Tin mới

Bệnh viện Mỹ cạn tiền, có thể phá sản vì không còn bệnh nhân thường

Thứ sáu, 03/04/2020, 11:37 (GMT+7)

Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 chật kín các giường bệnh khiến nhiều cơ sở y tế đứng trước nguy cơ phá sản vì không còn tiền để duy trì.

Mới đây, một trong những chuỗi bệnh viện lớn nhất nước Mỹ - HCA Healthcare - đã phải đóng cửa các phòng khám và cắt giảm giờ làm. Một hệ thống phòng khám tư nhân khác ở Dallas (bang Texas) cũng cho 1/3 nhân viên nghỉ phép, trong khi 700 nhân viên tại một hệ thống phi lợi nhuận gồm 48 bệnh viện phải nghỉ việc tạm thời, theo Wall Street Journal.

Virus corona chủng mới đã từ Vũ Hán lây nhiễm cho hàng nghìn người Mỹ. Đó chưa phải là tất cả vì từ đây các bệnh viện và bác sĩ Mỹ còn phải đối mặt với một vấn đề khác đó là ngân sách thu hẹp làm cạn kiệt nguồn lực y tế cần thiết và đe dọa hoạt động của các bệnh viện đang gặp khó khăn về tài chính.

Bệnh viện Mỹ cạn tiền, có thể phá sản vì không còn bệnh nhân thường (ảnh minh họa internet)

Ở các bệnh viên, nguồn thu chính đến từ số ca cấp cứu, thăm khám thường xuyên và phẫu thuật khác giảm mạnh. Chúng là nguồn tiền quan trọng đối với hầu hết bệnh viện.

Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân nhiễm virus corona đang chật kín các bệnh viện ở những thành phố như New York (bang New York), New Orleans (bang Louisiana) và Detroit (bang Michigan) nên các bệnh nhân thường không còn chỗ.

Không những thế, các bệnh viện còn phải đốt tiền để mua thiết bị bảo hộ y tế chống dịch Covid-19.

Wall Street Journal dẫn lời ông Chas Roades, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Gist Health, nhận định: "Sẽ có một làn sóng ập đến khi các bệnh viện chưa chuẩn bị sẵn sàng. Khi Doanh thu sụt giảm, họ phải cắt giảm chi phí và điều đó càng khiến họ thiếu sự chuẩn bị hơn".

Thống đốc tại ít nhất 17 bang đã kêu gọi các bệnh viện ngừng những cuộc giải phẫu không cần thiết trong vài tuần gần đây. Đồng thời bản thân các bệnh viện cũng hủy bỏ nhiều cuộc phẫu thuật để nhường chỗ cho bệnh nhân nhiễm virus corona và tiết kiệm thiết bị bảo hộ.

Trong khi đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh khác đã quyết định không đến bệnh viện và làm theo yêu cầu giãn cách xã hội của chính phủ để bảo vệ cho chính mình.

Bệnh viện Williamson Memorial hôm 30/3 đã phải tuyên bố sẽ đóng cửa vào tháng 4 sau khi doanh thu sụt giảm 45%. Số ca cấp cứu giảm khoảng 1/3, trong khi số ca điều trị nội trú giảm 2/3, theo Giám đốc điều hành Gene Preston.

Trong một diễn biến khác, các chuỗi bệnh viện lớn khác cũng không thoát khỏi tình trạng này. Bon Secours Mercy Health - một tổ chức phi lợi nhuận có cơ sở y tế trên 7 bang - cho biết họ sẽ cho phép 700 nhân viên hành chính nghỉ phép không lương.

Chuỗi HCA Healthcare cũng đang tìm cách không sa thải hoặc yêu cầu nhân viên nghỉ phép. Công ty sẽ chuyển các nhân viên nhàn rỗi sang làm những công việc khác và trả 70% tiền lương cho các nhân viên còn lại.

Gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD được ký thành luật hôm 27/3 bao gồm 100 tỷ USD trợ giúp các bệnh viện và cơ sở y tế. Tuy nhiên, họ không biết tiền sẽ được phân chia theo cách nào và bao giờ đến tay bệnh viện.

Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.011.490 ca nhiễm và 52.863 ca tử vong do Covid-19 tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 77.902 và 5.994 so với hôm qua. 210.186 người đã hồi phục, chủ yếu ở Trung Quốc.

Thời điểm này, Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới thậm chí còn đáng báo động hơn. Nền kinh tế lớn nhất thế giới báo cáo thêm 28.295 ca nhiễm và 781 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 243.298 và 5.883.

Kể từ khi Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào hôm 1/3 thì đến 2/4, con số này lên gần 6.000, cho thấy số người chết do Covid-19 tại Mỹ cứ sau ba ngày lại tăng gấp đôi.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news