Tin mới

Bộ GD&ĐT nói gì về quy định học sinh cao từ 1,5 m mới được thi sư phạm?

Thứ năm, 14/02/2019, 08:55 (GMT+7)

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, việc quy định cao từ 1,5 m mới được thi sư phạm, ĐH Sư phạm TP.HCM phải đảm bảo bình đẳng cho thí sinh.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, việc quy định cao từ 1,5 m mới được thi sư phạm, ĐH Sư phạm TP.HCM phải đảm bảo bình đẳng cho thí sinh.

Trong thông báo về phương án tuyển sinh dự kiến năm 2019 của trường ĐH Sư phạm TP.HCM có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên.

Ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết quy định về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ năm 2008. Thông tin này được trường tiếp tục sử dụng để tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề nghiệp nhằm đón đầu những đòi hỏi của xã hội, những mong mỏi của phụ huynh về lớp nhà giáo hiện đại, có sức khỏe và có quyết tâm trong nghề nghiệp.

Ảnh minh họa

Theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đây chỉ là quy định trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chứ không phải là tiêu chuẩn mới của ngành giáo dục.

Trong khi đó, trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, các trường đại học được tự chủ khi đặt ra quy định về tuyển sinh, miễn sao không vi phạm nhân quyền.

Theo GS Báo, một số ngành có quy định về ngoại hình như công an, quân đội, biên tập viên truyền hình. Tại sao ngành sư phạm lại không được quy định?

Cũng trao đổi với nguồn trên, một giáo viên đồng tình với vấn đề trên cho hay, thực tế đứng lớp ngoại hình là vấn đề quan trọng của giáo viên. 

"Học sinh sẽ hứng thú với bài giảng hơn nếu giáo viên có giọng nói tốt, ngoại hình ổn. Nhiều em từng tâm sự rằng các em không hứng thú với bài vở nếu gặp giáo viên 'chẳng muốn nhìn'", cô giáo này nói.

Nói về vấn đề này, trao đổi với PV Vietnamnet, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.

“Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm... để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo.  Các quy định khác do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu” của trường nhưng phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện Chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội”, bà Phụng cho hay.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news