Tin mới

Đại tá Trinh khóc vì “đường cong mềm mại” của đường Trường Chinh

Thứ năm, 10/04/2014, 10:37 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) “Cứ nghĩ đến thôi là tôi lại khóc, khóc vì quá bất công. Dân hết sức bức xúc vì cái đường cong mềm mại của TP.Hà Nội…” – Đại tá Nguyễn Tâm Trinh, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Rada – Quân chủng PK-KQ bức xúc.


 

(Tinmoi.vn) “Cứ nghĩ đến thôi là tôi lại khóc, khóc vì quá bất công. Dân hết sức bức xúc vì cái đường cong mềm mại của TP.Hà Nội…” – Đại tá Nguyễn Tâm Trinh, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Rada – Quân chủng PK-KQ bức xúc.

Trước đó, chiều ngày 8/4, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Dương Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã giải trình những vấn đề liên quan đến đường Trường Chinh đang thẳng thành cong.

Ông Dương Đức Tuấn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phủ nhận việc “bẻ cong đường Trường Chinh vì né nhà quan chức” và ông cũng thừa nhận, đường Trường Chinh sau khi thi công xong có cong, nhưng đó là “đường cong mềm mại”.

Ngay sau buổi họp báo, trên hầu hết các tờ báo lớn nhỏ trong nước đều thông tin về phát biểu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về cái “đường cong mềm mại” của đường Trường Chinh. Ngay lập tức, độc giả đã có những phản hồi hết sức gay gắt về cái được gọi là “đường cong mềm mại”.

Ngày 9/4, PV đã có buổi trao đổi với Đại tá Nguyễn Tâm Trinh (tổ trưởng tổ 40, phường Khương Thượng - người có nhà nằm trong diện bị thu hồi để giải phóng mặt bằng) về “đường  cong mềm mại” của đường Trường Chinh hiện nay.

Bộ đội cụ Hồ khóc vì “đường cong mềm mại” của TP.Hà Nội
“Cứ nghĩ đến thôi là tôi lại khóc, khóc vì quá bất công" - đại tá Nguyễn Tâm Trinh, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Rada – Quân chủng PK-KQ. Ảnh Đức Thuận

Vẻ mặt trầm lặng, đôi mắt sáng nhưng chất chứa u sầu, vừa rót nước mời PV, ông Trinh vừa kể: “Tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia bộ đội từ trước năm 1945, trải qua cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cả chiến tranh biên giới”.

Ông cho biết, năm 1987 ông được nhà nước cấp cho ngôi nhà số 10 ngõ 150 Trường Chinh để ở. Sau đó, ông đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để mua căn nhà theo quy định của nhà nước và làm đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời điểm, ông nhận nhà, Tư lệnh Phòng không – Trung tướng Trần Nhẫn có nói “nhà nước giao đất cho bác, bác được ở đây ổn định, lâu dài, an cư lạc nghiệp. Nếu có mở đường thì sẽ mở về phía nam, đất của quân chủng, không lấy đất của cán bộ, bộ đội bên này.”

Ông Trinh ngậm ngùi: “Hơn 27 năm gắn bó với ngôi nhà, ngoài nơi sinh sống thì nó đã ‘hóa tâm hồn’, là nơi lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm. Gần 90 tuổi, cứ nghĩ sẽ được tận hưởng những ngày còn lại trong ngôi nhà thân yêu, vậy mà giờ đây sẽ chẳng biết sẽ phải đi về đâu”.

Nói về “đường cong mềm mại” mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội gọi cho đường Trường Chinh, người lính già búc xúc: “Mềm mại ?! đường đang thẳng mà bẻ quặt vào 15 m là mềm mại ?!. Dân bức xúc vì cái mềm mại đó lắm. Con đường đang thẳng lại bẻ cong, Sở còn nói vì dân, và để tiết kiệm chi phí là không đúng. Tôi rất bức xúc và thấy thật không công bằng, cứ nghĩ đến việc họ bẻ cong con đường một cách trắng trợn tôi lại khóc, khóc vì uất quá. Mấy chục năm trong quân ngũ, chiến đấu ở các chiến trường, kinh qua 2 cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Đứng trước kẻ thù chưa bao giờ tôi run sợ. Vậy mà nay lại phải rơi nước mắt vì sự bất công.”

Bộ đội cụ Hồ khóc vì “đường cong mềm mại” của TP.Hà Nội
"Đường cong mềm mại" của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang gây bức xúc cho người dân.

Về việc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, con đường đang thẳng được làm cong sẽ tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng. Ông Trinh phản bác, theo đường chỉ đỏ mà Quân chủng PK-KQ lập ra, và văn bản thống nhất ý kiến giữa Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ và UBND TP.Hà Nội thì đường Trường Chinh thẳng. Ngay cả trong quy hoạch tổng thể TP.Hà nội được Thủ tướng ký cũng thể hiện đường Trường Chinh thẳng không bị bẻ cong. Hơn nữa, trong những văn bản mà BQP, Quân chủng PK-KQ đề nghị TP.Hà Nội đều nói rõ "việc mở rộng đường Trường Chinh về phía nam (thuộc đất của Quân chủng) không ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng, và tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng cho nhà nước". 

"Nếu theo quy hoạch ban đầu thì TP.Hà Nội chỉ phải bồi thường cho diện tích 6m tính từ mép đường cho người dân. Nhưng nay, nếu mở rộng về phía Bắc theo đường cong mềm mại của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì ít nhất có 26 ngôi nhà phải phá bỏ hoàn toàn, mỗi căn nhà có diện tích cũng phải 100m2 và Nhà nước phải đền bù toàn bộ diện tích thu hồi đó. Như vậy, tôi không hiểu Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nói sẽ tiết kiệm được gần 300 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng nếu làm cong con đường là ở đâu ?!" - ông Trinh cho biết thêm.

Cùng quan điểm với ông Trinh, Nguyên Vụ phó Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) - ông Nguyễn Quang Minh không đồng tình với lý giải của Ban quản lý dự án rằng bẻ cong đường Trường Chinh sẽ tiết kiệm được chi phí GPMB.

Ông Minh phân tích, bản đồ quy hoạch chi tiết dự án cho thấy phía bắc đường Trường Chinh có 461 hộ dân và 10 cơ quan, phía nam có 188 hộ và 12 cơ quan, trong đó đất của Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) chiếm gần 2/3.

Tính trung bình mỗi hộ dân giải tỏa, nhà nước phải trả tối thiểu 3 tỷ đồng (giá đất hiện tại ở đường Trường Chinh được tính từ 35-40 triệu đồng/m2), nhưng nếu mở rộng về phía nam và làm theo thiết kế ban đầu (đường thẳng) thì sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.

Gửi hàng chục lá đơn nhưng không được trả lời

Đại tá Nguyễn Tâm Trinh, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Rada – Quân chủng PK-KQ cho biết, trong hơn 1 năm qua đã gửi khoảng 30 lá đơn từ cấp địa phương cho đến Trung ương. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng. Nguyện vọng duy nhất của người lính bộ đội cụ Hồ đã gần 90 tuổi là cơ quan chức năng làm đúng như thiết kế ban đầu.

Đức Thuận
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news