Tin mới

Bộ GD-ĐT lên tiếng trước bức ảnh 'cả lớp nhận giấy khen mình em lạc lõng'

Thứ bảy, 11/07/2020, 16:31 (GMT+7)

Trước bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội về một học sinh không được nhận giấy khen, ngồi bàn đầu, xung quanh các bạn đều giơ cao giấy khen, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bày tỏ quan điểm của mình.

Mới đây, trên mạng xã hội đang gây số khi xuất hiện một hình ảnh trong một lớp có tới  99% học sinh được giấy khen, chỉ có một em ngồi đáng thương, lạc lõng vì không có gì trong tay để giơ lên.

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân gì khiến nam sinh này không nhận được giấy khen cuối năm, tuy nhiên trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.

Bức ảnh chưa rõ nguồn gốc lan truyền trên mạng xã hội được nhiều người chia sẻ từ ngày 9/7.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Infonet, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Về hình thức khen, có nhiều cách khác như: khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp... chứ không nhất thiết phải phát giấy khen mới là khen.

"Việc lạm dụng giấy khen không đúng thực tế đã được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo để có những điều chỉnh.

Bức ảnh nói trên nếu có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh, đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác", ông Thái Văn Tài chia sẻ.

Cũng trên VTV, ông Tài nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng xác minh về tính xác thực của bức ảnh này. Nhưng bất luận trong trường hợp nào, xin hãy đừng làm tổn thương các em!".

Ông Thái Văn Tài cho biết, việc đổi mới đánh giá học sinh ở các bậc học, trong đó có bậc tiểu học đã được ngành Giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, được xã hội đồng thuận và dần đi vào thực chất.

Cụ thể, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, sau đó là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi thông tư 30 của Bộ GDĐT đã quy định rõ: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

Theo ông Thái Văn Tài, về hình thức, không cứ phải khen bằng giấy khen mà còn có nhiều cách khác, như: khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp... Vì vậy, việc lạm dụng giấy khen, hay khen không đúng thực tế đã được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo để có những điều chỉnh.

"Thời gian gần đây, những vấn đề này đã được khắc phục khá tốt và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận", ông Tài nhìn nhận.

Ông Tài cho hay, hiện Bộ GD&ĐT đã dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học; hình thức khen thưởng trong dự thảo Thông tư này đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

"Theo đó, việc khen không đúng thực chất, khen không đúng bản chất còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục cần được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới" - ông Thái Văn Tài nêu quan điểm.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news