểm với Mỹ, song hệ giá trị và năng lực sáng tạo Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau: với những đại diện như Hollywood, Apple, Facebook, Google, Coca Cola… vẫn lan tỏa khắp toàn cầu. Luôn biết làm mới mình với chu trình hủy diệt và sáng tạo không ngừng, Mỹ tạo sự khác biệt để duy trì vị thế dẫn đầu. Chính người Trung Quốc từng thừa nhận, nếu không may bị phương Tây cấm vận, chỉ sau vài năm, từ chiếc thang máy, tàu cao tốc đến máy bay của Trung Quốc đều phải “đắp chiếu” vì thiếu công nghệ nguồn. Hiện Trung Quốc đích thực là siêu cường hàng nhái, hàng giả và sản phẩm độc hại.

Thứ tư, nhiều học giả và chính khách đang tự hỏi Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường kiểu gì nếu không có những đồng minh và bạn bè thực sự? Myanmar, Triều Tiên, Pakistan từng có vẻ thân thiết với Trung Quốc, nhưng dấu hiệu muốn thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc ngày càng rõ. Không nước nào chê tiền và cơ hội phát triển kinh tế từ Trung Quốc, nhưng tất cả đều dị ứng với tư tưởng áp đặt theo kiểu thiên triều-chư hầu cổ xưa. Lối hành xử hung hãn, ngang ngược nước lớn chỉ khiến Trung Quốc ngày càng thêm cô độc. 

Thứ năm, tâm tính dân tộc Trung Hoa là đồng hóa chứ không phải dung nạp văn minh như Mỹ khiến người khác bất an. Cuộc thăm dò toàn cầu mới đây của BBC cho thấy, phần lớn các quốc gia đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Kể cả không ưa, nhiều nước vẫn muốn Mỹ lãnh đạo thế giới, chứ không chấp nhận Trung Quốc. Cuối cùng, nếu ai đó muốn làm “anh cả” theo kiểu côn đồ, liệu Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, đặc biệt là Mỹ có chịu khoanh tay ngồi nhìn?

Theo The Diplomat, Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc như Mỹ vì một loạt lý do về lịch sử, văn hóa và xã hội

Theo The Diplomat, lập luận của ông Shambaugh có nhiều điểm được cho là đúng. Ví dụ, ông chỉ ra rằng, từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn ít tích cực và tỏ ra bàng quan trước các vấn đề toàn cầu.

Đây là một nhận định chính xác về Trung Quốc trong 3 thập kỉ qua, kể từ khi Trung Quốc bắt tay vào công cuộc "cải cách và mở cửa" vào năm 1978. Học thuyết nổi tiếng “ẩn mình, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình về cơ bản đã trở thành chiến lược lớn của Trung Quốc trong hàng chục năm qua, khiến ngoại giao của Trung Quốc trở nên khó hiểu. Trung Quốc hiện vẫn đang thể hiện bản thân một cách phức tạp trên trường quốc tế.

Ông Shambaugh đặc biệt đúng khi nói rằng: “Trung Quốc chưa thể đứng đầu, Trung Quốc chưa thể định hình ngoại giao quốc tế, chưa thể định hướng Chính sách của những nước khác, chưa thể kêu gọi sự đồng thuận toàn cầu, chưa thể tạo ra liên minh và giải quyết các vấn đề quốc tế”.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, trong bài viết, ông Shambaugh đã không hợp lý khi sử dụng hình ảnh của Mỹ để định nghĩa một cường quốc toàn cầu. The Diplomat cho rằng, ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia khác là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Do đó, việc dùng Mỹ để đánh giá Trung Quốc là không công bằng.

Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc như Mỹ vì một loạt lý do về lịch sử, văn hóa và xã hội. Việc đánh giá Trung Quốc có phải là một “cường quốc toàn cầu” hay không, chỉ nên dựa trên các mối quan hệ của Trung Quốc với nhiều quốc gia khác nhau.

Năm 1999, học giả người Anh Gerald Segal đã có một bài viết nổi tiếng trên tạp chí chính sách đối ngoại Foreign Affairs của Mỹ với tiêu đề “Does China Matter?” (Tạm dịch: Trung Quốc có làm nên chuyện?). Nhưng giờ đây, dường như không còn ai đặt câu hỏi "Trung Quốc có làm nên chuyện?" hay không nữa vì không thể phủ nhận rằng nước này đã trở thành một cường quốc theo nhiều khía cạnh. Có thể trong vòng 15 đến 20 năm tới, các học giả và chuyên gia sẽ không còn đặt câu hỏi "Trung Quốc có phải là một cường quốc toàn cầu?” nữa mà thay vào đó là: "Trung Quốc nên làm thế nào để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng thế giới?".

 

Yên Yên (Lược dịch theo The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news