Tin mới

Bé 4 tuổi vắt vẻo tầng 12: Phường "hiến kế" cho dân

Chủ nhật, 26/04/2015, 09:38 (GMT+7)

Vụ việc bé trai 4 tuổi leo ra ban công tầng 12 Tòa nhà CT3 - KĐT Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) kêu khóc nhưng được cứu kịp thời vào sáng 24/4 đã khiến nhiều người được một phen “thót tim”.

Vụ việc bé trai 4 tuổi leo ra ban công tầng 12 Tòa nhà CT3 - KĐT Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) kêu khóc nhưng được cứu kịp thời vào sáng 24/4 đã khiến nhiều người được một phen “thót tim”.

Là ngày nghỉ cuối tuần nên sáng qua (25/4) tại KĐT Văn Khê, nhiều hộ dân vẫn chưa hết xôn xao về vụ việc hãi hùng diễn ra đúng 1 ngày trước. 

Như tin tức đã đưa, vào khoảng 9h sáng 24/4, cháu X.T. (4 tuổi) con trai chị Đoàn Thị T. đã trèo lên ban công tầng 12 tòa nhà CT3 – KĐT Văn Khê ngồi khóc gọi bố mẹ.

Bé 4 tuổi vắt vẻo tầng 12: Phường

Hiện trạng của phần lớn các khu chung cư hiện nay đều không có lưới sắt bảo vệ phía ngoài ban công hay cửa sổ.

Thấy cảnh tượng trên, hàng trăm hộ dân quanh đó đã tìm mọi cách hô hào, khuyên nhủ cháu bé đi vào nhà. Thậm chí, một số người dân chủ động tháo các tấm biển quảng cáo lớn phía dưới, trải sẵn những chiếc chăn, đệm lớn ở phía dưới để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Nhưng rất may, khi một số người lên nhà đẩy cửa vào nhà thì cháu bé cũng đã kịp trèo vào nhà và ôm chầm lấy họ. 

Chị Hồ Thị H. (quê Thanh Hóa, ở chung cư CT3) kể lại: “Lúc ấy tôi thấy cháu bé trèo lên ban công rồi còn buông thõng cả hai chân xuống mà tim tôi như muốn nhảy ra ngoài. Chỉ kịp cùng bà con ở đây hô hoán và khuyên nhủ cháu bé phải bình tĩnh vào nhà vì mẹ cháu sắp về rồi”. 

Cũng có 2 con nhỏ ở tầng 10, chị M. (31 tuổi) cũng không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại giây phút đáng sợ ấy: “Nhìn cháu bé như vậy ai cũng lo lắng. Đặt trường hợp là mình thì sẽ không bao giờ dám để cho con ở nhà một mình cả. Với lại, chỉ có trời lúc ấy mới tạo nên điều kỳ diệu khiến cháu X.T bình tĩnh đi xuống vào trong nhà thôi”. 

Theo phán đoán của nhiều người dân quanh đó, rất may là cháu X.T. chỉ leo lên và ngồi ở phía trong ban công đó. Bởi theo thiết kế, phần ban công hộ nào cũng có thanh sắt nằm ngang gắn ở giữa tường của ban công rộng khoảng 30cm. 

“Lúc ấy nhìn từ xa nhưng tôi cho rằng cháu bé chỉ ngồi ở phía nửa trong của bờ tường ban công thôi, chỉ buông thõng hai chân xuống mà phần người đã được thanh sắt giữ lại phía trong nên mới không xảy ra việc gì. Chứ nếu mà ngồi ngoài phần thanh sắt đó thì nguy cơ ngã xuống do kêu khóc gọi bố mẹ là rất cao”, chị G. ở Tòa nhà CT4 cạnh đó kể lại mà vẫn run bần bật. 

Không chỉ có thế, bà Ngô Thị K. (70 tuổi) ở cùng khu chung cư với chị T. còn cho biết: “Do nhà chỉ có hai ông bà nhưng tôi để ý nhiều hộ dân xung quanh đây rất mất cảnh giác khi để cho con cái tự do nô đùa phía ngoài ban công. Chính tôi cũng phải thường xuyên ra ban công nhà mình nhắc nhở các cháu bé hàng xóm nên đi vào nhà. Bởi tháng 6 năm ngoài tại tầng 4 của tòa nhà này cũng đã xảy ra vụ cháu bé bị rơi xuống đất do ở nhà một mình”.

Hiện trạng của phần lớn các khu chung cư hiện nay đều không có lưới sắt bảo vệ phía ngoài ban công hay cửa sổ.

Lưới an toàn bằng sắt được một số hộ dân tự bỏ tiền ra lắp ở ban công hay cửa sổ nhà mình.

