Tin mới

Bộ Công Thương báo cáo Tổng Bí thư về 12 dự án nghìn tỷ bị thua lỗ

Thứ tư, 11/07/2018, 14:25 (GMT+7)

Sáng ngày 11/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương. Tại buổi làm việc, Bộ Công Thương đã báo cáo nhiều vấn đề "nóng" như tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ, việc khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Sáng ngày 11/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương. Tại buổi làm việc, Bộ Công Thương đã báo cáo nhiều vấn đề "nóng" như tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ, việc khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. 

VietnamnetDân Trí cho hay sáng ngày 11/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm  việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương. Đây được coi là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Công Thương đón tiếp người đứng đầu Đảng, Bộ Chính trị đến thăm. 

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương có nhiều vấn đề "nóng" nhất cả nước với các cuộc cải tổ về thể chế cũng như các vấn đề về 12 "đại" dự án thua lỗ. 

Ảnh: VGP

Báo cáo Tổng bí thư, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ năm 2016 đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biểu hiện phục hồi rõ nét hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là sự chuyển hướng trong Chính sách thương mại của một số nước lớn, cũng đã gây ra những thách thức không nhỏ cho kinh tế nước ta.

Ở trong nước, bên cạnh những vấn đề tồn tại nhiều năm như chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp thì sự sụt giảm của ngành khai khoáng cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp cũng đã đặt ra những thách thức to lớn cho mục tiêu tăng trưởng của cả nước.

Mặc dù vậy, điểm tích cực là kết quả sản xuất, kinh doanh toàn ngành cho thấy hoạt động của ngành công thương đã có nhiều những dấu hiệu tăng trưởng, phát triển nhất định.

Theo đó, xuất khẩu vẫn trên đà tăng trưởng tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung đạt mức tăng trưởng khả quan, bảo đảm cân đối cung cầu thiết yếu và hàng tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao...

Đáng chú ý, theo ông Trần Tuấn Anh, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.

Sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, đó là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.

4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, đó là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của nhà máy, đó là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên).

Bộ Công thương đã tiên phong trong việc cắt giảm đầu mối thuộc Bộ để bảo đảm bộ máy gọn, nhẹ và hoạt động có hiệu quả; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; chủ động nghiên cứu, đề xuất cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ để gỡ bỏ những rào cản không phù hợp, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành công thương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số chiến lược, quy hoạch trong ngành vẫn còn chậm bổ sung, sửa đổi bảo đảm tính khoa học, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Định hướng chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh không bền vững vẫn chưa được chỉ đạo triển khai rõ nét. Tính chủ động trong nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển công nghiệp theo hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn hạn chế.

Trong các lĩnh vực sản xuất, công tác thị trường và dự báo cung cầu còn yếu, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro.

Các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến vẫn chậm phát triển. Sản xuất và xuất khẩu vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới tuy có những tiến bộ song vẫn còn nhiều mặt bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được khắc phục triệt để.

Sau báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, các đại biểu sẽ phát biểu thảo luận. Cuối phiên thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu kết luận.

Minh Di (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news