Tin mới

Bị tố độc quyền taxi, Bệnh viện Bạch Mai lên tiếng

Thứ sáu, 27/10/2017, 20:59 (GMT+7)

Sau khi nhận được công văn khẩn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chiều 27/10, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã có phản hồi trước thông tin báo chí đưa về việc "Taxi độc quyền tại bệnh viện "chặt chém" người dân".

Sau khi nhận được công văn khẩn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chiều 27/10, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã có phản hồi trước thông tin báo chí đưa về việc "Taxi độc quyền tại bệnh viện "chặt chém" người dân".

Bị tố độc quyền taxi, Bệnh viện Bạch Mai nói gì? - Ảnh 1.

Mai Linh là một trong 2 hãng được khai thác trong Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Giao thông.

Theo thông tin trên Báo Giao thông, Infonet, chiều 27/10, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã có phản hồi trước công văn khẩn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu làm rõ thông tin báo chí đưa về việc "Taxi độc quyền tại bệnh viện "chặt chém" người dân", tại 6 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, do BV có lưu lượng bệnh nhân trung bình 6.000 bệnh nhân ngoại trú, 4.000 bệnh nhân nội trú và 3.000 cán bộ nhân viên và hơn 2.000 sinh viên, chưa kể người nhà bệnh nhân… nên việc ổn định tình hình an ninh, trật tự luôn được BV ưu tiên lưu ý.

"Riêng về vấn đề giao thông tại bệnh viện cũng đặt nhiệm vụ phục vụ bệnh nhân lên hàng đầu. Những năm trước, câu chuyện taxi dù tranh giành khách, lừa đảo khách, đi lòng vòng… là rất nhiều, làm thế nào hạn chế để người dân không bị bắt chẹt, lừa đảo… được BV đặt ra", ông Hiền nói.

Trước tình trạng trên, BV Bạch Mai đã chấp nhận cho 2 hãng taxi Việt Thanh và Mai Linh hoạt động chốt ở 2 cửa ra vào. Tuy nhiên, theo ông Hiền, để được khai thác các hãng này đều có cam kết rất rõ ràng.

“Nếu tăng giá, lòng vòng, thái độ phục vụ đều bị phạt hoặc ngừng không cho hoạt động trong viện. Đến nay, chưa có người dân nào phản ánh bệnh viện hay có bằng chứng phàn nàn với 2 hãng này”, ông Hiền khẳng định.

Liên quan đến vấn đề taxi thường gây ách tắc giao thông trước cửa bệnh viện, ông Hiền cho hay, BV Bạch Mai vẫn luôn ưu tiên người bệnh hàng đầu, tiếp cận dịch vụ cấp cứu nhanh nhất, nên viện bố trí đội ngũ bảo vệ và lực lượng công an CSGT đội 4, Công an phường Phương Mai tổ chức giao thông 2 cổng của bệnh viện… xe các hãng được vào đỗ trả khách trong 2 phút phải đi.

Tuy nhiên, thực tế không đơn giản, theo ông Hiền, cứ vắng bóng lực lượng CSGT, các taxi lập tức bịt kín cổng BV. Nhiều lần lực lượng bảo vệ của viện đã bị chém khi yêu cầu các taxi dù không gây ách tắc.

Thông tin thêm về việc này, ông Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai cho biết: “Tại BV Bạch Mai, “phí” đóng của 2 hãng taxi này được đưa vào Quỹ hỗ trợ người bệnh với mức 6 triệu đồng/tháng. Tất cả là mang tính chất phục vụ người bệnh.

"Quan điểm của BV chủ yếu là phục vụ, từ việc cho taxi vào hay hệ thống vận chuyển trong bệnh viện, chi phí chỉ đủ tái phục vụ duy trì phương tiện. BV đang có kế hoạch đầu tư thêm xe để phục vụ bệnh nhân và hướng tới miễn phí với người bệnh nặng di chuyển trong viện”, ông Hùng nói và cho biết bệnh nhân hoàn toàn có thể lựa chọn hãng khác cách đó chỉ 5 m, chứ không hề có sự ép buộc sử dụng dịch vụ taxi.

Cùng với BV Bạch Mai, một số bệnh viện cũng đã xác nhận có ký hợp đồng độc quyền với các hãng taxi.

Các bệnh viện khác như Nhi Trung ương, Đại học Y, Việt Đức đều viện lý do khuôn viên bệnh viện không đủ rộng và lo ngại nhiều hãng taxi cùng vào sẽ gây ùn tắc, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh nên các bệnh viện tạm ký với một đơn vị.

Các bệnh viện đều phản hồi, đang rà soát lại và sẽ lên phương án để ký với ít nhất từ 2 đơn vị taxi vào hoạt động trở lên trong thời gian tới nhằm tránh để tình trạng độc quyền taxi như hiện nay.

Trước đó, trên báo Tiền phong có đăng tải loạt bài “Taxi độc quyền tại bệnh viện "chặt chém" người dân” phản ánh tình trạng nhiều bệnh viện tại Hà Nội đang chấp thuận cho một số hãng taxi vào khai thác sảnh theo hình thức độc quyền.

Hậu quả là người dân đến bệnh viện không có sự lựa chọn, đành phải dùng dịch vụ taxi đọc quyền giá cao, chất lượng phục vụ thấp. Thậm chí, một số tài xế khi biết bệnh nhân và người nhà chỉ đi “quốc” ngắn đã từ chối hoặc chạy một đoạn phát hiện ra thì đuổi xuống xe.
 
Theo quy định, mặt bằng và hạ tầng bệnh viện là tài sản nhà nước, do vậy đơn vị quản lý muốn cho thuê, mượn làm dịch vụ phải được hình thành trên nguyên tắc đấu thầu công khai. Các hoạt động và giá dịch vụ tại bệnh viện cũng phải hướng đến cộng đồng.

Về việc này, chiều ngày 26/10, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thay mặt Bộ Y tế có công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Tim Hà Nội và Thanh Nhàn khẩn trương xác minh thông tin báo chí nêu.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news