Tin mới

Bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 dùng 2 hộ chiếu, khai gian sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ năm, 12/03/2020, 14:57 (GMT+7)

Liên quan đến việc bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 đã sử dụng 2 hộ chiếu để lọt qua cửa an ninh, luật sư đã có nhiều nhận định về vấn đề này.

Theo tin tức từ báo Công an Nhân dân, về trường hợp N.H.N, bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 đã đi tới nhiều quốc gia trong đó có Italia nhưng không bị phát hiện khi nhập cảnh, Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ vào chiều 11/3 cho biết: N.H.N có 2 hộ chiếu; Hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu của Vương Quốc Anh.

Ngày 15/2, N.H.N sử dụng 2 hộ chiếu trên làm thủ tục hàng không và xuất cảnh trên chuyến bay VN0055 theo hành trình từ Nội Bài sang Anh. Ngày 2/3/2020, trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài, hành khách N.H.N tiếp tục sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục nhập cảnh. Sau khi đi qua khu vực kiểm dịch y tế, đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh, cán bộ, chiến sỹ Công an Cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ các trang của hộ chiếu, không phát hiện có dấu kiểm chứng nhập xuất cảnh của Italia cho nên đã giải quyết nhập cảnh bình thường, không phát hiện được hành khách này đã đi qua vùng dịch.

N. được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tuy nhiên, trong hộ chiếu Việt Nam của hành khách thứ 17 nhiễm Covid-19 không có dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh Italia (nước nằm trong vùng dịch Covid-19);  nhiều khả năng hành khách này đã dùng hộ chiếu Anh để đi sang các nước trong khối EU mà không cần visa và không đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh trên hộ chiếu.

Do đó, cơ quan chức năng tại sân bay Nội Bài không phát hiện được hành khách này đã đến Italia nên không có biện pháp cách ly kịp thời, dẫn đến khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nhiều người thắc mắc liệu  trường hợp một công dân sử dụng 2 hộ chiếu và khai báo gian dối về hành trình di chuyển để trốn trách cách ly Covid-19 bị xử lý thế nào?

Nhận định trên vấn đề pháp lý, trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh) cho rằng người về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế, khai báo không trung thực là hành vi cần bị xử nghiêm.

Theo luật sư, khai báo y tế sau khi nhập cảnh là bắt buộc để phục vụ phòng chống dịch. Điều này đòi hỏi sự tự giác của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng.

"Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời nếu có ca bệnh, từ đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng", ông Thơm nhìn nhận.

Ông Thơm cho rằng cá nhân nào khai báo gian dối khi nhập cảnh, không chấp hành việc cách ly mà cố tình né tránh các quy định phòng dịch thì cần xử lý nghiêm minh.

"Nếu kết quả xét nghiệm dương tính mà làm lây nhiễm bệnh cho người khác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư nói và viện dẫn Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.

Cũng trao đổi về vấn đề này trên báo Dân Sinh, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, theo khoản 3 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì bệnh nhân thứ 17 phải khai báo kịp thời cho cơ quan chức năng là mình có đến Italia nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được diễn ra tốt nhất.

Nếu bệnh nhân cố tình lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu việc phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm đối với trường hợp phạm tội đẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 02 người trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo quan điểm của luật sư thì khả năng bệnh nhân thứ 17 cố tình lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác là rất thấp (coi như không có). Bởi vậy, để xử lý bệnh nhân thứ 17 một cách đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn thì cơ quan chức năng cần xem xét đến nhiều yếu tố, như là chủ ý của bệnh nhân thứ 17 này như thế nào, tại sao không khai báo mình từng đến Italia…

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều 10/3, Bộ trưởng Tô Lâm đã yêu cầu cơ quan chức năng xử nghiêm theo quy định các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly y tế.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 9/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news