Trải qua những giây phút nghẹt thở đó, nhiều người đã có một pha hoảng hồn khiếp vía nhưng rất may mắn, cháu bé đã thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” trong gang tấc nhờ sự giúp đỡ của người dân sống cạnh đó. 

Một lần nữa vấn đề lắp đặt các thiết bị an toàn như lưới sắt, chắn song cũng được bà con tính đến. Theo phản ánh của một số người dân, việc họ tự thiết kế thêm song sắt hay lưới sắt về để lắp vào ban công hay cửa sổ nhà mình thì có lúc bị người của Chủ đầu tư không cho phép làm. Liệu điều này có đúng sự thật? 

Ban quản lý chưa ban giao mặt bằng cho chính quyền

PV báo Người đưa tin đã tìm gặp đại diện Ban quản lý (BQL) tòa nhà để tìm hiểu thêm thông tin. Ông Nguyễn Đắc Thanh (sống tại tầng 8 tòa nhà CT3), thành viên BQL tòa nhà CT3 xác nhận, có ra sự việc cháu bé 4 tuổi ở tầng 12 leo ra ban công hôm qua. Nhưng muốn biết cụ thể thì phải sang phía chính quyền phường hoặc đại diện chủ đầu tư để nắm bắt thêm. 

Tìm đến văn phòng của Công ty CP Đầu tư kinh doanh và Xây dựng 126 (tầng 2, Tòa nhà CT5C) là đơn vị chủ đầu tư xây dựng khu chung cư CT3 thì được nhân viên trực tại đây cho biết, lãnh đạo đi vắng không thể về kịp để tiếp PV. Khi được hỏi bao giờ thì lãnh đạo công ty sẽ về thì nhân viên nói không biết khi nào về. Thậm chí, PV xin số điện thoại lãnh đạo công ty để liên lạc thì nhân viên trực tại đây đã từ chối. 

Về phía chính quyền, ông Nguyễn Duy Huyền – Trưởng Công an phường La Khê cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tới hiện trường nắm bắt sự việc. Nhưng rất may là khi tới nơi, cháu bé đã vào nhà an toàn mà không xảy ra sự cố gì đáng tiếc cả.

Hiện trường ban công tầng 12 nơi cháu X.T. trèo đứng lên phía trên khiến nhiều người sởn gai ốc vì lo sợ.

Đem câu chuyện này trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hiển – Phó chủ tịch UBND Phường La Khê phụ trách xây dựng, ông Hiển xác nhận sự việc cháu bé trèo ra ban công tầng 12 là có thật. 

Ông Hiển còn cho biết: “Mặc dù đã đi vào hoạt động từ trước năm 2012, song, Ban quản lý dự án KĐT Văn Khê là công ty Sông Đà Thăng Long vẫn chưa có văn bản bàn giao lại mặt bằng cho chính quyền phường quản lý. Tuy nhiên, mọi vấn đề liên quan tới an ninh trật tự ở đây thì chúng tôi vẫn phải nắm bắt và có phương án đảm bảo an ninh cho bà con tới đây sinh sống”. 

Cũng theo vị Phó chủ tịch phường, để xảy ra sự việc trên lỗi phần lớn là do ý thức của người lớn. Bởi theo thiết kế ban đầu, bất cứ tòa nhà chung cư nào cũng đều đã tính toán tới phương án an toàn và thoát hiểm khi có sự cố. Đặc biệt là sự cố liên quan tới cháy nổ. 

“Nếu để người dân tự ý mua lồng sắt hay lưới sắt về lắp vào cửa sổ hay ban công thì mặc dù sẽ đảm bảo an toàn cho các cháu nhỏ khi nô đùa, nhưng sẽ cực kỳ khó khăn nếu trong trường hợp có hỏa hoạn. Vì khi đó, ban công hay cửa sổ chính là lối thoát hiểm để lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận nạn nhân nhanh nhất. Lúc đó, không ai còn đủ bình tĩnh để dùng máy cắt hay kìm cắt sắt để phá lớp bảo vệ bằng sắt đó cả”, ông Hiển nhấn mạnh thêm. 

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Hiển cũng lưu ý, các hộ có thể tự mua lưới an toàn giăng theo phương thẳng đứng ở phía ngoài ban công hay cửa sổ. Chi phí cũng không quá cao mà giữ được tính thẩm mỹ cho ngôi nhà. Đặc biệt giữ được an toàn cho con cái mình trong nhà mà vẫn có thể phơi đồ ở ngoài được.

“Đặc biệt, chớ nên để các vật dụng giống thù hình của bàn ghế hay đồ cũ cạnh tường ban công dễ biến thành vật nguy hiểm giúp các cháu bước được lên trên thành của ban công”, ông Hiển chia sẻ thêm. 

Đình Tuệ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news