Tin mới

Bí ẩn mặt trăng biến mất khỏi bầu trời đã có lời giải sau 900 năm

Thứ ba, 09/06/2020, 19:27 (GMT+7)

Mặt trăng đang sáng rực rỡ bống tàn dần và biến mất khỏi bầu trời trong khi những vì sao vẫn sáng lấp lánh. Phải mất 900 năm để bí ẩn được làm sáng tỏ.

Theo một tài liệu của Anh thời trung cổ, năm 1110 sau Công nguyên là một "năm thảm họa". Lượng mưa lớn khiến mùa màng thất bát, nạn đói rình rập và vào một đêm định mệnh của tháng 5, mặt trăng đã biến mất khỏi bầu trời. "Vào đêm mồng 5 tháng 5, mặt trăng đang sáng rực rỡ, sau đó ánh sáng tàn dần", người ghi chép viết trong bản thảo Peterborough Chronicle của người Anglo-Saxon. "Ngay khi màn đêm buông xuống, nó bị dập tắt hoàn toàn, không phát sáng, cũng không còn hình cầu, không có gì được nhìn thấy cả. Nó tiếp tục như vậy gần như cho đến hết ngày, sau đó xuất hiện tròn đầy, sáng chói".

Mặt trăng không phải bị mây che khuất bởi nếu có, người này sẽ không mô tả sao vẫn sáng lấp lánh trong khi mặt trăng lại mờ dần. Đó cũng không phải là nguyệt thực (mặt trăng bị cái bóng của Trái đất che khuất) bởi nếu có, người ta sẽ thấy quả cầu dần biến thành một "mặt trăng máu" màu đồng chứ không phải một điểm trống kỳ lạ trên bầu trời.

Vậy điều gì đã khiến mặt trăng biến mất trong một năm ảm đạm? Theo một nghiên cứu được công bố ngày 21/4 trên tạp chí Scientific Reports, lời giải thích cho cả việc mặt trăng biến mất và mưa lớn tàn phá mùa hè đó có thể giống nhau, chính là núi lửa.

"Các hiện tượng quang học khí quyển có liên quan đến các sol khí núi lửa ở trên cao, thu hút sự chú ý của các nhà biên niên sử từ thời cổ đại", tác giả của nghiên cứu viết. "Đánh giá cẩn thận các hồ sơ lõi băng chỉ ra sự xuất hiện của một số vụ núi lửa phun trào có khoảng cách gần nhau". Điều này có thể xảy ra tại châu Âu hoặc châu Á từ năm 1108-1110 sau Công nguyên.

Mặt trăng biến mất không phải do mây che khuất, cũng không phải nguyệt thực toàn phần. Ảnh minh họa: Shutterstock

Những sự kiện phun trào (mà các nhà nghiên cứu gọi là "cụm phun trào bị lãng quên" bởi chúng ít được các nhà sử học thời bấy giờ ghi chép lại) có thể giải phóng những đám mây tro bụi cao vút đi khắp thế giới trong nhiều năm. Những màn sol khí núi lửa ở cao không chỉ che lấp mặt trăng mà còn có thể phá vỡ khí hậu toàn cầu, gây ra hoặc khiến giá lạnh, thời tiết ẩm ướt thêm trầm trọng. diều này khiến cuộc sống trở nên khốn khổ vào năm 1110 sau Công nguyên. Một vụ phun trào như vậy, xảy ra tại Nhật Bản năm 1108 sau Công nguyên có thể là nguyên nhân.

Săn lùng "sự lãng quên"

Để tìm bằng chứng về những vụ phun trào "bị lãng quên", các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về các lõi băng từ Greenland và Nam Cực. Những ống băng cổ đại dài có thể tiết lộ khí hậu toàn cầu khi đó như thế nào cũng như các loại hạt nào đang trôi nổi quanh khí quyển. Nhóm thấy sự gia tăng đáng kể của các sol khí sulfate (một thành phần có trong tro núi lửa) ở cả lõi từ năm 1108 và 1110 sau Công nguyên. Điều này cho thấy tầng bình lưu bị phun khói từ một vụ phun trào gần đây.

Nhóm đã tìm thấy thêm bằng chứng về hoạt động của núi lửa trong các vành đai cây cùng thời kỳ. Các nhà nghiên cứu cho biết những vành đai này thay đổi độ dày theo các kiểu khí hậu. Năm 1109 là một năm ẩm ướt, lạnh lẽo bất thường tại Tây Âu. Đây là kiểu khí hậu dị thường có thể so sánh với tác động của một số vụ phun trào núi lửa lớn khác trong lịch sử. Nhóm cũng theo dõi 13 ghi chép về thời tiết bất lợi, mất mùa và nạn đói từ thời kỳ đó, tiếp tục ủng hộ giả thuyết một loạt vụ phun trào đã phá hủy khí hậu châu Âu.

"Nguồn gốc của những vụ phun trào này vẫn chưa được biết đến, nhưng một vụ phun trào với một ngày lịch sử trong giai đoạn này là núi Asama ở Nhật Bản", nhóm nghiên cứu viết. Theo một cuốn nhật ký mà nhóm này tìm hiểu, do một chính khách Nhật Bản viết từ năm 1062-1141, vụ phun trào của núi Asama ở miền trung Nhật Bản bắt dầu vào cuối tháng 8/1108 và kéo dài đến tháng 10 năm đó. Vụ phun trào đã khiến những cánh đồng gần đó không thể canh tác, điều này góp phần đáng kể vào việc làm tăng vọt sulfate trong lõi băng Greenland và làm ô nhiễm bầu trời đủ để gây ra nhật thực 2 năm sau đó.

Mặc dù tất cả những lời giải thích này dựa trên các bằng chứng "gián tiếp" nhưng theo các nhà nghiên cứu, nó vẫn cung cấp lời lý giải tốt nhất cho trường hợp mặt trăng biến mất.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news